Tại lễ dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại diện Đảng ủy Bộ NN-PTNT cho biết, trong nhiều năm qua, Đảng ủy Bộ cùng với Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã luôn nỗ lực phấn đấu, vươn lên với tinh thần đổi mới, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước.
Đến nay, nông nghiệp thực sự là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nâng cao vị thế quốc gia, dân tộc. Sau lễ dâng hương, 57 quần chúng ưu tú của Bộ NN-PTNT đã hô vang những lời thề của đảng viên trước tượng Bác.
Phát biểu tại lễ kết nạp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Bí thư Đảng ủy Bộ NN-PTNT cho biết, hòa chung không khí toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024), nhằm tiếp tục giáo dục truyền thống cách mạng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các cơ quan, đơn vị thuộc Đảng bộ Bộ NN-PTNT, hôm nay, Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ tổ chức Lễ kết Đảng đối với 57 quần chúng ưu tú tại Khu di tích Tượng đài Bác Hồ thuộc xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Chia sẻ với địa phương, Bí thư Đảng ủy Bộ NN-PTNT khẳng định, tỉnh Hải Dương có vị trí chiến lược nằm ở trung tâm Đồng bằng sông Hồng, là mảnh đất có bề dày lịch sử và văn hóa, con người Hải Dương mang đậm giá trị văn hóa xứ Đông - đó là lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết, nhân ái, hiếu học, cần cù, sáng tạo, khéo léo và tài hoa.
Với vị trí quan trọng về địa lý, kinh tế, chính trị và văn hoá của tỉnh, nên sinh thời Bác Hồ đã 5 lần về thăm Hải Dương. Trong lần thứ 4 về thăm tỉnh (ngày 26/7/1962), Bác đã về thăm bà con nông dân xã Hiệp Lực (huyện Ninh Giang), đây là xã gương mẫu trong lao động sản xuất và có thành tích chống úng, lụt tốt nhất tỉnh vào thời điểm đó.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, hình ảnh Bác Hồ dù bận trăm công nghìn việc trong điều kiện đất nước còn chiến tranh, nhưng vẫn đến thăm và cùng bà con nông dân guồng nước chống úng đã thể hiện tình cảm đặc biệt của Bác đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Với bà con nông dân, Bác luôn thấu hiểu vất vả, nhọc nhằn của người nông dân sản xuất trong điều kiện phụ thuộc vào thời tiết, cảnh “mười năm chín hạn”, “sống ngâm da, chết ngâm xương” là nỗi ám ảnh của bà con nông dân và là niềm day dứt của Bác.
Vì vậy, tại Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc ngày 14/9/1959, Bác căn dặn ngành thủy lợi: "Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước, thì mới thành Tổ quốc. Có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh.
Nước cũng có thể làm lợi nhưng cũng có thể làm hại, nhiều nước quá thì úng, lụt, ít nước quá thì hạn hán... Nhiệm vụ của chúng ta là làm cho đất với nước điều hòa với nhau, để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội".
Thực hiện lời dạy của Bác, 65 năm qua ngành nông nghiệp nói chung, ngành thủy lợi nói riêng đã không ngừng phấn đấu và có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước, nhiều công trình thủy lợi lớn được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành tiêu biểu như: Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; Bắc Nam Hà; các hồ chứa thủy lợi lớn như Kẻ gỗ, Dầu Tiếng, Cửa Đạt, Tả Trạch; công trình cống Cái Lớn - Cái Bé...
Nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá, trình độ khoa học, công nghệ ngành thủy lợi Việt Nam hôm nay đã nằm trong tốp những quốc gia phát triển hàng đầu thế giới.
Thành tựu đó là cả một hành trình, không chỉ kể từ khi đất nước giành độc lập và ngành thủy lợi được khai sinh mà còn là đúc kết sức lực, trí tuệ của người Việt Nam hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước.
Nhờ trị thủy tốt, nước ta đã trở thành nước có nền nông nghiệp hàng đầu trên thế giới, nhân dân ta có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, đúng như đánh giá của Ngân hàng Thế giới là: "Thành công nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam là đưa một đất nước từ chỗ thiếu ăn đến vị thế quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Và thành công đó có được là nhờ điểm khác biệt của nông nghiệp Việt Nam so với nền nông nghiệp các nước khác, chính là yếu tố thủy lợi".
Chia sẻ với 57 quần chúng ưu tú vinh dự được kết nạp Đảng, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề nghị: "Các đồng chí luôn ghi nhớ, phấn đấu giữ trọn lời thề thiêng liêng đã tuyên thệ hôm nay. Kể từ giây phút này, các đồng chí vinh dự trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Đảng do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện. Tôi đề nghị trên mỗi bước đường công tác, học tập và lao động, từng đồng chí cần thực hiện tốt nhiệm vụ người đảng viên theo lời dạy của Bác".
Thứ nhất, suốt đời kiên quyết phấn đấu cho chủ nghĩa xã hội, cho chủ nghĩa cộng sản. Thứ hai, rèn luyện tư tưởng vô sản, đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết. Biết đem lợi ích riêng, lợi ích của cá nhân phục tùng lợi ích chung của cách mạng.
Thứ ba, tuyệt đối chấp hành nghị quyết và đường lối của Đảng. Thứ 4, liên hệ chặt chẽ với quần chúng. Và thứ 5, luôn luôn cố gắng học tập, thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình đồng chí mình.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng đề nghị các tổ chức đảng và đảng viên trong toàn Đảng bộ Bộ NN-PTNT tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức của Bộ vừa hồng, vừa chuyên, để thực hiện thắng lợi mục tiêu "Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Sau lễ kết nạp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cùng các đại diện Đảng ủy Bộ NN-PTNT và lãnh đạo tỉnh Hải Dương, huyện Ninh Giang đã tổ chức trao 31 xe đạp cho các học sinh nghèo vượt khó của xã Hiệp Lực và trồng cây lưu niệm trong khuôn viên khu tượng đài Bác Hồ.