| Hotline: 0983.970.780

Đã mắt, đã miệng chấm điểm OCOP Hà Nội

Thứ Sáu 30/09/2022 , 19:44 (GMT+7)

Làm báo, tôi đi rất nhiều, đã từng ăn những món ngon nhất cũng như dở nhất nên cứ đinh ninh ít có sản phẩm nào có thể làm cho mình phải bất ngờ nữa

Cho đến khi tôi được dự những buổi đánh giá, phân hạng OCOP của thành phố Hà Nội thì mới thấy khá “ngợp” bởi có quá nhiều sản phẩm từ đất trăm nghề mà lắm thứ là đồ ăn, thức uống đặc sản.

Ông Chu Phú Mỹ-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cho biết, theo kế hoạch năm 2022 thành phố dự kiến đánh giá, phân hạng khoảng 400 sản phẩm, tuy nhiên, theo số liệu đăng ký của các quận, huyện, thị xã đến nay là 488 sản phẩm.

Hôm nay, 30/9, Hội đồng OCOP Thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP lần thứ nhất năm 2022, với 41 sản phẩm của các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Bắc Từ Liêm và Quốc Oai.

Quang cảnh buổi chấm điểm OCOP. Ảnh: Dương Đình Tường.

Quang cảnh buổi chấm điểm OCOP. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông đề nghị các thành viên Hội đồng OCOP Thành phố, Tổ Tư vấn giúp việc Hội đồng OCOP Thành phố bám sát những tiêu chí đã được quy định đánh giá một cách khách quan, minh bạch. Đề nghị các đại diện sở, ngành như: Công thương, Khoa học và Công nghệ, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài Nguyên và Môi trường…tập trung nghiên cứu hồ sơ, xem xét kỹ các tiêu chí liên quan đến sở, ngành mình để tham gia ý kiến, góp ý bổ sung cho chủ thể những nội dung minh chứng còn thiếu, chưa đầy đủ. Tuyệt đối không được nợ tiêu chí. Yêu cầu các chủ thể, đơn vị tư vấn chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, sản phẩm mẫu để Hội đồng OCOP Thành phố thực hiện nhiệm vụ.

Trên cơ sở đó, Ban giám khảo đã chất vấn và tranh luận rất sôi nổi, đôi chỗ còn có cảm giác gay gắt: Đề nghị chủ thể cho biết công nghệ thế nào? Nguồn gốc nguyên liệu ra sao? Có bao nhiêu phần trăm là nguyên liệu tại chỗ?...”. Nhưng mục đích cuối cùng của Ban giám khảo chỉ để làm rõ ràng những gì liên quan đến sản phẩm tiềm năng OCOP, không bỏ sót nhưng cũng không chấm vống lên.

Xem xét kỹ trước khi chấm điểm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Xem xét kỹ trước khi chấm điểm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhắc tới cá thát lát, người ta sẽ nghĩ ngay tới miền quê sông nước Hậu Giang bởi đây là địa danh nổi tiếng với món đặc sản này. Tuy nhiên, ngày nay người ta không cần phải tới tận Hậu Giang để thưởng thức món ăn này mà ngay tại Hà Nội, Công ty TNHH Thực phẩm và Nông sản sạch Sóc Sơn (Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) đã sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm thát lát tươi nạo tay Huệ Dương.

Chị Dương Thị Huệ-Chủ cơ sở kể: “Vốn là một người đam mê ẩm thực, thích nấu ăn và cũng đã từng kinh doanh các loại thực phẩm tươi sống, trong một lần vô tình tôi được một người bạn cho thưởng thức món chả cá thát lát Hậu Giang và đã mê mẩn với hương vị thơm ngon, đậm đà của món ăn này. Ngay sau đó, tôi nảy ra ý tưởng sẽ đưa món ăn này về phục vụ người tiêu dùng Thủ đô. Đây là món ăn có sự kỳ công trong cách chế biến. Theo đó, cá thát lát không dùng dao làm mà phải dùng thìa nạo thịt cá, sau đó đánh nhuyễn với các loại gia vị như hành, tỏi, tiêu…

Ông Nguyễn Văn Chí-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội kiêm Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội đang chất vấn các chủ thể. Ảnh: Dương Đình Tường.  

Ông Nguyễn Văn Chí-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội kiêm Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội đang chất vấn các chủ thể. Ảnh: Dương Đình Tường.  

