Ngày 6/12 tại Nghệ An, Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) đã phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Tập huấn tăng cường truyền thông về an toàn thực phẩm, kết nối các nhà nghiên cứu, nhà báo và cộng đồng trong chuỗi giá trị thực phẩm có nguồn gốc động vật”.
Mục tiêu nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng, đồng thời cung cấp các chiến lược truyền thông thực tiễn, qua đó truyền tải thông điệp rõ ràng, chính xác đến toàn thể cộng đồng.
Các nhà báo, phóng viên, chuyên gia tham dự Hội thảo lần này có cơ hội tìm hiểu các chủ đề liên quan đến khía cạnh an toàn thực phẩm, nguyên tắc truyền thông. Bên cạnh đó là thách thức của truyền thông, cũng như kinh nghiệm thực tiễn của các chuyên gia trong lĩnh vực khá nhạy cảm này.
Phát biểu tại chương trình, ông Lê Trọng Đảm, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: “Trong chuỗi giá trị thực phẩm, vấn đề an toàn thực phẩm nổi lên là một chủ đề nóng, đòi hỏi quá trình phối hợp chặt chẽ liên ngành, sự nhập cuộc quyết liệt, có trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý, đặc biệt là đơn vị báo chí, truyền thông.
Hội thảo hướng đến góc nhìn tổng quan, toàn diện để cùng nhau xây dựng mạng lưới báo chí toàn diện, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn thực phẩm thông qua cách thức truyền tải thông tin. Kỳ vọng mối liên kết chặt chẽ giữa các nhà nghiên cứu và báo chí sẽ tạo nên những thay đổi bản lề trong lĩnh vực đặc biệt quan trọng này”.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, TS.BS Phạm Đức Phúc - Viện trưởng Viện Sức khỏe môi trường & Phát triển bền vững khẳng định, thông thường mọi người thường chú ý tới “cái mất” hơn “cái được”, “tiêu cực” hơn “tích cực”; những thông điệp có từ “không, không có gì cả, không có ai, không đáp ứng...” thường được công chúng chú ý và nhớ lâu hơn.
TS.BS Phạm Đức Phúc cũng đề cập một số vấn đề trong truyền thông nguy cơ, điển hình như: Ý kiến khoa học chưa đồng nhất, các chuyên gia đưa ra các thông điệp khác nhau về một nguy cơ; từ ngữ không đồng nhất và có nhiều cách hiểu khác nhau; chuyển tải thông tin cho cộng đồng theo văn phong khoa học, kỹ thuật, cơ bản không phù hợp với đối tượng cần truyền tải, qua đó gây hiểu lầm không đáng có; không kịp thời làm rõ các lời đồn đại và những câu chuyện thêu dệt không đúng về nguy cơ…
Từ thực tiễn đó, TS.BS Phạm Đức Phúc đưa ra 5 nguyên tắc truyền thông nguy cơ của nội dung an toàn thực phẩm, bao gồm: Minh bạch và trung thực; đồng cảm, hiểu biết về đối tượng mục tiêu; kịp thời và rõ ràng; sử dụng bằng chứng khoa học để củng cố thông điệp; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng.
Nhà báo Trịnh Duy Hưng, đại diện Thông tấn xã Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao tính thiết thực của hội thảo lần này. Từ định hướng của Ban Tổ chức, nhóm đã thảo luận và đưa kịch bản khi “tiếp nhận thông tin lợn nhiễm chất cấm” đang gây hoang mang dư luận.
“Dưới góc độ của người làm báo, muốn kiểm chứng, nắm bắt chính xác đòi hỏi phải tiếp cận hiện trường, đồng thời làm việc với chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn. Khi đã nắm bắt chính xác cần thông tin kịp thời trên tinh thần khách quan, minh bạch, đặc biệt không suy diễn, không nặng cảm tính, ngược lại phải có ý kiến xác nhận của các cơ quan liên quan. Trường hợp không đúng sự thật phải truyền tải đúng bản chất để tránh hoang mang không đáng có”.
Phiên tọa đàm “Phương pháp tiếp cận sáng tạo trong truyền thông về an toàn thực phẩm” diễn ra sôi nổi với nhiều ý kiến, chia sẻ sát sườn.
Ông Nguyễn Thành Dũng, Đội phó Đội Văn phòng Tổng hợp Ban quản lý chợ Vinh khẳng định đơn vị rất chú trọng đến nội dung quản lý, giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm. Từ định hướng chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An và cơ quan chức năng, Ban quản lý đã phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát đến bà con tiểu thương, khuyến khích các hộ kinh doanh mặt hàng sạch, chất lượng, xác định phải đặt lợi ích, sức khỏe của người tiêu dùng lên trên hết.
Chia sẻ về thách thức trong quá trình truyền thông vệ sinh an toàn thực phẩm, Nhà báo Doãn Hòa của Báo Tuổi trẻ khẳng định địa bàn Nghệ An trải rộng, phóng viên phải đảm đương khối lượng chuyên môn bao hàm, gồm cả lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm. Dù vậy, bộ phân phóng viên chuyên về lĩnh vực này không nhiều, số đông lại không nắm bắt chuyên sâu để có thể đưa ra khuyến cáo trọng tâm cho người dân, chưa kể các chuyên gia hàng đầu lại tập trung ở thành phố lớn, điều này đặt ra nhiều khó khăn cho nhà báo, phóng viên trong việc tiếp cận nguồn tin chính xác.