| Hotline: 0983.970.780

Hà Nội tính phương án cung ứng hàng hóa khi tình huống xấu xảy ra

Thứ Bảy 31/07/2021 , 15:57 (GMT+7)

Ngay khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội đã rất chú trọng việc tổ chức sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa cũng như các tỉnh phía Bắc.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp tại đầu cầu Bộ NN-PTNT. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp tại đầu cầu Bộ NN-PTNT. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thiếu gạo, thịt, rau củ

Ngày 31/7, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh thành phía Bắc trong điều kiện dịch Covid-19 của Bộ NN-PTNT đã tổ chức họp trực tuyến với UBND TP. Hà Nội nhằm nắm bắt tình hình sản xuất nông nghiệp và nhu cầu tiêu thụ lương thực thực phẩm trong điều kiện Covid-19.

Mở đầu cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến, Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá cao tinh thần chống dịch của TP. Hà Nội.

"Trong bất kì tình huống nào chúng ta cũng không được để Thủ đô xảy ra biến động lớn. Với tình hình dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay, việc đảm bảo an ninh, chất lượng lương thực thực phẩm sẽ giúp TP. Hà Nội thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Nội, mặc dù gặp một số khó khăn do diễn biến dịch Covid-19 phức tạp kéo dài nhưng tình hình sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 của TP. Hà Nội vẫn tương đối ổn định, ước đạt tăng trưởng 3,09% so với cùng kỳ năm 2020.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung hiện nay, nhu cầu sản xuất và khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.

Cụ thể, sản lượng sản xuất gạo trong 1 vụ chỉ đáp ứng được 65,6% nhu cầu tiêu dùng của người dân, sản lượng xuất chuồng thịt lợn trong 1 tháng chỉ đáp ứng 94,1% nhu cầu, sản lượng xuất chuồng thịt trâu bò trong 1 tháng chỉ đáp ứng 19,3% nhu cầu, nguồn cung thực phẩm chế biến trong 1 tháng trên địa bàn chỉ đáp ứng 19% nhu cầu, sản lượng tự sản xuất rau củ trên địa bàn trong 1 tháng chỉ đáp ứng 65,1% tổng nhu cầu của người dân thủ đô.

Theo Sở NN-PTNT Hà Nội, hiện nay khó khăn chủ yếu đối với nguồn cung các sản phẩm nông sản hàng hóa thực phẩm chủ yếu ở khâu lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Đặc biệt là từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội.

Các xe vận chuyển tiêu thụ nông sản khi lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ phải tuân thủ kiểm dịch, kiểm tra nhiều tại các chốt. Việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa khó khăn do nhiều tỉnh, thành phố yêu cầu lái xe khi đi ra từ vùng dịch phải thực hiện cách ly nên đã khiến các thương lái tại các tỉnh lo ngại khi vào địa bàn tỉnh để thu mua nông sản.

Ngoài ra, việc phân phối gặp nhiều khó khăn khi thực hiện giãn cách xã hội, nhất là các chợ đầu mối, chợ dân sinh, cơ sở giết mổ nếu dịch xuất hiện thì việc buộc phải tạm ngừng giết mổ sẽ ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ và phân phối nguồn hàng trên địa bàn các tỉnh. Bên cạnh đó nguồn tiêu thụ chính hiện nay là tại các chợ truyền thống, trong khi nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại các chợ là rất cao.

Hiện nay một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô hoặc phải tạm dừng hoạt động do trường học, cơ sở dịch vụ ăn uống ngừng hoạt động...

Sản lượng tự sản xuất rau củ trên địa bàn TP. Hà Nội trong 1 tháng chỉ đáp ứng 65,1% tổng nhu cầu của người dân thủ đô. Ảnh: Phạm Hiếu.

Sản lượng tự sản xuất rau củ trên địa bàn TP. Hà Nội trong 1 tháng chỉ đáp ứng 65,1% tổng nhu cầu của người dân thủ đô. Ảnh: Phạm Hiếu.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài đã gây ra những tác động đến sự phát triển sản xuất cũng như tăng trưởng của ngành nông nghiệp như gặp khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa; hoạt động xuất nhập khẩu cung ứng nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp, sản phẩm nông sản; hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi, hóa chất, phân bón, thiết bị nông nghiệp.... kéo theo chi phí sản xuất, kinh doanh tăng.

Hà Nội chuẩn bị nhiều kịch bản cung ứng tiêu thụ nông sản

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết khi dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, Thành phố rất chú trọng đến việc tổ chức sản xuất để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa cũng như các tỉnh phía Bắc.

Trong công tác phòng chống dịch, để đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm cho người dân trên địa bàn Thành phố, Hà Nội đã triển khai 2 nguồn cung.

