| Hotline: 0983.970.780

4 nội dung gợi mở cho triển khai công tác Tòa án năm 2023

Thứ Sáu 23/12/2022 , 09:01 (GMT+7)

Sáng 22/12, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tòa án năm 2023.

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã có bài phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Trung tâm tại trụ sở TANDTC đến gần 800 điểm cầu ở các Toà án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và Tòa án Quân sự cấp quân khu, cấp khu vực trong toàn hệ thống.

Tới dự hội nghị có Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Hoàng Văn Liên cùng với đại diện Bộ Tư pháp, Liên đoàn Luật sư và đại diện ban ngành Trung ương và Hà Nội.

Về phía TANDTC các Phó Chánh án TANDTC: Nguyễn Trí Tuệ, Nguyễn Văn Du, Nguyễn Văn Tiến, Phạm Quốc Hưng; Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội, đại biểu TAND, TAQS đạt thành tích cao trong phong trào thi đua, lãnh đạo các đơn vị thuộc TANDTC.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TANDTC, trân trọng cảm ơn và nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban ngành, đoàn thể ở Trung ương đã đến dự hội nghị.

Chánh án TANDTC nhấn mạnh, Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2023 có ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt được tổ chức khi Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới vừa được Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành.

Hội nghị không chỉ đánh giá kết quả công tác của các Tòa án năm 2022, triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2023, mà còn đề ra các nhiệm vụ, giải pháp, định hướng lớn để đẩy mạnh cải cách tư pháp, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, xây dựng nền tư pháp và Tòa án chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực hiệu quả; công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Hội nghị năm nay tiếp tục được tổ chức theo tinh thần đổi mới, thực chất về nội dung, đảm bảo tính toàn diện, trọng tâm, trọng điểm, được truyền hình trực tuyến đến gần 800 điểm cầu tới tất cả các Toà án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và Tòa án Quân sự cấp quân khu, cấp khu vực trong toàn hệ thống để Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án tham dự, theo dõi trực tiếp.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2022 là năm hệ thống Tòa án nhân dân tiếp tục phải hoàn thành nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức mới.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Nhà nước, Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, Ban, ngành ở Trung ương; sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; cùng với sự cố gắng, nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Tòa án các cấp nên Tòa án nhân dân đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm công tác đề ra và đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần cho sự phát triển của đất nước.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC phát biểu khai mạc hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC phát biểu khai mạc hội nghị.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đề cập đến một số nội dung mà Tòa án thực hiện tốt trong năm 2022, đồng thời nhấn mạnh, năm 2022, Tòa án nhân dân cũng đã hoàn thành khối lượng công việc lớn với nhiều nội dung quan trọng, như: Hoàn thành tất cả các Đề án mà Trung ương giao cho Tòa án thực hiện, trong đó có Đề án Cải cách tư pháp, Tòa án điện tử, Đổi mới cơ chế nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử,…

Công tác xây dựng pháp luật cũng là một điểm sáng năm 2022. TANDTC cũng tích cực tham gia xây dựng thể chế; tăng cường công tác xây dựng và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật. Riêng năm đầu tiên nhiệm kỳ này, Quốc hội khóa XV đã ban hành 3 Pháp lệnh do Tòa án xây dựng. Ngoài ra, Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành rất nhiều Nghị quyết, án lệ. Đáng mừng là việc vận dụng án lệ trong xét xử đã được các Thẩm phán áp dụng thường xuyên.

