| Hotline: 0983.970.780

5 đức tính tạo nên cốt cách người nông dân

Thứ Bảy 23/04/2022 , 08:38 (GMT+7)

'Cái gì là hữu hình thì sẽ hữu hạn, cho nên nếu anh tôn thờ giá trị vật chất quá thì cuối cùng con người sẽ đánh mất những giá trị của chính mình'

Một trong những quan điểm của Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nông nghiệp, nông thôn là nơi gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đã có những bàn luận xung quanh vấn đề này. Xin lược ghi một số ý kiến của ông.

Sự va đập giữa truyền thống và phi truyền thống

Giữ gìn văn hoá truyền thống của làng quê là một vấn đề rất rộng nhưng tôi chọn ra ba điều chúng ta cần quan tâm. Thứ nhất, phải nhận diện được văn hoá hiện nay ở nông thôn đang diễn biến như thế nào? Chỉ khi nào chúng ta nhận diện được thì mới tìm ra những giải pháp về mặt văn hóa để giải quyết, chứ không phải là chúng ta dùng hành chính để áp đặt.

Có một thực tế rằng văn hoá nông thôn hiện nay khá xô bồ với những sự va đập giữa truyền thống và phi truyền thống vừa âm thầm, vừa quyết liệt. Thậm chí, bản thân mỗi con người phải rất tỉnh táo thì mới có thể nhận ra. Và quá trình va đập đó sẽ tạo ra những giá trị mới, hình thành nên những giá trị chuẩn mực trong các mối quan hệ gia đình, xã hội.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: Việc giữ lại cái hồn và cái cốt của làng, của con người chính là đối tượng của văn hoá nông thôn.

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy: Việc giữ lại cái hồn và cái cốt của làng, của con người chính là đối tượng của văn hoá nông thôn.

Có một vấn đề mà mọi người hãy chú ý, đó là sự thâm nhập của mạng xã hội rất chủ động, rất thường xuyên. Nó đến với từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Nếu chúng ta không có nền tảng kiến thức thì sẽ không có một bộ lọc văn hoá của chính bản thân và xã hội dẫn đến tiếp nhận các luồng thông tin một cách ồ ạt.

Cũng chính điều đó đã gây nên sự va đập trong tư duy của các thế hệ, thậm chí truyền thống qua đình cũng có thể biến dạng theo. Như vậy, việc giữ lại cái hồn và cái cốt của làng, của con người chính là đối tượng của văn hoá nông thôn.

Vấn đề thứ hai chúng tôi muốn nhắc tới, đó là xây phải đi đôi với chống. Xây là chính nhưng chống phải thường xuyên. Vậy thì chúng ta phải xây cái gì? Tôi cho rằng đối với làng, cái cốt của nó phải được biểu hiện bằng vật chất. Quy hoạch nông thôn phải làm sao để đáp ứng được một không gian phát triển của nông nghiệp và tập quán sống của người nông thôn.

Như vậy, diện tích đất ở tại các vùng nông thôn phải nhiều. Nếu chúng ta cứ phân lô và cấp sổ đỏ cho những thửa đất 40m2, 60m2, 80m2 thì chẳng khác nào ném những khu phố, tiểu phố về nông thôn, đó chính là hiện tượng đô thị hoá nông thôn.

Như vậy nhà ở của người dân nông thôn cần phải có những mẫu kiến trúc phù hợp với tập quán sinh hoạt và sản xuất và điều kiện tự nhiên ở mỗi vùng miền khác nhau. Cùng với đó là diện tích đất tương ứng chứ chúng ta không thể vin vào cớ đất đai khan hiếm để chia lô bán tỉa hoặc cho đấu thầu diện tích chỉ vài chục mét vuông.

Một không gian sống của người nông thôn phải có nhà, có vườn và có ao, có giao thông thuận tiện, ánh sáng... đi đôi với các thiết chế văn hoá. Nên ở mỗi làng phải có nhà văn hoá là nơi quần tụ của cộng đồng, trong nhà văn hoá phải có thư viện hoặc tủ sách khoa học kỹ thuật, tủ sách pháp luật, văn hoá, giải trí... Chúng ta cũng cần quy hoạch khu sân chơi cho trẻ em, sân chơi cho thanh niên, cụ già để đến khi bà con lao động xong, những phút giây vui chơi và giải trí đó làm cho con người hoà nhập vào xã hội và tăng sự tương tác của con người trong xã hội, từ đó họ gắn bó lẫn nhau, tình làng nghĩa xóm được bện trong giá trị văn hoá đó.

5 đức tính tạo nên cốt cách người nông dân

Còn một vấn đề nữa về mặt tinh thần mà không cần sự đầu tư của nhà nước chúng ta vẫn có thể làm được, đó là xây dựng các câu lạc bộ nghề nghiệp, câu lạc bộ của những người có cùng sở thích ở nông thôn, các mô hình cộng đồng tự quản. Trong đó, cách tự quản tốt nhất là xây dựng và ban hành hương ước của làng. Chính từ hương ước mà chúng ta có thể giám sát lẫn nhau, chia sẻ cho nhau, hoà giải các mâu thuẫn xảy ra mà không cần giải quyết bằng vấn đề pháp luật. Xây dựng một sự đồng thuận trong văn hoá sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc chúng ta yêu cầu các hộ gia đình xây dựng gia đình văn hoá, cam kết không được đốt pháo, làm cho người ta căng thẳng trước áp lực về mặt pháp luật.

Đối với người nông dân, người thôn quê cần tập trung vào 5 vấn đề. Thứ nhất là cách ăn: ăn sao cho sạch, cho có dinh dưỡng để có sức khoẻ. Thứ hai là cách ở: ở là phải sạch nhà, sạch ngõ, sạch vườn và rác thải ra phải có nơi tiêu huỷ, thậm chí phải chế biến để tạo thành nguồn dinh dưỡng hữu cơ để tái sản xuất. Thứ ba là cách đi lại, phải đi đứng có trật tự, có văn hoá xếp hàng, tuân thủ pháp luật về giao thông. Thứ tư là cách nói, cái gây ra mâu thuẫn, xung đột ở nông thôn nhiều nhất không phải là lợi ích kinh tế, không phải là mảnh ruộng, bờ ao mà chính là cách nói của chúng ta.

Tuy nhiên, quan niệm “nói cho vừa lòng nhau” trong một chừng mực nào đó cũng chưa phải là đúng lắm, đôi khi chúng ta đã giấu đi những sự thật mà bản chất của con người nông thôn là chân thành và cởi mở.

Lễ hội Tịch điền mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hướng về nguồn cội, đề cao vai trò, vị thế của sản xuất nông nghiệp xuyên suốt ngàn năm.

Lễ hội Tịch điền mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hướng về nguồn cội, đề cao vai trò, vị thế của sản xuất nông nghiệp xuyên suốt ngàn năm.

Vậy thì khi lời nói vừa chân thành, cởi mở, vừa mang theo cả yếu tố chính trị, văn hoá và pháp luật, mang theo cả tình làng nghĩa xóm, thì lời nói đó sẽ không tạo ra sự mâu thuẫn và xung đột.

Và cuối cùng đó là cách ứng xử văn hoá nơi công cộng. Vấn đề này đã được Bác Hồ đã nói trong xây dựng đời sống mới từ những năm 1963, 1964 và cho đến bây giờ chúng ta vẫn phải quay lại.

Cái gì là vô hình thì sẽ vô hạn

Như đã nói ở phần trên, ngoài xây, chúng ta phải chống. Có mấy vấn đề chúng ta cần quan tâm. Trước tiên là chống lối sống thực dụng, đặt đồng tiền lên trên tình cảm và quan hệ cộng đồng, quan hệ gia đình. Hiện nay, vấn đề này ngày càng phổ biến ở nông thôn. Một người đi làm ăn xa khi về quê thường phải nghe những câu hỏi: Lương anh bao nhiêu? Thu nhập của anh bao nhiêu, chắc là anh giàu lắm phải không? Từ duy thực dụng của đồng tiền mà đôi khi anh em cãi nhau, thậm chí xô xát với nhau chỉ vì tranh chấp đất đai. Cho nên, lối sống của con người cần tịnh tâm lại để hướng tới điều thiện.

Điều chống thứ hai là chống mê tín dị đoan. Ngày nay, mê tín dị đoan đã và đang phát triển. Nhiều người nghĩ rằng cuộc sống của chúng ta chỉ là cõi tạm, mà nếu cuộc sống hiện thực chỉ là cõi tạm thì làm sao chúng ta có văn minh và người nông dân văn minh lên được. Cũng chính mê tín dị đoan khiến cho một bộ phận không nhỏ người nông dân mất tự tin, mất chủ động, dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực và tin vào vận số cũng như lời phán nhảm nhí, gây xung đột trong gia đình và cộng đồng.

Cái chống thứ ba là chống sự lãng phí, điển hình như trong việc cưới và việc tang, chúng ta có chỉ thị, có văn bản quy định nhưng hiện nay đám cưới, đám tang được tổ chức với quy mô rất lớn. Nhiều người ngụy biện rằng chúng tôi ăn to, ăn lớn như vậy thì đó mới là tình làng nghĩa xóm, và làm to như vậy là tiêu thụ nông sản cho người nông dân. Nhưng người ta không nghĩ rằng từ những đám ma, đám cưới lớn như vậy kéo theo hàng loạt vấn đề như đánh nhau, rượu say, tai nạn giao thông và làm cho sức khoẻ của con người bị bào mòn đi vì rượu. Hiện trạng này ở nông thôn cần phải chống một cách quyết liệt.

Khi cái đẹp được hình thành thì đó là giá trị của sự sáng tạo. Ảnh: Trọng Chính.

Khi cái đẹp được hình thành thì đó là giá trị của sự sáng tạo. Ảnh: Trọng Chính.

Và cuối, tôi cho rằng cần phải chống tư tưởng đèn nhà ai nhà nấy rạng, chúng ta cần có một chiến lược để tập hợp nhau lại thì mới có sức mạnh, mà muốn có sức mạnh thì phải liên kết với đa chủ thể, mà đã đứt gãy liên kết này thì đừng nói nông sản của chúng ta có chất lượng cao và đồng bộ.

Như vậy có thể nói rằng việc giữ gìn văn hoá, cốt cách làng, cốt cách của hồn quê chính là quay lại ba vấn đề: Một là sự chân thành và cởi mở với nhau trong giao tiếp và trong cuộc sống. Thứ hai là tinh thần hướng thiện, sự tử tế của người lao động để tạo ra các sản phẩm có trách nhiệm với xã hội. Thứ ba là tinh thần hướng tới cái đẹp, khi cái đẹp đã được hình thành thì ở đó có sự nâng niu; khi cái đẹp được hình thành thì đó là giá trị của sự sáng tạo.

Cách đây không lâu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nói một câu mà tôi cho rằng hết sức đúng, đó là: “Cái gì là hữu hình thì sẽ hữu hạn, sẽ có cái sau để phủ định cái trước, cho nên nếu anh tôn thờ giá trị vật chất quá thì cuối cùng con người sẽ đánh mất những giá trị của chính mình. Nhưng cái gì là vô hình thì lại là vô hạn, mà cái vô hình luôn ẩn sâu trong trái tim của con người, trong cái đẹp, cái thiện, cái mỹ”. Đó chính là yếu tố văn hoá mà chúng ta cần nhận diện, chúng ta chống và chúng ta xây.

(ghi)

Xem thêm
Ông Trần Mạnh Dũng làm Bí thư Thành ủy Nha Trang

Ông Trần Mạnh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa được điều động, chỉ định giữ chức vụ Bí thư Thành ủy Nha Trang, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Hải Phòng khởi công cầu Nguyễn Trãi hơn 6 nghìn tỷ đồng

Cầu Nguyễn Trãi là dự án trọng điểm, hứa hẹn thay đổi diện mạo đô thị và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hải Phòng trong thời gian tới.