| Hotline: 0983.970.780

Hệ thống thủy lợi Liễn Sơn, giá trị vượt thời gian

Thứ Ba 25/06/2024 , 09:01 (GMT+7)

Đập tràn Móng Cầu có vị trí trọng yếu, chi phối hệ thống thuỷ lợi của nhiều địa phương bên bờ sông Phó Đáy. Cuộc sống của người dân phụ thuộc cả vào con đập.

 “Nguồn sống” của người dân

Hệ thống thuỷ lợi Liễn Sơn (Vĩnh Phúc) là công trình cung cấp chủ yếu nguồn nước tưới tiêu cho người dân trong khu vực. Ngoài ra, chúng còn tạo điều kiện thuận lợi để bà con nuôi trồng thuỷ sản, đồng thời cấp nguồn cho hệ thống nhà máy nước sạch nông thôn.

Được sự đầu tư của Nhà nước, hệ thống thủy lợi Liễn Sơn có khả năng tưới nước cho gần 65.000 ha lúa và hoa màu của cả 3 vụ/năm; cấp nước cho gần 1.700 ha nuôi trồng thủy sản; tiêu nước cho lưu vực có diện tích lên tới hơn 43.000 ha ở hầu khắp các huyện, thành phố trong tỉnh.

Xung quanh đập tràn, bà con đã tận dụng nguồn nước sẵn có để trồng trọt. Ảnh: Minh Toàn.

Xung quanh đập tràn, bà con đã tận dụng nguồn nước sẵn có để trồng trọt. Ảnh: Minh Toàn.

Ông Đỗ Văn Đường (62 tuổi, xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho biết: “Cấy hái chỉ biết lấy nước ở thủy lợi Liễn Sơn. Bơm nước vào ruộng để cấy lúa năm 2 vụ/năm, mùa nóng thì cho trâu ra đằm cho mát xong dắt về. Mùa nước, cá từ sông Lô ngược vào rất nhiều, người dân đánh bắt cá như mở hội”.

Thật vậy, mọi hoạt động của đời sống ở địa phương đều có liên quan ít nhiều đến hệ thống thủy lợi Liễn Sơn. Toàn xã Thái Hòa có hơn 300ha diện tích gieo trồng lúa và hoa màu, trong đó, có hơn 270 ha diện tích sử dụng nguồn nước từ đập tràn Móng Cầu.

Ngoài phục vụ mục đích tưới tiêu, đập tràn Móng Cầu còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động chăn nuôi của khu vực. Ảnh: Minh Toàn.

Ngoài phục vụ mục đích tưới tiêu, đập tràn Móng Cầu còn ảnh hưởng lớn đến hoạt động chăn nuôi của khu vực. Ảnh: Minh Toàn.

Điều này đã mang lại năng suất vượt trội cho hoạt động sản xuất nông sản ở địa phương. Diện tích lúa đạt 194,2 ha cho năng suất bình quân 72,31 tạ/ha. Ngô cũng là cây trồng chủ lực của địa phương với 112,83 ha, cho năng suất bình quân đạt 52,87 tạ/ha. Ngoài ra, nhiều diện tích hoa màu cũng được cấp nước bởi hệ thống thủy lợi này.

Không chỉ trong trồng trọt mà hệ thống thủy lợi cũng có vai trò quan trọng trong việc hình thành các khu vực nuôi cá lồng. Nhiều hộ gia đình tận dụng diện tích ruộng trũng và lợi thế về nguồn nước từ hệ thống thủy lợi để canh tác đan xen vụ lúa và vụ cá. Mô hình độc đáo này có diện tích khoảng 4 ha, đem lại lợi nhuận không nhỏ cho bà con trong khu vực.