Nhưng để có được sản phẩm hoàn hảo, tôi phải mất nhiều tháng ròng nghiên cứu công thức, cùng với đó là hàng chục mẻ sản phẩm phải bỏ đi. Mọi chuyện bắt đầu từ 6 năm trước, khi đó rất ít người Hà Nội biết đến chả cá thác lác chỉ trừ những người từng đi du lịch ở Hậu Giang nên tôi phải mang cả con cá thát lác ra trưng bày cho họ xem, giới thiệu với họ cách làm. Giờ thì sản phẩm đã được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao, hiện đã có 5 chuỗi cửa hàng thực phẩm, siêu thị lớn đã phân phối sản phẩm và cơ sở chúng tôi là đơn vị duy nhất ở Hà Nội chuyên sâu về chả cá thát lác”. Tất cả những đầu vào của chị đều rõ nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có hợp đồng đầy đủ, chất lượng tốt…nên Ban giám khảo đã chấm cho sản phẩm chả cá thác lát đạt OCOP 3 sao.

Chị Dương Thị Huệ- Công ty TNHH Thực phẩm và Nông sản sạch Sóc Sơn đang cầm trên tay sản phẩm chả cá thác lác, giới thiệu với Ban giám khảo. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Chị Dương Thị Huệ- Công ty TNHH Thực phẩm và Nông sản sạch Sóc Sơn đang cầm trên tay sản phẩm chả cá thác lác, giới thiệu với Ban giám khảo. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Ở giữa vùng lõi của Hà Nội, thuộc vào quận có kinh tế sôi động nhất nhưng Hoàn Kiếm lại đi tiên phong trong các quận nội thành trong việc tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Năm 2021 quận có 8 sản phẩm đạt OCOP 4 sao còn năm nay quận mang 6 sản phẩm đi thì 3 sản phẩm được chấm 3 sao, 3 sản phẩm được chấm 4 sao. Điểm đặc biệt là chúng đều mang tính truyền thống như các loại bánh trứng nhện, bánh quy vòng, bánh sampa, cá kho đặc biệt, thịt kho dừa, thịt kho Tàu.

Chị Phạm Thị Huyền-chủ của cơ sở cá kho, thịt kho ở số 3 ngõ Cầu Gỗ cho biết, bình thường mỗi ngày cơ sở bán khoảng 1 tạ hàng và rất đông khách.

“Tham gia chấm điểm OCOP là tôi muốn quảng bá những thực phẩm có nguồn gốc minh bạch, sản xuất bằng đúng cái tâm của mình, như cá từ HTX Tiên Dương, thịt lợn từ lò của nhà chị Yến ở Vạn Phúc, các nguyên liệu khác cũng thế. Cách kho cá của tôi giống các cụ ngày xưa, kho trong thời gian 10 tiếng. Khâu quan trọng nhất là phải căn lửa. Nếu lửa to thì bục cá, lửa nhỏ thì cá mềm nên trong 10 tiếng đó lúc nào cũng phải có người căn cho thật chuẩn”. Những sản phẩm của chị Huyền đều được chấm 3 sao.

Sản phẩm cá kho đặc biệt của chị Phạm Thị Huyền. Ảnh: Dương Đình Tường.

Sản phẩm cá kho đặc biệt của chị Phạm Thị Huyền. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bên cạnh việc ăn, tôi được đã mắt với những tác phẩm như phật bà quan âm nghìn mắt, nghìn tay và bình hoa sen gỗ mít của nghệ nhân Đỗ Đình Yên ở làng mộc Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai. Chúng đều được đục thủ công hoàn toàn trên chất liệu gỗ mít. Tượng phật bà có 3 tầng, tượng trưng cho công năng diệu dụng phá tan 3 chướng: nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng. Phần đầu của phật bà là hình ảnh 13 khuôn mặt với những biểu cảm khác nhau như trang nghiêm, dũng mãnh, uy hùng, đượm buồn, mừng vui…Còn bình hoa sen được đục chạm tượng trưng cho sự thuần khiết, thanh cao “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, vừa có giá trị về tinh thần vừa có ý nghĩa về tâm linh. Cả hai sản phẩm đều được chấm 4 sao.

Tượng phật bà nghìn mắt, nghìn tay của nghệ nhân Đỗ Đình Yên. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tượng phật bà nghìn mắt, nghìn tay của nghệ nhân Đỗ Đình Yên. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khi Ban Giám khảo còn đang mải mê chất vấn, tranh luận thì ở bên dưới hội trường mùi xào nấu đã sực lên. Trong tiết trời thu se se lạnh hương vị của cá kho, của chả cá thát lác, chả mực quả thực là hấp dẫn con tì, con vị. Và không phải chờ đợi quá lâu, chúng được bày ra những cái đĩa nho nhỏ để mọi người cùng thưởng thức để xem giữa số điểm tiềm năng và thực tế có gần kề hay nhau không.

* Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

Xem thêm
Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Mắm Lê Gia đạt OCOP 5 sao: Thành công là hành trình, không phải điểm đến

Sản phẩm nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40N của Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.