| Hotline: 0983.970.780

37% công ty nông, lâm nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp đổi mới

Thứ Ba 12/11/2024 , 10:47 (GMT+7)

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, vẫn còn 37% công ty nông, lâm nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp đổi mới.

Sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Ảnh: HA.

Sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra. Ảnh: HA.

Tình trạng "khoán trắng" vẫn tiếp diễn

Ngày 12/11, tại Bộ NN – PTNT, ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương và Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Hoàng Trung chủ trì thảo luận, đánh giá tình hình thực tế, thống nhất đề xuất các giải pháp sát hợp, khả thi nhằm phát huy tối đa nguồn lực đất đai nông, lâm trường để phát triển kinh tế - xã hội, chống thất thoát, lãng phí, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là tại các địa bàn chiến lược.

Theo Ban Kinh tế Trung ương, đơn vị được giao chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 12/3/2014 và Kết luận số 82- KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, nhận thức, ý thức chấp hành chính sách, pháp luật của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp được nâng lên.

Những nội dung chỉ đạo trong Nghị quyết đã cơ bản được thể chế hoá thành các quy định pháp luật và các cơ chế, chính sách liên quan. Một số công ty sau sắp xếp, đổi mới đã có chuyển biến về phương thức quản trị, hoạt động hiệu quả hơn, tạo việc làm, nâng cao hơn đời sống người lao động, góp phần giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất của người dân, giảm dần tranh chấp, lấn chiếm, khiếu nại về đất đai và các vấn đề xã hội phát sinh; đã hình thành một số mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung, quy mô lớn, hiệu quả cao.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động công ty nông, lâm nghiệp. Ảnh: HA.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động công ty nông, lâm nghiệp. Ảnh: HA.

Việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp cùng với đầu tư, xây dựng các công trình lưỡng dụng góp phần thúc đẩy sản xuất, xây dựng nông thôn mới, xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân địa phương, tăng cường, củng cố thế trận lòng dân, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa.

Tuy nhiên việc sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm, chưa đạt mục tiêu đề ra, còn 37% trong tổng số các công ty nông, lâm nghiệp chưa hoàn thành sắp xếp, đổi mới. Việc quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường còn nhiều yếu kém, nguồn lực đất đai chưa thực sự phát huy hiệu quả. Nhiều địa phương chưa hoàn thành việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cho thuê đất, giao đất theo quy định của pháp luật. Tình trạng sử dụng quỹ đất được Nhà nước giao để cho thuê, cho mượn, liên doanh liên kết không đúng quy định, khoán trắng vẫn tiếp diễn.

Việc lấn chiếm, tranh chấp đất đai; mua bán hợp đồng giao khoán, xây dựng trái phép công trình trong phần đất được giao khoán, tự tách thửa, mua đi bán lại nhiều lần chưa được khắc phục và gia tăng ở nhiều nơi. Vẫn còn tình trạng lợi dụng ranh giới không rõ ràng giữa các loại rừng để khai thác rừng trái pháp luật. Chưa thực hiện tốt một số chính sách an sinh xã hội, chưa bảo đảm đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là khu vực Tây Nguyên. Nhiều công ty sau khi sắp xếp chưa đổi mới về cơ chế hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, đóng góp vào ngân sách chưa tương xứng với nguồn lực được Nhà nước giao.

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên chủ yếu là do nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền, cơ quan chức năng, doanh nghiệp và một bộ phận người lao động còn chưa đầy đủ, chưa nhất quán về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; thiếu quyết tâm chính trị, thiếu sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên; còn né tránh, sợ trách nhiệm, nhất là trong giải quyết các vấn đề liên quan tới đất đai, tài sản, tài chính doanh nghiệp.

Một số nội dung chỉ đạo của Nghị quyết 30 và Kết luận 82 chậm được thể chế hoá hoặc thể chế hoá chưa rõ, chưa đầy đủ. Một số cơ chế, chính sách chưa thực sự phù hợp, chưa kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các công ty nông, lâm nghiệp. Việc triển khai nhiều cơ chế, chính sách của chính quyền địa phương có lúc, có nơi chưa hiệu quả, chưa bố trí đủ nguồn lực; chưa chú trọng giải quyết khiếu kiện, nhất là đến đất đai của các công ty nông, lâm nghiệp.

Sự phối hợp giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương với các công ty nông, lâm nghiệp thiếu chặt chẽ, hiệu quả.

Bàn giao đất nông lâm trường về địa phương quản lý. Ảnh: HA. 

Bàn giao đất nông lâm trường về địa phương quản lý. Ảnh: HA. 

6 kiến nghị trọng tâm

Đề xuất một số nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 30-NQ/TW, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết, Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị tiếp tục thực hiện quyết liệt các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 30-NQ/TW, đồng thời tập trung vào 6 nội dung trọng tâm.

Thứ nhất là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác sắp xếp, đổi mới; bảo đảm sau sắp xếp, đổi mới, các công ty nông, lâm nghiệp hoạt động hiệu quả cao hơn, người lao động có thu nhập tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng phải được các cấp ủy đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát; sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức thành viên.

6 nội dung trọng tâm nâng cao hiệu quả sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp. Ảnh: HA.

6 nội dung trọng tâm nâng cao hiệu quả sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp. Ảnh: HA.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, công ty nông, lâm nghiệp và người dân, nhất là người lao động và đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả các công ty nông, lâm nghiệp; về quản lý và sử dụng đất đai.

