| Hotline: 0983.970.780

Hồ cạn, suối khô, cây khát

Thứ Sáu 05/04/2024 , 11:03 (GMT+7)

Người dân nhiều địa phương tỉnh Đồng Nai đang thiếu trầm trọng nước sinh hoạt lẫn tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp. Họ chỉ biết ngày đêm mong sớm có 'mưa vàng' giải nhiệt.

Thiếu nước nghiêm trọng

Bước sang những ngày đầu tháng 4 là đỉnh điểm của nắng nóng với nền nhiệt cao kéo dài liên tục. Nhiều cánh đồng trên địa bản tỉnh Đồng Nai trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng, thậm chí có những diện tích cây trồng khô héo, bị chết.

Để cứu cây trồng, nhiều hộ nông dân phải gồng mình tận dụng hết nguồn nước phục vụ sản xuất. Thế nhưng tất cả các phương án cũng chỉ là tình thế cầm cự cho cây trồng trong cơn khát đang kéo dài của mùa khô này.

Nông dân phải thu hoạch bắp sớm bán để tránh thiệt hại vì khô hạn. Ảnh: Minh Sáng.

Nông dân phải thu hoạch bắp sớm bán để tránh thiệt hại vì khô hạn. Ảnh: Minh Sáng.

Có mặt tại cánh đồng xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, chúng tôi chứng kiến cảnh “đồng khô, cây khát” do ảnh hưởng của nắng hạn. Nhiều hộ dân không thể chủ động được nguồn nước tưới, đành phải chọn giải pháp bán bắp tươi để tránh hạn.

Dẫn chúng tôi đi “trải nghiệm” cái nắng như thiêu đốt giữa cánh đồng, ông Nông Văn Quý, ấp Đông Minh, xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc nói: “Các anh thấy đó, những ruộng bắp khát khô xơ xác như thế này thì còn gì cho thu hoạch được. Năm nay thời tiết thất thường quá, từ Tết đến giờ ngày nào cũng nắng, nóng rồi gió lớn khiến các cánh rừng phòng hộ gần đây cũng như cánh đồng này bị đe dọa thiêu cháy bất cứ lúc nào vì hạn hán kéo dài. Gần đây các tuyến kênh nối với hồ Gia Ui cũng đã cạn trơ đáy, chỉ còn nhìn thấy lớp đất vàng khô, nếu không phải người bản địa sẽ chẳng biết đó là sông đâu”.

Theo ông Quý, cả cánh đồng hiện nay chỉ mong ngóng vào nguồn nước tưới từ các hồ thủy lợi nhưng cũng không đủ đáp ứng. Do đó, người dân đang rất khó khăn tìm nguồn nước tưới. Nếu tình trạng này kéo dài thì vụ bắp đông xuân sẽ bị thất thu, thậm chí mất trắng.

Tại các hồ chứa, lượng nước cũng đang sụt giảm nghiêm trọng, lòng hồ đã trơ đáy, lộ ra những mỏm đất đá khiến người dân có thể đi bộ trên lòng hồ để câu cá. Ảnh: Minh Sáng.

Tại các hồ chứa, lượng nước cũng đang sụt giảm nghiêm trọng, lòng hồ đã trơ đáy, lộ ra những mỏm đất đá khiến người dân có thể đi bộ trên lòng hồ để câu cá. Ảnh: Minh Sáng.

Trên địa bàn huyện Xuân Lộc có tới ba hồ thủy lợi như Gia Ui, Núi Le và Gia Măng phục vụ tưới tiêu sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân địa phương. Hồ thủy lợi Gia Ui là công trình thủy lợi lớn nhất, thế nhưng đến nay dung tích chỉ còn 2,81 triệu m3 trong tổng số 11,27 triệu m3 dung tích thiết kế, giảm hơn 2 triệu m3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Còn các hồ Gia Măng, Núi Le lượng nước cũng đang sụt giảm nghiêm trọng, lòng hồ đã trơ đáy, lộ ra những mỏm đất đá khiến người dân có thể đi bộ ra ngoài lòng hồ để câu cá. Riêng hồ Suối Vọng thuộc huyện Cẩm Mỹ, lượng nước cũng chỉ còn 0,49 triệu m3 trong khi dung tích thiết kế là 4,35 triệu m3, lưu lượng xả tràn bằng không.

Tại huyện Vĩnh Cửu, liên tục nhiều tháng qua, nắng hạn gay gắt đã ảnh hưởng đến đời sống người dân nơi đây, nhất là những hộ dân ở khu Đông Bốn, ấp 5, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu thuộc dự án di dời của tỉnh Đồng Nai (vì nằm trong vùng lõi khu bảo tồn, không được đầu tư hạ tầng thủy lợi).

Hơn một tháng qua, ông Nguyễn Trung Cường, ấp 5, xã Mã Đà chật vật tìm kiếm nguồn nước tưới tiêu cho 1 ha trồng ớt của gia đình.

"Hạn hán, nắng nóng kéo dài hơn một tháng qua, gia đình tôi chỉ canh tác được một nửa diện tích, còn lại đành phải bỏ phơi nắng vì không có đủ nước tưới".

