Nguyên tắc 1: Minh bạch và trung thực
Trước tiên, cung cấp thông tin cần chính xác và dễ hiểu. Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và quản lý nguy cơ sức khỏe cộng đồng, những thông tin sai lệch có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
TS.BS Phạm Đức Phúc, Viện trưởng Viện Sức khỏe môi trường và Phát triển bền vững, nhận định: "Các cơ quan chức năng cần luôn công khai thông tin về các vấn đề liên quan đến sức khỏe cộng đồng. Ví dụ, khi phát hiện sản phẩm thực phẩm nhiễm độc, các cơ quan chức năng cần công khai thông tin về nguồn gốc sản phẩm, mức độ nguy hiểm và những tác động sức khỏe mà sản phẩm đó có thể gây ra".
"Truyền tải một cách minh bạch còn là cởi mở và trung thực về những điều chưa chắc chắn", TS.BS Phạm Đức Phúc nói.
Nguyên tắc 2: Đồng cảm và hiểu được đối tượng
Bên cạnh việc công khai thông tin, các cơ quan chức năng cũng cần đồng cảm với cộng đồng, điều chỉnh thông điệp sao cho phù hợp với văn hóa và trình độ nhận thức của từng nhóm đối tượng. Tại khu vực nông thôn, thông tin về nguy cơ thực phẩm không rõ nguồn gốc cần được truyền đạt bằng ngôn ngữ đơn giản và dễ hiểu để người dân có thể tiếp thu và áp dụng.
Nếu thông điệp quá phức tạp hoặc sử dụng thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu, người dân sẽ dễ dàng bị hoang mang hoặc hiểu sai, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Nguyên tắc 3: Kịp thời và rõ ràng
Truyền đạt thông tin sớm nhất có thể cũng là một yếu tố quan trọng. Điều này không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn ngăn ngừa các hành động hoang mang không cần thiết.
Bởi, một trong những thách thức lớn trong việc truyền thông là thông điệp không nhất quán từ nhiều nguồn khác nhau. Điều này có thể gây ra sự hiểu lầm trong cộng đồng. Đặc biệt, khi các thuật ngữ khoa học không được sử dụng thống nhất hoặc bị hiểu sai, sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường.
TS. Phạm Đức Phúc lấy ví dụ về sự hiểu lầm về "cúm lợn", khi người dân ngừng ăn thịt lợn vì lo sợ nhiễm bệnh, mặc dù thực tế bệnh cúm A (H1N1) không liên quan đến việc tiêu thụ thịt lợn.
Nguyên tắc 4: Sử dụng bằng chứng khoa học để củng cố thông điệp
Để tăng độ tin cậy, các cơ quan chức năng nên trích dẫn nghiên cứu, số liệu cụ thể từ các tổ chức uy tín, chẳng hạn như báo cáo từ Bộ Y tế hay các nghiên cứu khoa học về nguy cơ từ một loại thực phẩm cụ thể. Điều này không chỉ giúp nâng cao độ tin cậy của thông tin mà còn giúp cộng đồng dễ dàng hiểu được mức độ nghiêm trọng của nguy cơ.
Chia sẻ thêm với Báo Nông nghiệp Việt Nam, TS. BS Phạm Đức Phúc cho biết các bằng chứng khoa học các nhà làm truyền thông có thể tin cậy bao gồm các bài nghiên cứu khoa học điện tử chính thống, các cơ sở dữ liệu khoa học quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông và phòng chống nguy cơ.
Nguyên tắc 5: Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng
Cuối cùng, việc khuyến khích sự tham gia của cộng đồng - cấu phần quan trọng của đánh giá và quản lý nguy cơ. Sự tham gia tích cực của người dân sẽ giúp các cơ quan chức năng có cái nhìn chính xác hơn về mức độ lo ngại của cộng đồng và đưa ra những quyết định quản lý nguy cơ phù hợp. Tạo cơ hội để người dân có cơ hội đặt câu hỏi, đưa ra ý kiến cũng như góp phần nâng cao hiệu quả truyền thông và quản lý nguy cơ.