Nguồn cung thứ nhất là Hà Nội cố gắng đảm bảo tự cung tự cấp ở mức độ cao nhất trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Sở NN-PTNT đã rà soát những vùng trồng để có cơ cấu sản xuất phù hợp với nhu cầu trong thời gian dịch bệnh diễn ra tại Thành phố.

Nguồn cung thứ hai, Sở Công thương đã chỉ đạo hệ thống phân phối tiếp tục giữ ổn định những đầu mối, nguồn cung cấp từ các tỉnh đang thực hiện cung ứng hàng hóa cho Hà Nội.

Thành phố đang thực hiện 2 Chương trình là “Phương án dự trữ hàng hóa phòng chống dịch” và “Bình ổn thị trường”, qua đó các hệ thống phân phối sẽ dự trữ hàng hóa và đảm bảo điều tiết cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trên địa bàn.

Bà Trần Thị Phương Lan thông tin: "Hiện nay, các doanh nghiệp đang thực hiện dự trữ nguồn hàng để phục vụ cho nhu cầu của người dân trên tại các hệ thống siêu thị phân phối trực tiếp, dự trữ tại kho hàng của các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội, dự trữ tại tổng kho các hệ thống phân phối của một số tỉnh lân cận Hà Nội, dự trữ tại kho hàng của nhà cung cấp".

"Đến thời điểm hiện tại, không có đơn vị nào trên địa bàn TP. Hà Nội xảy ra thiếu hụt hàng hóa cục bộ. Rút kinh nghiệm từ những lần chống dịch trước cùng với tinh thần chủ động được nêu cao, TP. Hà Nội đã dự đoán và có những phương án, kịch bản để ứng phó với biến động cung cầu trong thời gian xảy ra dịch bệnh", bà Lan cho hay.

Đại diện Sở Công thương nhận định tình hình dịch bệnh hiện nay rất phức tạp, Hà Nội đã bắt đầu triển khai những biện pháp mạnh hơn tại một số địa phương có nguy cơ cao. Nếu duy trì được việc phòng chống dịch như hiện nay thì nguồn cung hàng hóa vẫn sẽ được đảm bảo, sản xuất nông nghiệp vẫn diễn ra bình thường.

"Tuy nhiên nếu tình huống xấu hơn xảy ra như số lượng ca F0 tăng cao, các tỉnh phía Bắc cũng phải thực hiện giãn cách xã hội như Hà Nội thì bắt buộc sẽ phải có những phương án khó khăn hơn", bà Lan nêu vấn đề.

Hàng hóa ở các siêu thị tại Hà Nội vẫn khá dồi dào. Ảnh: Tùng Đinh.

Hàng hóa ở các siêu thị tại Hà Nội vẫn khá dồi dào. Ảnh: Tùng Đinh.

Theo đó, Sở Công thương Hà Nội đã chỉ đạo các hệ thống phân phối phải thường xuyên tập kết hàng hóa về kho Thành phố để chủ động trong tất cả tình huống, đồng thời giao cho các quận huyện tập trung sản xuất, đảm bảo phương án “4 tại chỗ” trên địa bàn.

Thời gian tới, nếu xảy ra thiếu hụt cục bộ hàng hóa trong nội thành, Sở Công thương sẽ điều tiết hàng hóa giữa các hệ thống phân phối.

"Bên cạnh đó, nếu các tỉnh phía Bắc bắt buộc phải thực hiện giãn cách xã hội thì việc lưu thông hàng hóa sẽ bị hạn chế rất nhiều. Rút kinh nghiệm từ những tỉnh thành phía Nam thì các tỉnh phía Bắc cần có sự thống nhất, đồng bộ trong cách chỉ đạo. Gần 800 chuỗi cung ứng của 21 tỉnh phía Bắc cần rà soát lại một cách cụ thể khả năng cung ứng hàng hóa tại địa bản tỉnh đó cũng như phân phối cho Hà Nội", bà Trần Thị Phương Lan đề xuất.

Bà Lan cũng cho biết Sở Công thương đã nhận được đề nghị từ Bưu điện Thành phố Hà Nội về việc sẵn sàng triển khai gần 500 điểm bán hàng thiết yếu tại các nhà văn hóa xã, dự trữ 2.300 điểm bán hàng lưu động trên địa bàn các quận, huyện, thị xã đề phòng trường hợp các địa phương bị phòng tỏa.

Bên cạnh đó, những chợ dân sinh được đánh giá là những nơi thuộc diện có nguy cơ cao. TP. Hà Nội đã chỉ đạo các quận huyện ra soát những vị trí đất trống để sẵn sàng phương án di chuyển hoạt động của những tiểu thương, những người dân có nhu cầu cung ứng hàng hóa trong trường hợp các chợ phải tạm dừng hoạt động.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Lai Châu xác minh tài sản, thu nhập của 26 cán bộ

Ngày 4/5, Thanh tra tỉnh Lai Châu công bố quyết định xác minh tài sản, thu nhập năm 2024 của 26 cán bộ công tác tại 9 cơ quan.

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.