Theo ông Cường, các con suối nhỏ quanh vườn nhà ông đã khô cạn từ trước Tết, còn mấy suối lớn thì đến nay cũng đã phơi đáy nên vườn ớt nhà ông có nguy cơ “khát” héo úa. Thực tế, những ngày qua, cây trồng ở huyện Vĩnh Cửu đã có hiện tượng khô héo và người dân phải chặt bỏ nhiều diện tích.

Nắng hạn tiếp tục diễn ra

Theo thông tin của Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, thời tiết trên địa bàn tỉnh Đồng Nai luôn ở mức cao, đặc biệt có những ngày nhiệt độ lên đến 40 độ C. Với nền nhiệt cao như hiện nay, các địa bàn trong tỉnh Đồng Nai luôn trong tình trạng khô hạn. Nắng nóng sẽ còn tiếp tục diễn ra trong những ngày tới và kéo dài gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân và sản xuất nông nghiệp.

Ông Phạm Quang Trung, quyền Trưởng trạm Khai thác các công trình thủy lợi liên huyện Xuân Lộc - Long Khánh - Cẩm Mỹ cho biết: "Hiện tại, cao trình mực nước hồ Gia Măng đang ở +117.26, tương ứng với dung tích là 574.000 m3, lượng nước còn sử dụng được để tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp khoảng 136.000 m3. Như vậy, lượng nước còn lại trong hồ so với mực nước thiết kế còn khoảng hơn 3%".

Hiện công trình hồ thủy lợi Gia Ui, huyên Xuân Lộc đang cạn nước nghiêm trọng gần như phơi đáy trong mùa khô này. Ảnh: Minh Sáng.

Hiện công trình hồ thủy lợi Gia Ui, huyên Xuân Lộc đang cạn nước nghiêm trọng gần như phơi đáy trong mùa khô này. Ảnh: Minh Sáng.

Cũng theo ông Trung, hiện nay 4/4 công trình hồ thủy lợi do Trạm quản lý đang cạn nước nghiêm trọng trong mùa khô này.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai cho biết, mực nước của nhiều hồ chứa nước lớn trên địa tỉnh hiện thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023, năm nắng nóng kỷ lục. Cụ thể, dung tích của hồ Cầu Mới tuyến V hiện chỉ đạt 4,97 triệu m3, thấp hơn 1 triệu m3 so với cùng kỳ năm ngoái; hồ Cầu Mới tuyến VI cũng chỉ đạt 15 triệu m3, thấp hơn 1,4 triệu m3 so với cùng kỳ năm ngoái; hồ Sông Mây đạt hơn 5,5 triệu m3, thấp hơn gần 5 triệu m3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai Lê Xuân Toàn cho biết: Tính đến thời điểm này, lượng nước tại các hồ chứa do công ty quản lý hầu hết vẫn đủ nước để phục vụ sản xuất trong vụ đông xuân năm 2023-2024.

Chỉ riêng trên địa bàn huyện Tân Phú, do người dân sản xuất thêm vụ đông xuân muộn từ tháng 1 đến 4/2024, nên bị thiếu nước từ giữa vụ, nhất là ở công trình đập Năm Sao với diện tích khoảng 210 ha và đập Đồng Hiệp khoảng 750 ha. Công ty đã đưa ra giải pháp điều tiết nước và bố trí máy bơm tăng cường nhằm chống hạn cho các cánh đồng trên.

Cây cối héo úa do nắng nóng kéo dài. Ảnh: MS.

Cây cối héo úa do nắng nóng kéo dài. Ảnh: MS.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết: “Trước tình hình nắng nóng khô hạn kéo dài, các địa phương đang rất lo lắng để đưa ra các phương án phân phối nguồn nước phục vụ cho vụ đông xuân. Huyện đang khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng làm sao sử dụng nguồn nước ít nhất có thể mở rộng diện tích sản xuất và tăng lượng nước phục vụ dân sinh".  

Theo ông Linh, các địa phương đang đề xuất tỉnh xây dựng thêm hồ chứa nước để phục vụ cho sản xuất và phòng chống cháy rừng mùa khô, đồng thời tăng thêm mạch nước ngầm cho khu vực. Các công ty cấp nước tăng cường đầu tư xây dựng các trạm bơm điện trên địa bàn huyện nhằm tích trữ nguồn nước, đảm bảo đạt yêu cầu phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân.

Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai đã chủ động triển khai nhiều kế hoạch, phương án ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tiếp tục theo dõi, hỗ trợ địa phương triển khai kế hoạch gieo trồng vụ đông xuân gắn với công tác tích trữ, điều tiết nguồn nước từ các công trình để phục vụ sản xuất theo kế hoạch; chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giống cây trồng tại các vùng sản xuất có nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước và xâm nhập mặn vào mùa khô…

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Thành lập thị xã Mộc Châu trực thuộc tỉnh Sơn La

Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV vừa ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Sơn La giai đoạn 2023 - 2025.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.