| Hotline: 0983.970.780

30.000 tỷ đồng vốn Trung ương cho xây dựng nông thôn mới

Thứ Ba 13/07/2021 , 18:42 (GMT+7)

Chiều 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025.

Kết quả to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử

Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, sau 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng, theo như đánh giá của lãnh đạo Đảng và Nhà nước là “to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ thì đa số ý kiến thành viên Chính phủ nhất trí với tính toán của Bộ NN-PTNT, giai đoạn 2021 - 2025 cần bố trí cho Chương trình là 51.500 tỷ đồng.

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả to lớn. Ảnh. Lê Hoàng Vũ.

Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả to lớn. Ảnh. Lê Hoàng Vũ.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại phiên họp sáng 13/7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bố trí vốn đầu tư công trung hạn, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội, Chính phủ đã thống nhất điều chỉnh bố trí 30.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ trong quá trình điều hành tiếp tục cân đối các nguồn lực, nếu xuất hiện các nguồn thu tăng thêm thì tiếp tục bổ sung, vì đây là Chương trình rất quan trọng, với mục tiêu đặt ra lớn như vậy thì suất đầu tư 30.000 tỷ đồng là còn hạn chế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc tiếp tục thực hiện Chương trình này là cần thiết, phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhận thức người dân về lợi ích của Chương trình có nhiều chuyển biến, tích cực hưởng ứng tham gia.

Để tránh trùng lặp giữa 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình xây dựng NTM đã tách bạch rõ địa bàn các xã thực hiện xây dựng NTM.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc loại trừ địa bàn như vậy có nguy cơ 200 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, 70 huyện nghèo (thuộc phạm vi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững) sẽ khó đạt chuẩn NTM nếu ngân sách địa phương không có đủ nguồn để hỗ trợ.

Do đó, do đó đề nghị đưa các xã, thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn vào diện thụ hưởng Chương trình xây dựng nông thôn mới vì giai đoạn 2016-2020 đầu tư cho khu vực này còn nhiều hạn chế.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, có ý kiến cho rằng, mục tiêu phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM khó khả thi, đề nghị điều chỉnh mục tiêu xuống còn 40%. Đề nghị cân nhắc điều chỉnh mục tiêu số tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tăng từ 15 lên 20 tỉnh, thành phố.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, giai đoạn vừa qua, chúng ta đã xử lý dứt điểm được tình trạng nợ đọng trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, vấn đề nợ tiêu chí là vẫn tồn tại, một số nơi công trình nằm trong 19 tiêu chí đang thi công thì bộ phận chấm điểm vẫn du di, coi như là đã đạt. Sắp tới chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm.

Còn về vấn đề kinh tế nông thôn và cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong xây dựng NTM, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chúng tôi muốn nhấn mạnh “tái cơ cấu nông nghiệp là động lực cho xây dựng NTM và ngược lại xây dựng NTM sẽ góp phần nâng cao hiệu quả cho tái cơ cấu nông nghiệp”.

Về ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Đắc Vinh “thời gian qua chúng ta hơi đặt nặng vấn đề bê tông hóa nông thôn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đồng tình và cho rằng “xây dựng NTM là tạo “cốt” nhưng phải giữ được phần hồn” để người dân nông thôn vừa tiệm cận với điều kiện của người dân đô thị nhưng vẫn phải giữ được bản sắc.

Có một thuật ngữ mới đã được đưa ra, đó là “nông thị”, tức là đô thị nông thôn - đô thị nhưng vẫn mang đặc thù hình ảnh nông thôn. Đó là một trong những cái mới chúng tôi đề xuất đưa thêm để nhấn mạnh giá trị văn hóa lịch sử của địa phương.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, từ trước đến nay khó có Chương trình mục tiêu quốc gia nào đạt kết quả tốt như Chương trình xây dựng NTM. Trên cơ sở các ý kiến của Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị Bộ trưởng Bộ NN-PTNT thực hiện nhiệm vụ được giao, thay mặt Chính phủ tiếp thu và hoàn thiện đề án một cách đầy đủ để Chính phủ trình Quốc hội.

