Việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã thúc đẩy làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luận trong và ngoài nước.
Nhưng với “truyền thống” vừa ăn cướp vừa la làng của Trung Quốc thì liệu sẽ dẫn tới kịch bản gì nếu Việt Nam, ASEAN và cộng đồng quốc tế không không cương quyết phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của một quốc gia khác?
Băng rôn người tuần hành ở Hà Nội sáng 11/5 phản đối hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Trên băng rôn có hình Thủ tướng Đức Angela Merkel giới thiệu tấm bản đồ tặng cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tấm bản đồ cổ đó không hề xác định Hoàng Sa - Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Khi đuối lý thì Trung Quốc lại đưa ra lý cùn rằng đây là nơi cách Hoàng Sa 4 hải lý nên Bắc Kinh có quyền với vùng biển này.
Luật sư Lê Thanh Sơn phân tích, Trung Quốc lâu nay luôn theo kiểu đánh tráo khái niệm. Nhưng chúng ta phải lưu ý, vùng đặc quyền kinh tế là vùng tự do hàng hải, các nước được luân chuyển lưu thông hàng hóa tàu bè qua vùng đó, nhưng không được phép khai thác tài nguyên, đánh bắt cá, thăm dò tại vùng đặc quyền kinh tế thuộc chủ quyền quốc gia đó.
Trung Quốc đánh tráo khái niệm ở chỗ Hoàng Sa bị nước này dùng vũ lực chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1974. Hiện nay, họ đang cấm tàu bè qua lại đó trong phạm vi 3 hải lý, dần dần mở thành 6 hải lý, 10 hải lý. Bắc Kinh sẽ mở rộng vùng cấm, sau một thời gian họ sẽ tạo ra vùng cấm bay.
Cứ cái kiểu lu loa và hung hãn này, biết đâu một ngày không xa có thể giàn khoan Trung Quốc chỉ cách bờ biển Việt Nam chỉ 20 hải lý. Vì đây chính là ranh giới đường “lưỡi bò” mà Trung Quốc tự vẽ ra trên Biển Đông.
Ngày 2/5 Trung Quốc cấm tàu bè qua lại trong bán kính 3 hải lý quanh vị trí hạ đặt giàn khoan trái phép, ngày 8/5, tàu Trung Quốc ngăn cản không cho tàu bè đi vào phía trong cách khu vực giàn khoan với bán kính 5 - 7 hải lý. Đến ngày 10/5, phạm vi bảo vệ đã mở rộng lên trên 10 hải lý (trên 18,5km). |