Nghề thêu ở xã Thắng Lợi (huyện Thường Tín, Hà Nội) đã xuất hiện từ giữa thế kỷ XV và trải qua nhiều thăng trầm cùng lịch sử.
Ngày nay, làng thêu không còn giữ được vẻ nhộn nhịp như xưa, số lượng nghệ nhân, thợ giỏi không còn nhiều. Nguyên nhân chính là do đầu ra sản phẩm gặp khó khăn, giá thành cao trong khi thị trường tiêu thụ hẹp.
Thu nhập của người thêu thấp trong khi công sức bỏ ra lại lớn. Dù các nghệ nhân ở làng nghề cùng chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp nỗ lực bảo tồn nghề nhưng cũng không tránh khỏi ảnh hưởng lớn từ nền kinh tế thị trường.
Tại cơ sở tranh thêu Phương Thảo của nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào, chị cho biết: “Giai đoạn khó khăn nhất trong quá trình phát triển nghề thêu là vào những năm xảy ra Covid-19, mọi hoạt động của xưởng thêu gần như “đóng băng”.
Nhưng với quyết tâm tìm lối đi cho nghề truyền thống, chúng tôi đã tìm nhiều định hướng mới, từng bước tháo gỡ khó khăn, mở rộng kinh doanh sản xuất.
Hiện, cơ sở vẫn tiếp tục duy trì thế mạnh về tranh thêu tay, không ngừng cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng để giữ uy tín. Đồng thời, chúng tôi cũng tích cực nắm bắt xu hướng của thị trường để tham gia vào việc thêu tay cho các sản phẩm thời trang như áo dài, trang phục truyền thống…”.
Giá trị của các sản phẩm thêu tay ở làng nghề là thể hiện được tính nghệ thuật cao, có sự kết hợp hài hòa sâu sắc giữa bàn tay tài hoa cả người thêu và nét đẹp từ hình ảnh sống động về thiên nhiên, con người. Nhờ đó, sản phẩm thêu truyền thống ở làng nghề đã đến tay nhiều khách hàng trong nước và quốc tế.
Chia sẻ về quá trình làm nghề, nghệ nhân Nguyễn Thúy Đào cho biết: “Ngay từ nhỏ tôi đã được gia đình dạy nghề thêu. Năm 13 tuổi đã thành thạo 9 kỹ thuật thêu tay (nối đầu, lướt vặn, đâm sô, bó bạt, thêu bỏ, thêu bạt, sa hạt, khoắn vảy, thêu chăng chặn). Vì vậy, tôi đã sớm có tình yêu với nghề cũng như có trách nhiệm làm sao cho nghề thêu ngày càng phát triển hơn. Từ năm 1996, tôi đã thành lập xưởng thêu riêng để mở rộng sản xuất”.
Cơ sở đã tham gia Chương trình OCOP và được công nhận 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao là tranh thêu tay thời trang (áo dài, khăn) và tranh thêu tay quà tặng.
Việc tham gia chương trình OCOP giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu, có động lực hơn trong việc phát triển sản phẩm, thúc đẩy việc quảng bá, phát triển sản phẩm của làng nghề truyền thống Thắng Lợi. Ngoài ra, sản phẩm đạt chất lượng OCOP cũng là thước đo để khách hàng tin tưởng mua sắm.
Trong thời gian tới, cơ sở sẽ tiếp tục cải tiến mẫu mã và chất lượng của sản phẩm để tiếp cận du khách nước ngoài, khách hàng tiềm năng trên các trang mạng xã hội, kênh thương mại điện tử. Cùng với đó, sẽ cố gắng tổ chức thêm nhiều lớp dạy nghề chuyên sâu để khơi dậy niềm yêu thích nghề truyền thống của thế hệ trẻ. Chị Đào mong rằng địa phương sẽ có thêm khu trưng bày riêng cho làng nghề thêu tay để thu hút khách du lịch, góp phần quảng bá và giới thiệu sản phẩm truyền thống.
Ông Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, công tác phát triển nghề và làng nghề vẫn chưa tương xứng với tiềm năng; phần lớn doanh nghiệp làng nghề hoạt động ở quy mô nhỏ, gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp căn cơ và đồng bộ để thúc đẩy sự phát triển bền vững của các làng nghề truyền thống. Thường Tín tập trung chỉ đạo các làng nghề tham gia Chương trình OCOP, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
Huyện Thường Tín có hơn 100 sản phẩm được đánh giá OCOP, xếp vào top đầu của TP Hà Nội với nhiều làng nghề, đa dạng nhóm hàng như sơn mài, thêu ren, may cùng các loại thủ công mỹ nghệ khác, chủ yếu đạt OCOP 4 sao.