| Hotline: 0983.970.780

Trả đất nông lâm trường ở Phú Thọ: Bộ 'vẽ' một đường, tỉnh 'đi' một nẻo

Thứ Ba 14/05/2024 , 06:15 (GMT+7)

Việc trả hàng ngàn ha đất nông lâm trường về địa phương quản lý ở tỉnh Phú Thọ đang có những quan điểm khác nhau giữa Bộ Công thương và UBND tỉnh Phú Thọ.

Nhức nhối đất nông lâm trường ở tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoàng Anh. 

Nhức nhối đất nông lâm trường ở tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Hoàng Anh. 

Theo thống kê năm 2023, tổng diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh Phú Thọ là hơn 187,7 nghìn ha, trong đó tổng diện tích rừng 169,3 nghìn ha, có hơn 120,9 nghìn ha rừng sản xuất. Từ nhiều năm trước, Phú Thọ là một trong những địa phương có diện tích đất lâm nghiệp rất lớn thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) quản lý, với khoảng hơn 16,9 nghìn ha tại 8 công ty lâm nghiệp đóng trên địa bàn.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp đổi mới nông lâm trường, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông lâm nghiệp, tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với Vinapaco rà soát, đánh giá hiện trạng và xây dựng phương án sử dụng đất của Tổng Công ty trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Kết quả cho thấy, trong số hơn 16,9 nghìn ha của Vinapaco quản lý ở tỉnh Phú Thọ có hơn 4,098 nghìn ha cơ bản chồng lấn với đất người dân đã sử dụng từ trước, khi lập hồ sơ giao đất cho các công ty lâm nghiệp đã khoanh định. Từ năm 2016 đến năm 2020, tỉnh Phú Thọ và Vinapaco đã tổ chức nhiều hội nghị và có nhiều văn bản đề xuất, báo cáo Bộ Công thương, Chính phủ cho phép hoàn thiện các thủ tục về phê duyệt phương án sử dụng đất và thực hiện việc thu hồi diện tích Vinapaco không quản lý, sử dụng, không có nhu cầu sử dụng để bàn giao cho tỉnh Phú Thọ.

Năm 2020, căn cứ các chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện thu hồi diện tích đất hơn 3,03 nghìn ha của 8 công ty lâm nghiệp thuộc Vinapaco gồm: Đoan Hùng, Yên Lập, Tam Sơn, Xuân Đài, Tam Thắng, Tam Thanh, Thanh Hòa và Sông Thao. Tuy nhiên đến tháng 10/2023, Bộ Công thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bàn giao đất từ Vinapaco về UBND tỉnh Phú Thọ quản lý, trong đó có nhiều nội dung thể hiện đất được thu hồi từ Vinapaco không được bàn giao cho các đối tượng ưu tiên theo quy định, việc ban hành các quyết định thu hồi đất chưa phù hợp các quy định của pháp luật…

Cụ thể, theo văn bản do Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng ký thể hiện, về các quyết định thu hồi đất từ Vinapaco của UBND tỉnh Phú Thọ, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, tại các văn bản đề nghị thu hồi đất gửi Bộ Công thương và Vinapaco cũng như qua các cuộc họp, UBND tỉnh Phú Thọ không cung cấp được căn cứ thu hồi đất theo quy định tại Điều 16 Luật Đất đai năm 2013, Điều 22 Luật Lâm nghiệp năm 2017, Điều 15 Nghị định 118/2014/NĐ-CP và Điều 9 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.

Sau khi UBND tỉnh Phú Thọ có nhiều văn bản đề nghị thu hồi, Vinapaco đã có các văn bản về việc tự nguyện bàn giao đất lâm nghiệp cho tỉnh Phú Thọ quản lý đồng thời có văn bản báo cáo Bộ Công thương về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và việc chuyển giao các diện tích đất cho địa phương do bị UBND tỉnh Phú Thọ thu hồi. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, mục đích thu hồi đất của UBND tỉnh Phú Thọ đã có sự thay đổi so với ban đầu.

Đó là, ngày 23/6/2017, UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản gửi Bộ Công thương về việc đề xuất phương án sử dụng diện tích đất sau khi thu hồi của các Công ty lâm nghiệp trực thuộc Vinapaco trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Trong đó, phương án sử dụng đất của UBND tỉnh Phú Thọ sau khi thu hồi như sau:

Đối với diện tích đất hơn 3,03 nghìn ha trả lại cho địa phương quản lý, chủ yếu là đất giao trùng, cấp trùng, tranh chấp, lấn chiếm và đất chưa sử dụng UBND tỉnh sẽ giao cho UBND các huyện quản lý để lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ hộ đang sử dụng. Đối với diện tích hơn 1,4 nghìn ha đất đề nghị thu hồi các công ty lâm nghiệp để phát triển kinh tế xã hội và sử dụng vào các mục đích trồng cây ăn quả có múi chất lượng cao như bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn, cam, cây chè và cây dược liệu...