Không chỉ có vai trò quan trọng trong việc phát triển nông nghiệp của địa phương mà hệ thống thủy lợi này còn cung cấp nước sạch để phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Trạm cấp nước nằm trên địa bàn xã Thái Hòa và thị trấn Hoa Sơn, hiện đang cấp nước cho 2 địa phương này. Tính riêng địa bàn xã Thái Hòa có 10 thôn với hơn 1.000 hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống thủy lợi trên tổng 2.411 hộ.

Ngoài ra, hệ thống thủy lợi này cũng là nguồn cấp nước cho những hoạt động 'giải nhiệt' vào mùa hè. Ảnh: Minh Toàn.

Ngoài ra, hệ thống thủy lợi này cũng là nguồn cấp nước cho những hoạt động “giải nhiệt” vào mùa hè. Ảnh: Minh Toàn.

Ngoài ra, hệ thống kênh mương được cấp nước trực tiếp từ hệ thống thủy lợi cũng đã trở thành những địa điểm “giải nhiệt” mùa nóng dành cho nhiều bà con trên địa bàn. Em Hoàng Minh Quân (xã Thái Hòa) chia sẻ: “Mùa hè, chiều nào em cũng ra đây tắm, nước sạch với mát lắm…”.

Sướng nhờ đập, khổ cũng vì đập

Ông Hà Kiên Quyết (Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa) nhấn mạnh: “Hoạt động sản xuất nông nghiệp của xã Thái Hoà phụ thuộc 100% vào thủy lợi. Cụ thể hơn là từ Xí nghiệp thủy lợi Móng Cầu trực thuộc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Liễn Sơn…”.

Hệ thống thủy lợi này có thể mang lại những giá trị về kinh tế nổi bật cho người dân địa phương, nhưng chúng cũng có thể cướp đi tất cả của người dân. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên tại khu vực xung quanh đập tràn được thể hiện ở việc không ít lần nhà cửa, hoa màu của người dân chìm trong nước lũ.

Ông Quyết cho biết, trong lịch sử đã xảy ra nhiều trận lũ, gây ngập úng kéo dài. Đặc biệt là trận lũ năm 2001, khi mưa lớn kéo dài, nước ở thượng nguồn về nhiều, nước ở hạ lưu không thoát kịp. Mực nước ở 2 bên của đập tràn xấp xỉ bằng nhau.

Nước tràn bờ đê, nước ngập tới lưng nhà dân. Bà con buộc phải sơ tán đến những vùng cao hơn để đảm bảo an toàn. Thời gian ngập nước lâu, nhiều ngôi nhà đã đổ sập do có kết cấu không đảm bảo.

Lúa, hoa màu ở thời điểm đó cũng chìm trong nước lũ. Sau 3 - 4 ngày nước rút, lúa và hoa màu cũng đã thối, hỏng. Điều may mắn là khi đó lúa mới trồng nên không thiệt hại quá nhiều nhiều công chăm sóc của bà con.

Hiện nay, địa phương cũng đã thành lập những tổ cứu hộ cứu nạn tại chỗ để kịp thời ứng cứu bà con trong thời điểm xảy ra mưa lũ. Nhiều thuyền, bè, công cụ hỗ trợ cho quá trình cứu hộ cứu nạn đã được trang bị đầy đủ.

Theo tính toán, công trình đập tràn Móng Cầu cần 5.000 m3 đá xây dựng, tuy nhiên, sau đó được điều chỉnh thay thế hoàn toàn bằng bê tông xi măng. Ảnh: Minh Toàn.

Theo tính toán, công trình đập tràn Móng Cầu cần 5.000 m3 đá xây dựng, tuy nhiên, sau đó được điều chỉnh thay thế hoàn toàn bằng bê tông xi măng. Ảnh: Minh Toàn.

Để đảm bảo an toàn cho người dân xung quanh, chính quyền địa phương đã có chỉ đạo rõ ràng trong việc quản lý công trình thủy lợi. Hiện địa phương đã có 3,5 km đường đê, trong đó đã cứng hoá mặt bê tông hơn 1,5 km, còn lại là đê đất nên việc đi lại còn khó khăn.