Cùng với đó là việc thực hiện các Nghị quyết lớn của Quốc hội về công tác hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành tại Tòa án cao, không phải phải đưa ra xét xử, mang đến nhiều lợi ích cho xã hội; Nghị quyết về xét xử trực tuyến, mặc dù chưa được đầu tư cơ sở vật chất nhưng các địa phương nỗ lực, đã có hơn 5.000 vụ án được đưa xét xử trực tuyến; Ứng dụng công nghệ thông tin, đã đưa vào thử nghiệm phần mềm Trợ lý ảo vào hoạt động của Tòa án. Đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn tham gia vào các vụ án mà Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng chỉ đạo, với sự tham gia của các cơ quan tư pháp.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị các đồng chí tham gia hội nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung suy nghĩ, thảo luận để đóng góp vào công việc chung; đề xuất các giải pháp thiết thực để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023 và những năm tiếp theo; từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch công tác cho từng cấp, từng đơn vị, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn hệ thống Tòa án, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Về công tác năm 2023, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, Ban Cán sự đảng, lãnh đạo TANDTC sẽ triển khai nhiều nội dung công việc quan trọng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng và tác động trực tiếp tới tổ chức và hoạt động của các Tòa án nhân dân.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trung tâm TANDTC.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu trung tâm TANDTC.

Để giúp các đại biểu có thêm thông tin, phục vụ cho việc thảo luận, thông qua những nhiệm vụ trọng tâm công tác trong năm 2023, Chánh án Nguyễn Hòa Bình gợi mở một số nội dung mà Tòa án thực hiện trong năm 2023.

Thứ nhất, lãnh đạo Tòa án các cấp cần quan tâm quán triệt và triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và cần phải được triển khai bài bản, kịp thời để đảm bảo toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, người lao động Tòa án nhân dân các cấp nhận thức đầy đủ, sâu sắc về nội dung, yêu cầu các các nhiệm vụ cần triển khai theo tinh thần của Nghị quyết.

Thứ hai, thực hiện quyết liệt các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết, xét xử các vụ việc thuộc thẩm quyền.

Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi và quan trọng nhất của hệ thống Toà án để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động từ đó xây dựng Tòa án trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, các Toà án phải tập trung đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử, đảm bảo không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm; hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Toà án; bảo đảm các vụ việc được giải quyết trong thời hạn luật định.

Thứ ba, xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”, nhất là nội dung về cải cách tư pháp.

Đẩy mạnh triển khai thực hiện và cụ thể hóa các nhiệm vụ Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đặt ra cho hệ thống Tòa án nhân dân. Cụ thể hóa và triển khai trong thực tiễn các đề án về cải cách tư pháp đã được phê duyệt. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án về cải cách tư pháp theo yêu cầu của Trung ương Đảng và Ban cán sự đảng TANDTC.

 

Lãnh đạo các Tòa án cần tổ chức quán triệt tới toàn bộ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động TAND về nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ theo chức năng của Tòa án, nhất là các nhiệm vụ liên quan đến công tác chuyên môn đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Thứ tư, tăng cường xây dựng thể chế, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Tập trung nghiên cứu, đề xuất Quốc hội xây dựng và ban hành các dự án luật, pháp lệnh quan trọng như: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; Luật Hội thẩm nhân dân; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Pháp lệnh về chi phí tố tụng;... tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất để nâng cao chất lượng xét xử. Trong năm 2023, mỗi địa phương phải lựa chọn được 1 án lệ. Đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào việc làm cho phần mềm trợ lý ảo thông minh hơn.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình quán triệt đến các Tòa án tập trung chăm lo xây dựng Đảng gắn với xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh. Nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ theo hướng đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tiến tới xây dựng đội ngũ cán bộ Tòa án thanh liêm, chính trực, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, có tấm lòng nhân ái. Quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, Thẩm phán, để mỗi cán bộ, Thẩm phán thấy rõ hơn trách nhiệm chính trị của mình trước Đảng, trước Nhân dân. Rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong của Tòa án nhân dân các cấp.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nghiên cứu, đề ra giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa các thiếu sót, vi phạm, nhất là các vi phạm có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động công vụ; công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử; công tác kiểm tra, thanh tra nội bộ; siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức, người có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp…

Chánh án cũng đề nghị hội nghị thảo luận, để đưa ra những giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2023.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.