Theo Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang, mưa to, kèm giông lốc tối 24, ngày 25/6 đã khiến mực nước sông Lô dâng cao, làm vỡ 12 lồng bè nuôi cá của người dân tại thị trấn Yên Sơn, huyện Yên Sơn, gồm 7 lồng khung sắt cộng lưới và 5 lồng bằng sắt hoàn toàn.
Ông Hoàng Trung Thông, Chủ tịch UBND thị trấn Yên Sơn, huyện Yên Sơn cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin các hộ nuôi cá lồng bị thiệt hại, UBND thị trấn đã xuống hộ gia đình kiểm kê tài sản thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả. 12 lồng cá bị nước cuốn trôi là của 2 hộ gia đình ông Phạm Văn Thành và Phạm Văn Tuấn, cùng ở tổ dân phố Văn Lập, thị trấn Yên Sơn. Trong đó có 4 lồng nuôi cá bỗng tổng số khoảng 1.600 con, trọng lượng từ 1 đến 2kg/con; 1 lồng nuôi cá quất khoảng 150 con, trọng lượng từ 1,5 đến 2kg/con; còn lại là các lồng nuôi cá trắm đen, cá rô phi… ước thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.
Nhiều năm nay, gia đình ông Phạm Văn Thành, ở tổ dân phố Văn Lập, thị trấn Yên Sơn sống bằng nghề nuôi cá lồng. Do đó, việc các lồng cá của gia đình bị lũ cuốn trôi là mất mát quá lớn. Ông Thành cho biết, những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang xảy ra mưa lớn, nước từ trên thượng nguồn đổ về khiến sông Lô dâng lên rất nhanh, gia đình không kịp thực hiện phương án ứng phó.
Nước lũ cuốn nhanh, phá hủy các lồng nuôi và hệ thống dây buộc gia cố lồng. Chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, nhìn toàn bộ các lồng nuôi cá trên sông bị nước lũ cuốn trôi mà ông Thành và em trai mình là ông Phạm Văn Tuấn đành bất lực. Ông mong muốn ngành chức năng của tỉnh Tuyên Quang có chính sách hỗ trợ giúp gia đình vượt qua khó khăn, mất mát do thiên tai gây ra.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.435 lồng cá, tập trung ở các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn. Để chủ động ứng phó cũng như hạn chế thấp nhất rủi ro cho các hộ nuôi thủy sản, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản Tuyên Quang đã có công văn gửi các huyện, thành phố về thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn nuôi trồng thủy sản mùa mưa bão. Bên cạnh đó, Chi cục chỉ đạo, phối hợp cán bộ chuyên môn tại các huyện phối hợp với các xã, thị trấn rà soát ao nuôi, lồng nuôi có nguy cơ xảy ra ngập lụt để tuyên truyền bà con thực hiện biện pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi trồng thủy sản.
Gia đình anh Lê Anh Minh, làm nghề nuôi cá lồng trên sông Lô khu vực cầu Nông Tiến, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang được hơn 10 năm nay. Hiện nay gia đình anh có 3 cá lồng to khung sắt, mỗi lồng nuôi hơn 1.000 con cá chiên, cá ngạnh.
Anh Minh cho biết, năm nay mưa nhiều, nước sông Lô liên tục dâng cao nên gia đình thường xuyên kiểm tra lồng, bè; gia cố lại lưới, hệ thống dây neo, các trang thiết bị bảo đảm an toàn và có biện pháp bảo vệ tránh thất thoát các lồng nuôi. Anh cũng thường xuyên nghe dự báo thời tiết để khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng, gia đình sẽ khẩn trương thu hoạch các lồng cá nuôi đã đạt kích thước thương phẩm; di chuyển lồng, bè vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ.
Do có hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi cá lồng, vì vậy trong thời gian mưa bão diễn ra, anh Minh thường giảm hoặc dừng cho cá ăn; sau mưa, bão sẽ bổ sung khoáng chất, men tiêu hóa tại các lồng nuôi...
Ông Bùi Chí Thanh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang cho biết, theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ nay đến cuối năm, thời tiết thay đổi theo hướng cực đoan, nắng nóng, mưa, bão kéo dài và không theo quy luật. Bởi vậy, để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả trong mùa mưa bão, ổn định và duy trì sản xuất, UBND các huyện, thành phố và đơn vị liên quan cần quan tâm thông tin đầy đủ về tình hình dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai đến người dân để chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.