Đối với diện tích hơn 1,8 nghìn ha của Công ty lâm nghiệp Sông Thao và Công ty lâm nghiệp Thanh Hòa đề nghị giải thể, bàn giao lại cho tỉnh để sử dụng vào mục đích trồng cây ăn quả, chè và cây dược liệu.

Bộ Công thương khẳng định đất được thu hồi từ Vinapaco, bàn giao về tỉnh Phú Thọ quản lý đã không được giao cho các đối tượng ưu tiên theo quy định. Ảnh: Hoàng Anh. 

Bộ Công thương khẳng định đất được thu hồi từ Vinapaco, bàn giao về tỉnh Phú Thọ quản lý đã không được giao cho các đối tượng ưu tiên theo quy định. Ảnh: Hoàng Anh. 

Theo Bộ Công thương, “lý do, mục đích thu hồi đất của UBND tỉnh Phú Thọ đã có sự thay đổi” vì sau khi thu hồi đất UBND tỉnh Phú Thọ lại có văn bản tiếp tục đề nghị thu hồi đất để giao cho các tổ chức kinh tế để chuyển đổi sang mục đích khác như xây dựng khu công nghiệp, đô thị sinh thái...

“Bên cạnh đó, đất được thu hồi, bàn giao về địa phương quản lý cũng không được giao cho các đối tượng ưu tiên theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp”, Bộ Công thương khẳng định.

Cũng theo Bộ Công thương, việc ban hành các quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Phú Thọ chưa phù hợp với quy định của pháp luật, đồng thời chưa có sự thống nhất với Bộ Công thương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công thương khẳng định: Vinapaco là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Bộ Công thương làm đại diện chủ sở hữu. Do đó, việc đất, rừng trồng và tài sản trên đất của các công ty lâm nghiệp thuộc Vinapaco trên địa bàn tỉnh Phú Thọ thuộc phạm vi điều chỉnh tại điểm a khoản 1 Điều 1 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính quy định sắp xếp, xử lý tài sản công. Theo quy định, việc thu hồi nhà, đất (bao gồm đất lâm nghiệp) và các tài sản gắn liền với đất của Vinapaco trên địa bàn tỉnh Phú Thọ phải có ý kiến, quyết định của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định tại khoản 4 Điều 3 và Điều 6 Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, trường hợp có vướng mắc, thẩm quyền quyết định thuộc Thủ tướng Chính phủ…

Tuy nhiên, đối chiếu các căn cứ, quy định của pháp luật cho thấy, việc UBND tỉnh Phú Thọ ban hành các Quyết định thu hồi đất khi các diện tích đất, tài sản trên đất do Vinapaco đang quản lý chưa thực hiện sắp xếp, xử lý theo quy định Nghị định 167/2017/NĐ-CP là chưa phù hợp với các quy định của pháp luật, đồng thời cũng chưa có sự thống nhất của Bộ Công thương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 290/TB-VPCP ngày 12/8/2020: “Đồng ý về nguyên tắc Tổng công ty Giấy Việt Nam bàn giao nguyên trạng diện tích 3.028,56 ha đất lâm nghiệp về cho tỉnh Phú Thọ quản lý, sử dụng theo phương án hai bên đã thống nhất”.

Từ những phân tích nêu trên, Bộ Công thương khẳng định: Việc bàn giao đất của Vinapaco trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã trực tiếp ảnh hưởng phương án sử dụng đất của Tổng công ty cũng như phương án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong những tồn tại ảnh hưởng lớn đến quá trình xây dựng phương án cơ cấu lại Công ty mẹ - Tổng Công ty Giấy Việt Nam và các công ty con, đơn vị trực thuộc.

Đất nông lâm trường biến thành khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Liên quan đến ý kiến của Bộ Công thương về việc quỹ đất sau khi thu hồi của Vinapaco đã không được giao cho các đối tượng ưu tiên theo quy định, UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Đối với diện tích hơn 4 nghìn ha, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo giao lại cho khoảng 2.500 hộ dân. Đối với diện tích hơn 3,035 nghìn ha, đến nay tỉnh Phú Thọ đã giao 71,93 ha để thực hiện 3 dự án gồm 1 dự án cụm công nghiệp và 2 dự án dịch vụ , thương mại, hiện đang triển khai thủ tục đối với 2 dự án khác là Khu công nghiệp Tam Nông và Khu công nghiệp Hạ Hòa với diện tích hơn 227 ha. Còn lại hơn 2,7 nghìn ha, tỉnh Phú Thọ đang quy hoạch và thực hiện các thủ tục triển khai các dự án theo quy định. Trong đó ưu tiên các dự án phát triển kinh tế xã hội được xác định trọng điểm như Cụm công nghiệp Tam Nông, Đoan Hùng, Tổ hợp nhà máy chế biến chè, quế, cây dược liệu…

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất