Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk Y Giang Gry Niê Knơng cho biết, đến nay, diện tích sầu riêng của tỉnh Đăk Lăk trên 15 nghìn ha, là tỉnh có diện tích sầu riêng lớn thứ 2 của cả nước sau tỉnh Tiền Giang, ước sản lượng thu hoạch năm 2022 là 170.000 tấn và ước sản lượng đến năm 2025 là trên 300.000 tấn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk, việc nghị định thư xuất khẩu sầu riêng được ký kết là cơ hội để tổ chức phát triển ngành hàng sầu riêng Việt Nam theo hướng hiện đại, chất lượng, an toàn, bền vững và liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến thị trường tiêu thụ, là cơ hội để nâng cao hiệu quả và nâng tầm giá trị sầu riêng của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ vì các nội dung của Nghị định thư thực chất là các yêu cầu kỹ thuật buộc bên sản xuất, đóng gói và xuất khẩu phải tuân thủ.
"Việc tổ chức Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sẩu riêng đầu tiên theo Nghị định thư đã chứng minh chất lượng sản phẩm sầu riêng của Việt Nam đã được nâng lên", ông Y Giang Gry Niê Knơng khẳng định.
Nhận thức rõ cơ hội này, thời gian qua, UBND tỉnh Đăk Lăk chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền từ tỉnh tới địa phương khẩn trương hỗ trợ, tạo điều kiện để hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu của phía Trung Quốc.
Lãnh đạo tỉnh cho biết, kết quả bước đầu, Đăk Lăk đã được Tổng cục Hải Quan Trung Quốc phê duyệt 04 mã cơ sở đóng gói sầu riêng và 23 mã số vùng trồng (chiếm 45% mã số vùng trồng cả nước được phê duyệt), với diện tích 1.500 ha (chiếm 18,3% diện tích sầu riêng cho thu hoạch của tỉnh).
Chưa phải đích đến cuối cùng
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, sự kiện tại Đăk Lăk hôm nay ghi dấu những trái sầu riêng ngon lành của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch, hiện diện trên các kệ hàng, bắt đầu hành trình tự tin chinh phục người tiêu dùng tại thị trường lớn nhất thế giới.
"Sự kiện là niềm vui, niềm tự hào chung của những người dân, doanh nghiệp ngành hàng sầu riêng vùng Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên", ông nói.
Theo Bộ trưởng, để có được những lô sầu riêng đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch ngày hôm nay, các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng đã phải chuẩn bị kỹ lưỡng và trải qua rất nhiều khâu kiểm tra của cơ quan chuyên môn hai nước, đáp ứng được tất cả yêu cầu nghiêm ngặt của phía đối tác.
Tuy nhiên, ông Lê Minh Hoan cũng khẳng định, lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, không phải đích đến cuối cùng, mà chỉ là những bước bắt đầu cho hành trình phát triển ngành hàng sầu riêng chuyên nghiệp, minh bạch, trách nhiệm, với tất cả các khâu, các quy trình đều được chuẩn hoá.
Trong bối cảnh đó, lãnh đạo ngành nông nghiệp nhấn mạnh, nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước cần “đi cùng nhau” trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng, trong từng sự kiện giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư để xây dựng thương hiệu Sầu riêng Việt Nam trở nên nổi bật trên thị trường quốc tế, đồng thời có ý thức tạo dựng và giữ gìn hình ảnh một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm đối với người tiêu dùng.
Đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 76 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu vào quốc gia này, trong đó có 25 mã số cơ sở đóng gói. Hiện sầu riêng Việt Nam có khá nhiều lợi thế khi giá cả cạnh tranh, chất lượng ngày càng tăng. Trước đó, Trung Quốc đã nhiều lần thử canh tác sầu riêng cao cấp ở các tỉnh như Vân Nam, Quảng Tây, Hải Nam nhưng chưa thành công.
Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sầu riêng đạt 84,38 triệu USD, tăng 90,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2,86 triệu USD, tăng 123%.
Là một trong 25 đơn vị được cấp mã cơ sở đóng gói sầu riêng tươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vừa được công bố trong tháng 9/2022, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vạn Xuân Phát đã liên kết hợp tác tạo theo chuỗi giá trị với Công ty Cổ phần Vinamit. Cụ thể, Vạn Xuân Phát xuất khẩu trái tươi, còn Vinamit đưa vào chế biến sâu tạo giá trị gia tăng những trái không đủ chuẩn xuất khẩu.
Trong khuôn khổ sự kiện, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Vạn Xuân Phát xuất khẩu 3 container sầu riêng đầu tiên được sơ chế, đóng gói tại nhà máy của Công ty Cổ phần Vinamit (khu công nghiệp Ea Đar, huyện Ea Kar, Đăk Lăk).
Đại diện Vinamit cho biết, nhà máy có hệ thống kho đông và kho lạnh lớn (3.500m2) có thể dự trữ trái cây tươi, chế biến đông lạnh để phục vụ cho các nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy khác. Vị trí nhà máy cũng nằm trên cung đường thuận lợi cho việc di chuyển đến các cảng nước sâu cũng như đưa hàng ra phục vụ thị trường miền Trung, miền Bắc. Thời gian tới, Vinamit sẽ tham gia chế biến sâu các sản phẩm từ sầu riêng để đa dạng các mặt hàng xuất khẩu và hạn chế rủi ro khi sầu riêng tươi bị ách tắc.
Hôm nay, Vinamit và Cty TNHH XNK Vạn Xuân Phát cũng ký kết các hợp đồng nhằm hiện thực hóa các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết vào đầu năm nay với mục tiêu từ nay đến 2023 xuất khẩu 15.000 tấn trái tươi, đưa từ 20% - 30% sản lượng trái thu được sang chế biến sâu.