| Hotline: 0983.970.780

Đơn giản hóa thông tin về an toàn thực phẩm để chạm đến người dân

Thứ Sáu 06/12/2024 , 06:44 (GMT+7)

Cung cấp thông tin chọn lọc, gần gũi sẽ góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, tạo sức ép tích cực thúc đẩy sản xuất thực phẩm an toàn.

Việc đổi mới truyền thông về chuỗi thực phẩm sẽ giúp người tiêu dùng đưa ra những quyết định an toàn cho bản thân và gia đình. Ảnh: ILRI.

Việc đổi mới truyền thông về chuỗi thực phẩm sẽ giúp người tiêu dùng đưa ra những quyết định an toàn cho bản thân và gia đình. Ảnh: ILRI.

Ngày 5/12, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) tổ chức Hội thảo tập huấn với chủ đề “Tăng cường truyền thông về an toàn thực phẩm: Kết nối các nhà nghiên cứu, nhà báo và cộng đồng trong chuỗi giá trị thực phẩm có nguồn gốc động vật”. 

Minh bạch thông tin để tránh hoang mang

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra tọa đàm “Phương pháp tiếp cận sáng tạo trong truyền thông về an toàn thực phẩm”. Tại đây, TS Lưu Quỳnh Hương, chuyên gia nghiên cứu về an toàn thực phẩm của Viện Thú y, đã thảo luận về cách chia sẻ dữ liệu khoa học đến người tiêu dùng (NTD) một cách minh bạch và hữu ích.

TS Hương cho biết, trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, các nguy cơ vi sinh vật và hóa học (như tồn dư kháng sinh và hormone) thường được nghiên cứu thông qua các đề tài, dự án hoặc hợp tác khoa học. Kết quả nghiên cứu thường được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.

Tuy nhiên, việc tiếp cận các thông tin mang tính học thuật này không dễ dàng đối với người dân và NTD - những đối tượng trực tiếp quan tâm đến thực phẩm hàng ngày. Do đó, bà Hương nêu ba tiêu chí quan trọng khi truyền thông về khoa học: thông tin chính xác, có chọn lọc, ngôn ngữ dễ hiểu.

Chuyên gia Viện Thú y chia sẻ ví dụ thực tiễn từ hơn 20 năm nghiên cứu về vi khuẩn Salmonella. Theo TS Hương, trải qua nhiều năm, kết quả nghiên cứu về tình trạng ô nhiễm vi khuẩn này vẫn duy trì ở mức cao, dao động từ 30-80% mẫu thịt thu thập trên thị trường bị nhiễm Salmonella.

Chuyên gia lưu ý, mặc dù có hơn 2.600 loài Salmonella nhưng không phải tất cả đều gây ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, cần truyền tải thông tin một cách đầy đủ và chính xác để người dân hiểu rõ, tránh hoang mang không cần thiết.

Liên quan đến câu hỏi từ nhà báo Thùy Khánh (Tạp chí Người chăn nuôi - Thế giới gia cầm) về việc minh bạch hóa thông tin và tiếp cận các nguồn chính thức về ATTP, TS. Hương nhấn mạnh, hiện nay các cổng thông tin điện tử trong nước vẫn chưa dễ dàng tiếp cận đối với người dân.

Cụ thể, thông tin như số liệu về các ca ngộ độc thực phẩm, số trường hợp nhập viện hoặc tử vong, cũng như yếu tố nguy cơ (lứa tuổi dễ mắc bệnh, thời tiết tác động,...) chủ yếu được công bố trên các bài báo. Tuy nhiên, việc công khai thông tin trên các cổng điện tử của địa phương và ngành y tế là điều cần thiết.

Sự kết hợp giữa nhà khoa học và nhà báo sẽ lan tỏa thông điệp về an toàn thực phẩm. Ảnh: ILRI.

Sự kết hợp giữa nhà khoa học và nhà báo sẽ lan tỏa thông điệp về an toàn thực phẩm. Ảnh: ILRI.

Báo chí cần khai thác không gian số

Trao đổi thêm về khoảng cách giữa nghiên cứu khoa học và cách công chúng tiếp cận thông tin, nhà báo Dương Đình Tường - phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh: “Cần thay đổi tư duy của NTD để thay đổi người sản xuất.”

Ông cho rằng, chính sự dễ dãi của NTD đã tạo điều kiện cho sự dễ dãi của nhà sản xuất. Nếu người dân chỉ quan tâm đến giá rẻ, mẫu mã đẹp mà không chú ý đến nguồn gốc hay cách chế biến sản phẩm, thì họ đã vô tình tiếp tay cho thực phẩm bẩn.

Những năm qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam không ngừng mở rộng trên các nền tảng để tan tỏa các thông tin chủ đạo của ngành, trong đó có ATTP.

“Mặc dù phải cạnh tranh với mạng xã hội về khả năng lan tỏa, nhưng lợi thế của báo chí vẫn nằm ở sự chuyên sâu và tính xác thực thông tin”. Thay vì cạnh tranh với mạng xã hội, nhà báo Dương Đình Tường khuyến khích đồng nghiệp tận dụng nền tảng này để “tiếp thị” bài báo đến đông đảo người dân hơn.

Đặc biệt, nhà báo Dương Đình Tường cũng là người điều hành nhóm Việt Nam Ngày nay trên Facebook với hơn 14.000 thành viên và là thành viên tích cực trong khoảng 10 hội nhóm về nông nghiệp an toàn. Trong đó, Liên minh nông nghiệp tử tế thu hút gần 70.000 thành viên.

Ông nhấn mạnh các nhà báo không nên giữ thông tin như một tài sản độc quyền. Việc sẵn sàng chia sẻ thông tin, khai thác nội dung hữu ích và tạo dư luận xã hội sẽ giúp thay đổi tư duy của người dân.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.