| Hotline: 0983.970.780

5 điểm Hà Nội cần lưu ý để đảm bảo nguồn cung hàng hóa, nông sản

Chủ Nhật 01/08/2021 , 07:33 (GMT+7)

'TP. Hà Nội cần lưu ý 5 vấn đề để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp', Thứ trưởng Phùng Đức Tiến.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu 5 vấn đề TP. Hà Nội cần lưu ý để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, nông sản. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu 5 vấn đề TP. Hà Nội cần lưu ý để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, nông sản. Ảnh: Phạm Hiếu.

"Với đặc thù vùng sản xuất lớn, trong thời gian qua, TP. Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án đẩy mạnh sản xuất, tự cung tự cấp đề phòng tình huống xấu dịch bệnh bùng phát phải áp dụng những biện pháp cách ly, giãn cách", Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thông tin tại cuộc họp trực tuyến giữa Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh thành phía Bắc trong điều kiện dịch Covid-19 của Bộ NN-PTNT với UBND TP. Hà Nội nhằm nắm bắt tình hình sản xuất nông nghiệp và nhu cầu tiêu thụ lương thực thực phẩm trong điều kiện Covid-19 ngày 31/7.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, hiện nay TP. Hà Nội có 2 kênh lưu thông hàng hóa. Một kênh ở bên ngoài Thành phố, cho đến hiện tại những “luồng xanh” cơ bản được thông hành. Kênh lưu thông thứ hai nằm trong nội đô Thành phố cũng được cấp “luồng xanh” để đảm bảo thông suốt. Thành phố cũng đã chuẩn bị đủ lực lượng vận tải để vận chuyển hàng hóa trong trường hợp cần thiết.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh thành phía Bắc, đáng giá cao những nỗ lực của TP. Hà Nội trong thời gian qua: "Đúc rút kinh nghiệm từ lần giãn cách xã hội năm 2020, sau 7 ngày thực hiện giãn cách lần thứ 2, Hà Nội vẫn giữ ổn định tình hình thị trường của Thành phố, đồng thời tổ chức sản xuất đạt được những chỉ tiêu rất cao. Bên cạnh việc siết chặt công tác phòng chống dịch Covid-19, Hà Nội vẫn tổ chức sản xuất, lưu thông, phân phối không chỉ cho Thành phố mà còn đảm bảo cho các địa phương khác".

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng Hà Nội đã chuẩn bị rất kĩ lưỡng với những kịch bản khác nhau. Tuy nhiên không thể chủ quan với những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, đặc biệt là chủng Delta. Theo đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã đưa ra 5 vấn đề mà TP. Hà Nội cần lưu ý.

Thứ nhất, theo Thứ trưởng Tiến, khâu tổ chức sản xuất mang ý nghĩa then chốt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp. Trong mọi tình huống, nếu chúng ta chủ động được sản xuất thì công tác phòng chống dịch bệnh cũng hiệu quả hơn. Chính vì thế sản xuất nông nghiệp của Hà Nội phải đảm bảo được những chỉ tiêu về kinh tế, kĩ thuật ở mức độ cao nhất trong tất cả những lĩnh vực.

Thứ hai là lĩnh vực chăn nuôi. Với quy mô đàn lợn 18 triệu con, 40 triệu con gia cầm và đàn đại gia súc lớn, Hà Nội phải duy trì được tốc độ tăng trưởng nếu không sẽ xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó những tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm phải được duy trì ở mức cao nhất. Tất cả những bệnh dịch trên động vật, nếu đã có vacxin thì triển khai tiêm phòng. Các hợp tác xã cần gắn kết chặt chẽ với Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn của Bộ NN-PTNT để đảm bảo khâu phân phối.

"Thứ ba là phải tháo gỡ lưu thông cho vật tư nông nghiệp. Hiện nay một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng kiến nghị tại một vài quận huyện, xã phường vùng sâu vùng xa vẫn còn tình trạng chưa xuyên suốt tinh thần chỉ đạo về việc lưu thông vật tư nông nghiệp. Nếu vật tư nông nghiệp không được lưu thông sẽ không thể thực hiện chu kì sản xuất, từ đó gây ra thiếu hụt hàng hóa, nông sản", Thứ trưởng lưu ý.

Thứ tư, trên 400 cơ sở chế biến, giết mổ trên địa bàn TP. Hà Nội phải tính toán phương án “3 tại chỗ”. Các cơ sở cũng cần đảm bảo an toàn sinh học, đảm bảo nguồn nhân lực, vật tư, nguyên liệu.

"Thứ năm, nếu tình huống xấu xảy ra trên địa bàn TP. Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp của Bộ NN-PTNT sẽ sẵn sàng trở thành điểm trung chuyển hàng hóa cho các chợ đầu mối. Thành phố cũng cần có những phương án cụ thể cho việc thành lập những điểm trung chuyển này", lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, những tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm phải được duy trì ở mức cao nhất. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, những tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm phải được duy trì ở mức cao nhất. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ngoài ra, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng 21 tỉnh cung ứng hàng hóa, nông sản cho Hà Nội cần đảm bảo tổ chức sản xuất một cách ổn định để tạo vành đai, chân đế an toàn cho Thủ đô.

Bộ NN-PTNT sẽ rà soát tình hình, năng lực sản xuất của các địa phương để cùng Hà Nội điều động, phân phối một cách hợp lý nếu xảy ra những trường hợp xấu, tránh để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Theo Thứ trưởng, các doanh nghiệp, ngoài việc tổ chức sản xuất, tạo nguồn cung cho Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, cũng cần triển khai dự trữ hàng hóa, nông sản tại kho, trên đồng ruộng và tại các siêu thị để trong bất kì tình huống nào vẫn đảm bảo được lưu thông, phân phối.

"Đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần cân đối năng lực, kho bãi, khả năng chế biến, đội ngũ cán bộ, phương tiện vận chuyển phải đảm bảo sẵn sàng, khi huy động là có mặt sát cánh cùng các bộ ban ngành cũng như TP. Hà Nội", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.