Muốn vay được tiền phải có “sổ đỏ” thế chấp
Hiện nay các HTX muốn vay vốn từ các tổ chức tín dụng, nhất là ngân hàng thương mại thì phải có phương án kinh doanh và tài sản thế chấp. Thực tế các HTX tại ĐBSCL nói riêng cũng như cả nước nói chung đều hoạt động chỉ ở mức trung bình khá. Rất ít những HTX hoạt động tốt, có nguồn nhân lực để có thể tự viết các phương án kinh doanh. Đó là chưa nói việc HTX không có tài sản do vốn điều lệ ít hoặc tài sản được nhà nước tài trợ (thuộc loại tài sản không chia), không được thẩm định để thế chấp. Do đó, việc tiếp cận vốn từ các ngân hàng thương mại hầu như bất khả thi.
Để giải quyết nhu cầu tín dụng cho HTX thực tế một số thành viên nòng cốt phải “lách” bằng cách đem sổ đỏ của gia đình thế chấp các khoản vay dưới tên cá nhân thành viên.
Trước đây, chúng tôi có biết đến trường hợp ông Thạch Đa Ra, Giám đốc HTX Tân Mỹ (Trà Ôn, Vĩnh Long) cũng thế chấp sổ đỏ của gia đình để vay vốn phát triển cho HTX. Hiện nay, qua trao đổi với Liên minh HTX một số tỉnh, thành ĐBSCL các đơn vị đều cho biết thực tế các HTX vay ngân hàng đều phải có sổ đỏ của thành viên.
Thông tin về nguồn vốn hỗ trợ cho các thành viên của Liên minh HTX Trà Vinh, bà Lê Thu Nhạn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX cho biết, Liên minh có quỹ đầu tư phát triển HTX khoảng 10 tỷ đồng cho các thành viên vay. Tuy nhiên, thành viên cũng cần phải có tài sản thế chấp mới được vay. Bà Nhạn nói thêm rằng, do là cơ quan hỗ trợ HTX nên thẩm định có phần “nhẹ thở” hơn các ngân hàng thương mại.
Còn tại Liên minh HTX Vĩnh Long, trao đổi với một cán bộ công tác tại đây chúng tôi cũng được biết, đơn vị này có quỹ đầu tư khoảng 1 tỷ đồng cho các thành viên vay. Nhưng chỉ vay mua sắm thiết bị nhưng phải thế chấp bằng chính tài sản đó. Ví dụ mua xe tải thì thế chấp cà-vẹt. Chứ chưa cho vay vốn lưu động.
Nói về vấn đề tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Văn Đời, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Bình Thành (Lấp Vò, Đồng Tháp) cho hay: “HTX kinh doanh điện nông thôn, có tài sản thực tế khoảng 10 tỷ đồng nhưng không thể thế chấp để vay vốn được với lý do cán bộ ngân hàng không thẩm định tài sản thực tế theo từng sản phẩm”.
Ông Nguyễn Văn Đời cho rằng: Nếu thời gian tới, các HTX tiếp tục phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ngân hàng mới cho vay vốn thì không bền vững. Chính vì thế, ông Đời kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên nghiên cứu đến việc cho phép ngân hàng địa phương thẩm định thực tế tài sản của HTX. Bên cạnh đó, có chính sách, văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể hoạt động này để HTX sẽ sớm được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.
Hợp tác xã phải tự bơi
Chính sách hỗ trợ cho hợp tác xã nông nghiệp phát triển không thiếu nhưng khi tiếp cận lại quá khó, nhất là chính sách về tín dụng, buộc hợp tác xã phải tự bơi bằng nguồn vốn tự có khá khiếm tốn.
