Ba doanh nghiệp tham gia ký thỏa thuận hợp tác phát triển phân bón hữu cơ lần này là Công ty Cổ phân Tập đoàn Con Cò Vàng Hi-Tech (TP.HCM), Công ty TNHH Thương mại sản xuất GNC (An Giang) và Công ty TNHH Hiệp Thanh (Bến Tre), qua đó nâng tổng sổ doanh nghiệp đã tham gia ký kết với Cục Bảo vệ thực vật đến thời điểm hiện tại lên 10 đơn vị.
Cục Bảo vệ thực vật ký kết phát triển phân bón hữu cơ với Con Cò Vàng Hi-Tech. |
Tập đoàn Con Cò Vàng Hi-Tech là một trong những doanh nghiệp phân bón lớn, uy tín và lâu đời tại Việt Nam, hiện doanh nghiệp sở hữu 2 nhà máy với tổng diện tích 12ha, tổng công suất thiết kế 1,2 triệu tấn/năm. Con Cò Vàng hiện đang sở hữu và cung cấp ra thị trường 32 sản phẩm phân bón hữu cơ, hữu cơ khoáng, hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học đa dạng, chất lượng cao.
Cục Bảo vệ thực vật ký kết phát triển phân bón hữu cơ với Công ty TNHH Thương mại sản xuất GNC. |
Công ty TNHH Thương mại sản xuất GNC là một trong những doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên tại Việt Nam trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng, đối tác lớn của những tập đoàn hàng đầu thế giới về công nghệ nano, vi sinh, sinh học và hữu cơ. Mục tiêu của GNC phấn đấu đến 2025 đạt sản lượng 100.000 tấn phân hữu cơ/năm. Hiện GNC đã xây dựng được 100ha lúa canh tác hữu cơ tại tỉnh An giang và đang đề xuất xây dựng thêm 100ha hữu cơ cây công nghiệp tại tỉnh Bình Phước.
Cục Bảo vệ thực vật ký kết phát triển phân bón hữu cơ với Công ty TNHH Hiệp Thanh. |
Công ty TNHH Hiệp Thanh được biết đến là một trong những doanh nghiệp sản xuất cung ứng phân bón hữu cơ điển hình trong nước. Hiệp Thanh đang sở hữu bộ 8 sản phẩm phân bón hữu cơ được sản xuất tại Nhà máy Trí Nông Long An. Bên cạnh sản xuất phân bón hữu cơ, Hiệp Thanh còn tiên phong đột phá trong sản xuất nông sản VietGAP, nông sản an toàn và tiến tới là nông sản hữu cơ khi đơn vị đã ký kết với Công ty TNHH Green Powers để cung ứng phân bón hữu cơ và thu mua bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân.
Phát biểu tại lễ ký kết, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Quý Dương nhấn mạnh, trong tổng số trên 20.000 tên sản phẩm phân bón thương mại với sản lượng trên 11 triệu tấn/năm hiện nay, các sản phẩm phân bón hữu cơ chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn khoảng 10%. Do đó, mục tiêu của Bộ NN-PTNT là phấn đấu đến hết năm 2020 nâng tỉ lệ này lên 15% và tiếp tục gia tăng ở các năm tiếp theo. Số liệu thống kê năm 2018, mỗi năm Việt Nam vẫn nhập khẩu khoảng 4,1 triệu tấn phân bón, trong đó trên nửa triệu tấn là phân bón hữu cơ nên cơ hội, tiềm năng, dư địa cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất phân bón hữu cơ theo ông Nguyễn Quý Dương là rất lớn, nhất là khi có sự ủng hộ tối đa của Đảng, Chính phủ và Bộ NN-PTNT.
Cục Bảo vệ thực vật hiện đã ký kết phát triển phân bón hữu cơ với 10 doanh nghiệp. |
Song song với việc ưu tiên phát triển các sản phẩm thuốc BVTV sinh học, Cục Bảo vệ thực vật hy vọng việc đẩy mạnh phát triển phân bón hữu cơ sẽ giúp hình thành nên chuỗi khép kín các sản phẩm nông sản Việt có chất lượng, giá trị, uy tín cao trên trường quốc tế, qua đóp góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, nâng cao vị thế nông sản Việt, từng bước định hướng nền nông nghiệp sản xuất theo chuỗi bền vững.
“Cục Bảo vệ thực vật hy vọng giữa quản lý nhà nước và doanh nghiệp không chỉ ở lại ở việc ký thỏa thuận hợp tác nguyên tắc mà kỳ vọng sau khi ký kết các doanh nghiệp không ngững nỗ lực, sáng tạo để tạo ra được nhiều sản phẩm phân bón hữu cơ chất lượng tốt đưa vào sản xuất. Với vai trò quản lý, định hướng, cầu nối, Cục Bảo vệ thực vật cam kết sẽ đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp tối đa trong việc truyền thông, quảng bá sản phẩm, giới thiệu, kết nối, chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất, thủ tục cấp phép, lồng ghép các chính sách hỗ trợ nhằm phát triển phát huy tối đa các sản phẩm phân bón, nông sản hữu cơ tại Việt Nam” - Ông Nguyễn Quý Dương nhấn mạnh.