Xây dựng nông thôn mới là căn bản, tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng

Tại phiên họp vào chiều 13/7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã đạt được những kết quả rất ấn tượng trong triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đặc biệt là giải quyết toàn bộ nợ đọng tại các địa phương. Vậy chúng ta cần tổng kết những bài học kinh nghiệm để tiếp tục triển khai trong giai đoạn tới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Cần tập trung ưu tiên ở mức độ cao nhất nguồn vốn cho chương trình xây dựng NTM. Ảnh: TTXVN.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Cần tập trung ưu tiên ở mức độ cao nhất nguồn vốn cho chương trình xây dựng NTM. Ảnh: TTXVN.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thành công trên có được là nhờ chúng ta huy động tổng lực nguồn vốn từ trung ương, địa phương cũng như toàn xã hội, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng.

Thứ nữa, trên cơ sở sáng kiến đề xuất của Bộ NN-PTNT và Bộ Tài chính, Chính phủ đã có quyết định sáng suốt, cho phép các địa phương được sử dụng 8% tổng số tiền thu được từ đấu giá quỹ đất cấp xã để tập trung xây dựng NTM.

Chia sẻ câu chuyện ở Hải Phòng, địa phương phải đầu tư khoảng 185 tỷ cho 1 xã NTM kiểu mẫu, vì thiết kế đường nông thôn rộng tối thiểu 7m cắt ngang, hai bên có vỉa hè mỗi bên rộng 5m. Tất cả đường nông thôn đều được chiếu sáng như đường thành thị. Bởi vậy, nên tiếp tục duy trì cơ chế trên, thậm chí tăng mức trích 10% tiền đấu giá đất tại địa phương để gom lại cho huyện, cho tỉnh điều phối đầu tư chương trình xây dựng NTM.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, cần tiếp tục huy động nguồn lực xã hội bằng cách tiếp tục cho vay ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai các chương trình giảm nghèo và xây dựng NTM.

Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Chúng ta phải áp dụng tối đa các nguyên tắc, quan điểm đã có từ trước đây, trong đó xác định rõ: xây dựng NTM là căn bản, tái cơ cấu nông nghiệp là nền tảng, nông dân là chủ thể”.

Xây dựng NTM cần gắn với đô thị hóa và tái cơ cấu nông nghiệp gắn với tổ chức lại sản xuất, phát triển kinh tế tập thể và áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.

Đồng thời, người đứng đầu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục triển khai chương trình xây dựng NTM cấp thôn bản. Bởi như ở Điện Biên, một xã miền núi ước tính để đạt tiêu chí về đường giao thông nông thôn thì cần ít nhất là 300 tỷ, vậy địa phương lấy tiền để đầu tư. Do đó, cần ưu tiên đầu tiên cho xây dựng NTM các thôn bản, sau đó mới xây dựng NTM cấp xã.

Cuối cùng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Cần tập trung ưu tiên ở mức độ cao nhất nguồn vốn cho chương trình xây dựng NTM, kể cả nguồn vốn đầu tư và nguồn vốn sự nghiệp, vốn nhà nước”.

Một số điểm mới của Chương trình giai đoạn 2021-2025

Xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu), trong đó, tập trung chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện phấn đấu đạt chuẩn NTM và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững; phấn đấu đến 2025 cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí; khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng NTM kiểu mẫu.

Nội dung trọng tâm của Chương trình tập trung vào nâng cao chất lượng đời sống, phát triển kinh tế xã hội nông thôn, trong đó:

Chú trọng phát triển kinh tế nông thôn (nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo trong phát triển kinh tế nông thôn; triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, phát triển du lịch nông thôn…); thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng NTM; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; Nâng cao năng lực của cộng đồng, thay đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông thôn…

Xem thêm
Chính sách tốt sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp sinh học

Để công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam cần có chính sách thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hải Phòng khai trương dự án Chính quyền số

HẢI PHÒNG Chiều 21/11, UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ khai trương Dự án ‘Chính quyền số’ để chào mừng ngày chuyển đổi số quốc gia 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.