Kiên Giang là tỉnh có phong trào kinh tế tập thể phát triển khá mạnh. Hiện toàn tỉnh có 520 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động, với 53.924 thành viên, diện tích canh tác gần 64.158ha, tạo việc làm cho gần 10.000 lao động ở đia phương. Trong đó, có 458 HTX nông nghiệp, gồm 366 HTX trồng trọt, 92 HTX thủy sản), 40 HTX phi nông nghiệp, 3 HTX xây dựng, 8 HTX tiểu thủ công nghiệp và 22 quỹ tín dụng nhân dân. Mặc dù số HTX lớn nhưng tổng vốn điều lệ đăng ký chỉ đạt chưa tới 396 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi HTX chỉ có nguồn vốn điều lệ khiêm tốn khoảng 76 triệu đồng để phát triển các dịch vụ phục vụ xã viên.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, tỉnh Kiên Giang đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ. Cụ thể, trong năm 2020, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 340/2020/NQ-HĐND, ngày 22/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn và Nghị quyết 337/2020/NQ-HĐND, ngày 22/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Sau đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai, đưa nghị quyết vào thực tiễn đời sống. Tuy nhiên, đến nay các HTX cũng chưa thể tiếp cận với những chính sách này.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, Kiên Giang) cho rằng: “Nguồn vốn eo hẹp đang là rào cản lớn khiến HTX không thể mở rộng các dịch vụ phục vụ xã viên”. Theo ông Huỳnh, HTX Phú Hòa có diện tích canh tác lên tới 615 ha, với 320 xã viên. Với hoạt động chính là sản xuất lúa 2 vụ/năm, HTX tập trung vào các dịch vụ như bơm tưới, làm đất, sạ phân, phun thuốc BVTV, thu hoạch lúa bằng cơ giới, thu mua nông sản…
Với một số dịch vụ, thì các xã viên có điều kiện sẽ tự hùn tiền lại, mỗi người vài chục triệu đồng để mua máy móc về làm dịch vụ, có lãi thì chia theo cổ phần đóng góp. Tuy nhiên, riêng với dịch thu mua nông sản, với sản lượng lúa lên đến hàng ngàn tấn, lại thu hoạch trong thời gian ngắn, cần nguồn vốn nhiều tỷ đồng thì đành chịu thua.
“Vì hiện nay, HTX không thể vay vốn tín dụng từ ngân hàng, do không có tài sản thế chấp. Còn chính sách hỗ trợ của tỉnh, mỗi HTX được hỗ trợ tối đa nguồn vốn tín dụng lên đến 2 tỷ đồng nếu có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả thì lại không tiếp cận được. Đành chấp nhận tự bơi với nguồn vốn điều lệ hạn hẹp”, ông Huỳnh nêu khó khăn.
Theo ông Phạm Thành Trăm, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang thì chính sách hỗ trợ phát triển HTX thời gian qua được ban hành rất nhiều nhưng chỉ nằm trên giấy, thực tế rất ít hoặc không có HTX nào tiếp cận được. Riêng về Kế hoạch 93/KH-UBND, ngày 29/4/2021, triển khai thực hiện Nghị quyết 337/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang thì chưa HTX nào tiếp cận được.
Theo kế hoạch này của UBND tỉnh Kiên Giang, mức hỗ trợ vay vốn không quá 2 tỷ đồng/HTX/dự án, trong đó vốn đối ứng của HTX phải có tối thiểu là 20%. Thời gian vay vốn tối đa là 5 năm và được hỗ trợ lãi suất vay trong 3 năm, gồm hỗ trợ 100% lãi suất cho 2 năm đầu và hỗ trợ 50% lãi suất cho năm thứ 3.
Ông Trăm cho rằng, Liên minh đã hỗ trợ cho 4 HTX trên địa bàn tỉnh làm đẩy đủ các hồ sơ thủ tục, mướn tư vấn, thiết kế xây dựng phương án cụ thể, với số vốn tín dụng cần là 7,6 tỷ đồng. Thậm chí UBND tỉnh đã có quyết định giao vốn, thế nhưng khi hồ sơ qua Sở KH-ĐT lại bị tắc mà không rõ lý do.
Theo ông Trăm, các chính sách khi ban hành thì rất thiết thực và thông thoáng nhưng khi triển khai thực tế thì lại vướng đủ thứ. Cái vướng lớn nhất chính là các Sở, ngành liên quan triển khai thiếu đồng bộ, dẫn đến bế tắc. Còn các ngân hàng khi tham gia lại có những quy định rất khó, ràng buộc đủ thứ. Nguồn vốn cho vay thì rất nhiều nhưng thủ tục quá rườm rà, thậm chí là không khả thi, khiến lãnh đạo các HTX ngán ngẩm, cuối cùng đành bỏ cuộc, không thể tiếp cận vốn vay.
Ngân hàng thương mại hết hạn mức
Vấn đề tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo chia sẻ từ ông Võ Văn Khúc, cán bộ tín dụng ngân hàng BIDV tại TP. Cần Thơ cho biết: Tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đang là định hướng của các ngân hàng. Tuy nhiên, hạn mức tín dụng năm 2022 mà ngân hàng Nhà nước giao cho các ngân hàng thương mại là 9,5%. Đến thời điểm này dù nhu cầu vốn của các doanh nghiệp rất lớn nhưng các ngân hàng đã gần hết, hoặc hết hạn mức nên các nên không thể giải ngân thêm. Nếu doanh nghiệp làm hồ sơ vay hiện nay thì phải đợi đến tháng 2-3/2023 Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu mới được giải ngân.