Khai thông tín dụng vi mô cho HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hơn 64.000ha sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Sớm hoàn thiện tài liệu hướng dẫn đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Giá heo hơi giảm 7.000 đồng/kg.
KHAI THÔNG TÍN DỤNG VI MÔ CHO HTX, DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ
Sáng 28/7, Tổ Điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 tổ chức Diễn đàn “Khai thông tín dụng vi mô phục vụ chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và HTX” để kết nối thông tin giữa các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ với các tổ chức tín dụng. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường nông sản, nhu cầu tín dụng của các HTX, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay là rất lớn. Tuy nhiên, tỷ lệ được tiếp cận tín dụng hàng năm vẫn còn rất khiêm tốn. Do đó, một số vấn đề cần được xem xét và sớm giải quyết là: phương pháp đánh giá, định giá tài sản thế chấp; tín dụng nội bộ; nâng cao năng lực quản trị của các HTX và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Quốc Toản cũng đề nghị các tổ chức tín dụng xem xét và coi hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản như một tài sản bảo lãnh khi vay vốn.
Sáng 28/7, Cục Bảo vệ thực vật, Tổ chức FAO phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk tổ chức hội thảo Thực trạng và giải pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn ở Việt Nam. 7 tháng đầu năm 2022, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn là hơn 64.700 ha; nhiễm nặng gần 22.130 ha. Hiện, bệnh đang gây hại tại 19 tỉnh, thành phố. Trong đó, Phú Yên có diện tích sắn bệnh nhiều nhất với hơn 26.000 ha.Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Quý Dương, Cục phó Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Bộ NN-PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bệnh khảm lá sắn do Thứ trưởng Lê Quốc Doanh là Trưởng ban. Quan điểm của Ban chỉ đạo trong phòng chống bệnh khảm lá sắn là tạo ra các giống kháng cũng như cách thức tổ chức nhân giống để sớm quản lý bệnh khảm sắn hiệu quả. Đồng thời, coi đó là chìa khóa quan trọng trong phòng chống loại bệnh nguy hiểm này.
SỚM HOÀN THIỆN TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN ĐỒNG QUẢN LÝ TRONG BẢO VỆ NGUỒN LỢI THỦY SẢN
Sáng 28/7, Tổng cục Thủy sản tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm 2022 công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản. 6 tháng qua, cả nước đã thả hơn 36 triệu con và 60.000 kg giống thủy sản các loại. Theo kế hoạch, năm 2022 dự kiến thả hơn 53 triệu con và 150.000 kg giống thủy sản các loại vào thủy vực tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, địa phương và bà con ngư dân cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng trong Tổng cục Thủy sản, các tổ chức phi chính phủ liên quan như IUCN, UNDP,… trong công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản được thực thi hiệu quả. Ngoài ra, Tổng cục thủy sản sẽ sớm hoàn thiện tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, bộ chỉ số giám sát và đánh giá thực hiện “ Đồng quản lý trong bản vệ nguồn lợi thủy sản”.
GIÁ HEO HƠI GIẢM 7.000 ĐỒNG/KG
Giá heo hơi hôm nay 28/7 tại thị trường miền Bắc đang giảm rải rác từ 1.000 - 4.000 đ/kg so với hôm qua, hiện đang giao dịch quanh mức 65.000 - 70.000 đ/kg.Tại miền Trung và Tây Nguyên giá heo hơi giảm nhẹ 1.000 đ/kg ở một vài địa phương và đang thu mua quanh mức 65.000 - 69.000 đ/kg. Còn tại thị trường miền Nam, giá heo hơi giảm mạnh tới 7.000 đ/kg so với hôm qua, hiện mức thu mua quanh ngưỡng 63.000 - 70.000 đ/kg. Trong đó, 2 tỉnh có mức giảm mạnh nhất là: - Bến Tre giảm 3.000 đ/kg, thu mua ở mức 65.000 đ/kg.- Vũng Tàu giảm 7.000 đ/kg và đang thu mua ở mức 66.000 đ/kg.