Sắp xếp, đổi mới phải đi đôi với phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp, gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội. Quyết tâm khắc phục các hạn chế, bất cập, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành sắp xếp, đổi mới; xử lý triệt để các vấn đề đất đai, tạo động lực thúc đẩy phân bổ, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, rừng; đổi mới căn bản phương thức tổ chức, mô hình quản lý và quản trị doanh nghiệp.

Thứ ba, sắp xếp, chuyển sang mô hình hoạt động mới đối với các công ty nông, lâm nghiệp theo các định hướng cụ thể và phấn đấu hoàn thành trong năm 2025, bao gồm:  Tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đối với các công ty nông nghiệp ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng; công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng tự nhiên là rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên nhằm gắn kết phát triển vùng nguyên liệu của công ty và của người dân trong vùng với phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và thị trường; đa dạng hóa các hình thức huy động vốn góp.

Chuyển thành Ban quản lý rừng đối với công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Giải thể các công ty kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài; các công ty thực hiện khoán trắng, không quản lý được đất đai; các công ty có quy mô nhỏ, không cần thiết phải giữ lại. Có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí để giải quyết dứt điểm việc giải thể các đơn vị còn tồn đọng.

Thực hiện cổ phần hóa các công ty nông, lâm nghiệp gồm: công ty nông nghiệp trồng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc; công ty nông nghiệp trồng cây công nghiệp ngắn ngày, cây hằng năm, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, công ty giống cây nông nghiệp, giống chăn nuôi, giống thủy sản; công ty lâm nghiệp sản xuất giống cây lâm nghiệp và công ty lâm nghiệp quản lý chủ yếu rừng sản xuất là rừng trồng.

Có cơ chế hiệu quả, khả thi để xử lý đất đai và tài sản trên đất từ các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương. Ảnh: HA.

Có cơ chế hiệu quả, khả thi để xử lý đất đai và tài sản trên đất từ các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương. Ảnh: HA.

Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật thúc đẩy hoàn thành sớm việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả của các công ty nông, lâm nghiệp. Có cơ chế hiệu quả, khả thi để xử lý đất đai và tài sản trên đất từ các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương. Có chính sách hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đối với các địa phương thực sự khó khăn, không có khả năng cân đối từ ngân sách địa phương cho công tác đo đạc, cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ban hành chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, chính sách thuế, tín dụng ưu đãi cho công ty nông, lâm nghiệp thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, trong đó có các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh tham gia sản xuất nông, lâm nghiệp trên các địa bàn chiến lược. Quy định rõ cơ chế Nhà nước đặt hàng đối với các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện các nhiệm vụ công ích về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ xen kẹt.

Bổ sung vốn điều lệ cho công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể xác định giá trị đối với rừng trồng, vườn cây gắn với phần diện tích bàn giao về địa phương, nhất là vườn cây, rừng trồng có sự tham gia đầu tư vốn và công sức của bên nhận khoán; vườn cây, rừng trồng đã giao khoán và có vốn đầu tư nhưng không trực tiếp trồng, quản lý và bảo vệ.

Thứ năm, tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả Luật Đất đai năm 2024 và các văn bản quy định chi tiết thi hành; Quy hoạch Lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đồng bộ với các quy hoạch chuyên ngành liên quan khác; chú trọng ứng dụng công nghệ số vào quản lý đất đai và rừng; khẩn trương hoàn thành và triển khai hệ thống thông tin quốc gia về đất đai. Quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong quản lý đất đai, rừng; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; tăng cường năng lực và đề cao trách nhiệm của cán bộ quản lý ở địa phương.

Đẩy mạnh hoàn thành việc đo đạc, cắm mốc ranh giới, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó xác định rõ diện tích và mục đích sử dụng từng loại đất. Tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng sử dụng đất kém hiệu quả, lãng phí, quản lý lỏng lẻo của các công ty nông, lâm nghiệp để bàn giao về địa phương quản lý, sử dụng theo quy hoạch.

Các địa phương kịp thời tiếp nhận quỹ đất được bàn giao từ các công ty nông, lâm nghiệp; thực hiện giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân phù hợp quy hoạch, bảo đảm quản lý, sử dụng đúng pháp luật, tiết kiệm, hiệu quả; không để đất vô chủ, tranh chấp, lấn chiếm. Tiến hành tổng kết việc giao đất, khoán đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các công ty nông, lâm nghiệp.

Thứ sáu, rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các công ty nông, lâm nghiệp. Đổi mới cơ chế quản lý, chú trọng thu hút nguồn lực đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực, kỹ năng quản trị; gắn trách nhiệm của người quản lý, nhất là người đứng đầu với kết quả hoạt động của doanh nghiệp và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản trị, quản lý đất đai, tài sản của các công ty nông, lâm nghiệp.

Đẩy mạnh tiếp cận và phát huy hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; xử lý dứt điểm những vướng mắc về tài sản và nợ đọng; xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch triển khai, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển các công ty nông, lâm nghiệp theo hướng bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

"Phấn đấu đến năm 2027 sẽ có 100% công ty nông, lâm nghiệp hoạt động hiệu quả, đạt được tiêu chí phổ biến về quản trị doanh nghiệp theo các quy định hiện hành về chuẩn mực quốc tế, kinh doanh có lãi", Ban Kinh tế trung ương nêu.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Viện Cây ăn quả miền Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất

Tiền Giang Viện Cây ăn quả miền Nam (Sofri) vừa tổ chức lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm thành lập Viện 1994 - 2024.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.