| Hotline: 0983.970.780

15 hồ lớn cạn nước, Đắk Lắk ứng phó ra sao?

Thứ Tư 10/04/2024 , 18:44 (GMT+7)

Theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, hiện có 73 hồ chứa do Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi quản lý đạt dung tích dưới 50%; 15 hồ cạn nước.

Nhiều diện tích cây trồng "nguy kịch"

Đắk Lắk đang bước vào cao điểm mùa khô, nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi xuống dưới mực nước chết, ảnh hưởng lớn đến hàng trăm ha cà phê, lúa nước. Đặc biệt, nhiều địa phương cũng bắt đầu thiếu nước sinh hoạt gây xáo trộn cuộc sống của người dân.

Tại xã Ea Sin, huyện Krông Búk, nhiều diện tích cà phê của người dân đã bắt đầu vàng lá, khô héo. Bà H’Đem Niê (người dân địa phương) cho biết, gia đình có hơn 1 ha cà phê nhưng đến thời điểm hiện tại đã khô héo, vàng lá hết do không có nước tưới.

Vườn cà phê của gia đình bà H'Đem vàng lá, khô héo do thiếu nước. Ảnh: Quang Yên.

Vườn cà phê của gia đình bà H'Đem vàng lá, khô héo do thiếu nước. Ảnh: Quang Yên.

“Nếu thời gian tới trên địa bàn không có mưa sẽ làm cho cây cà phê của gia đình chết cháy. Mong chính quyền có biện pháp hỗ trợ tưới cho bà con”, bà H’Đem lo lắng.

Còn tại huyện Lắk, ông Nguyễn Viết Quang, Trưởng phòng NN-PTNT cho biết, khoảng 800 ha lúa đang thời kỳ ngậm sữa của xã Đắk Liêng có nguy cơ thiếu nước tưới. Để đảm bảo cho diện tích này đủ nước tưới, UBND huyện Lắk đã phối hợp với các đơn vị triển khai đưa máy bơm nước từ sông Krông Ana lên để phục vụ cho bà con.

“Hiện hồ Buôn Triết, buôn Tría của địa phương mực nước đang xuống thấp. Trong thời gian tới nếu tiếp tục nắng nóng thì nước sẽ xuống dưới mực nước chết, phải thực hiện các biện pháp để chống hạn”, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lắk thông tin.

Ông Hoàng Văn Minh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Krông Búk cho biết, trên địa bàn có 8 hồ chứa hết nước. Hiện nay nguồn nước mặt, nước ngầm trong giếng đào, giếng khoan thấp, giảm dần so với thời điểm các năm trước. Địa phương có hơn 247 ha cây trồng tại xã Cư Né và Ea Sin bị thiệt hại do thiếu nước tưới. Nếu thời gian tới trên địa bàn không có mưa thì tổng diện tích cây trồng bị ảnh hưởng sẽ hơn 1.000 ha. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Krông Búk có hơn 100 hộ tại xã Cư Pơng và Ea Sin thiếu nước sinh hoạt.

15 hồ chứa có dung tích lớn tại Đắk Lắk đã hết nước, ảnh hưởng đến cây trồng của người dân. Ảnh: Quang Yên.

15 hồ chứa có dung tích lớn tại Đắk Lắk đã hết nước, ảnh hưởng đến cây trồng của người dân. Ảnh: Quang Yên.

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN-PTNT Đắk Lắk) nguồn nước sinh hoạt từ công trình cấp nước đơn vị quản lý hiện có 3 công trình thiếu nước. Cụ thể, công trình cấp nước tại thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H’leo; công trình xã Tân Tiến, huyện Krông Pắc và công trình cấp nước xã Dang Kang, huyện Krông Bông.

Các công trình này thiếu nước do nắng nóng kéo dài. Để đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân, đơn vị vận hành các công trình trên hiện đang cấp nước luân phiên theo ngày. Việc này ít nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân trong thời điểm nắng nóng.

Sử dụng mọi biện pháp chống hạn

Theo Sở NN-PTNT Đắk Lắk, hiện có 73 hồ chứa do Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi quản lý đạt dung tích dưới 50%; 15 hồ cạn nước. Các hồ chứa vừa và nhỏ do địa phương quản lý hiện có 48 hồ chứa đạt dung tích dưới 50%, 18 hồ cạn nước.

Ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, trước khi bước vào vụ đông xuân, công ty đã chỉ đạo các phòng ban kiểm tra mực nước tại các hồ. Từ đó, công ty xây dựng kế hoạch phối hợp với địa phương để có khuyến cáo người dân canh tác hợp lý.

Công ty TNHH MTV Quản lý Công trình thủy lợi Đắk Lắk tổ chức nạo vét, bơm nước phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân tại hồ Vụ Bổn, huyện Krông Pắc. Ảnh: Quang Yên.

Công ty TNHH MTV Quản lý Công trình thủy lợi Đắk Lắk tổ chức nạo vét, bơm nước phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân tại hồ Vụ Bổn, huyện Krông Pắc. Ảnh: Quang Yên.

“Đối với những công trình nguồn nước không đảm bảo, công ty chủ động làm việc với địa phương, khuyến cáo cắt giảm diện tích gieo trồng. Những công trình đủ nước thì thực hiện việc tưới tiêu trên tinh thần tiết kiệm nước nhất có thể.

Những hồ chứa thiếu nước, công ty thực hiện nhiều giải pháp như nạo vét lòng hồ, tạo kênh dẫn để đưa nước về. Ngoài ra, công ty cũng xin ý kiến của Sở NN-PTNT đối với những hồ dưới mực nước chết sẽ tiến hành bơm cấp nước cho bà con”, ông Bảo thông tin.

Ông Nguyễn Thành Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk cho biết, dự báo trong thời gian tới nếu không có mưa và thời tiết tiếp tục nắng nóng như hiện nay thì mực nước ở các hồ chứa, sông suối sẽ tiếp tục giảm mạnh.

Theo ông Long, hiện nay các hồ chứa nhỏ, lượng nước đến gần như bằng không và công trình được đầu tư xây dựng đã lâu nên lòng hồ bị bồi lắng do đó khả năng diện tích tưới của các công trình này bị hạn về cuối vụ là rất lớn.

“Một số địa phương đang thực hiện giải pháp thủy lợi để chống hạn, gồm các huyện Lắk, Buôn Đôn, Krông Pắc, Cư Kuin, Cư M’gar và thị xã Buôn Hồ. Còn đối với nguồn nước cấp cho sinh hoạt nông thôn, trước mắt đang đảm bảo đủ cấp theo thiết kế tuy nhiên do tình trạng thời tiết diễn biến bất thường, phức tạp, nắng nóng kéo dài, khả năng thiếu nước trong thời gian tới là khá cao”, ông Long nhấn mạnh.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.