Ngoài ra, ông Quyết nhấn mạnh: “Hàng năm, chính quyền ký hợp đồng với công ty, xí nghiệp thủy lợi để họ phục vụ mình. Những kế hoạch đảm bảo tu sửa, đảm bảo an toàn hồ đập đều do xí nghiệp và công ty thực hiện. Khi họ cần sự phối hợp của địa phương thì địa phương luôn sẵn sàng…”.

Con đập thế kỷ

Hệ thống thủy lợi Liễn Sơn ngày nay bao gồm các hạng mục chính như đập tràn, cầu Liễn Sơn cũ (đoạn bắc qua sông Phó Đáy, ranh giới giữa huyện Tam Dương và Lập Thạch), các kênh dẫn chính, phụ… Chúng được xây dựng bởi người Pháp cách đây hơn 1 thế kỷ.

Trong quá khứ, công trình được xây dựng nhằm phục vụ cho việc khai thác thuộc địa trở nên dễ dàng, song cũng đóng góp quan trọng trong việc trị thủy, ngăn lũ, đảm bảo tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Yên xưa.

Theo thời gian, chất liệu thép trên cầu hầu như không bị các yếu tố tự nhiên tác động nhiều. Ảnh: Minh Toàn.

Theo thời gian, chất liệu thép trên cầu hầu như không bị các yếu tố tự nhiên tác động nhiều. Ảnh: Minh Toàn.

Kể từ khi được khởi công vào tháng 2/1914, 9 năm sau, hệ thống thủy lợi Liễn Sơn bao gồm đập tràn, các kênh dẫn chính, phụ và các công trình phụ trợ mới cơ bản hoàn thành. Đập Liễn Sơn là hạng mục được thi công đầu tiên trong thời gian 3 năm, từ tháng 12/1914 đến tháng 12/1917. Theo tính toán, công trình cần 5.000 m3 đá xây dựng, tuy nhiên, sau đó được điều chỉnh thay thế hoàn toàn bằng bê tông xi măng.

Trong quá khứ, quá trình thi công gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện địa hình, địa chất và thiên nhiên khắc nghiệt. Ông Đường cho biết: “Ngày xưa các cụ bảo là bao nhiêu người bỏ mạng lúc xây cầu rồi, nhiều lắm, không phải ít đâu…”.

Đập tràn Móng Cầu có vị trí trọng yếu, điều tiết nước cho hệ thống thủy lợi của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Minh Toàn.

Đập tràn Móng Cầu có vị trí trọng yếu, điều tiết nước cho hệ thống thủy lợi của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Minh Toàn.

Khi hoàn thành, đập tràn đã trở thành một trong số những công trình thủy lợi trọng yếu của địa phương. Chúng không chỉ chi phối hệ thống thủy lợi của xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch mà còn của nhiều địa phương lân cận như huyện Tam Dương, huyện Tam Đảo,… thậm chí là một số địa phương thuộc tỉnh Tuyên Quang. Ngoài ra, do xây dựng đập tràn nên mực nước sau đập sâu hơn, tạo điều kiện cho bà con phát triển những mô hình nuôi trồng thủy sản một cách thuận lợi.

Đến nay, đã hơn một thế kỷ được đưa vào sử dụng, hệ thống thủy lợi Liễn Sơn chưa cho thấy dấu hiệu của sự xuống cấp. Đập tràn Móng Cầu vẫn còn giữ được vẹn nguyên những giá trị trong việc trị thủy, ngăn lũ, đảm bảo cuộc sống an toàn, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho người dân ở 2 bên bờ sông.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024

Cập nhật bảng giá xe Mazda 6 mới nhất tháng 11/2024. Mazda6 cũng giống Mazda3, có kiểu dáng đẹp, nhiều trang bị, giá bán hợp lý trong phân khúc

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.