Đảng bộ Bộ NN-PTNT tổ chức kết nạp 58 đảng viên mới. Cần chính sách đặc thù đối với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Kiểm lâm Thanh Hóa vận động gần 10.000 người đồng bào Mông định cư tập trung. Bình Dương có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn.
ĐẢNG BỘ BỘ NN-PTNT KẾT NẠP 58 ĐẢNG VIÊN
Lê Quang Linh – tin sản xuất
Sáng nay, tại Di tích Quốc gia đặc biệt Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, Đảng uỷ Bộ NN-PTNT đã dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc Việt Nam và báo công với Người về những thành tích mà Đảng bộ, Bộ NN-PTNT đã đạt được trong năm qua.
Sau Lễ dâng hương, Đảng ủy Bộ Nông nghiệp và PTNT trang trọng tổ chức Lễ kết nạp đảng viên cho 58 quần chúng ưu tú nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ, đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp, Bí thư Đảng ủy Bộ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chúc mừng 58 quần chúng ưu tú được vinh dự kết nạp Đảng trong dịp này. Đồng thời đề nghị các đồng chí tiếp tục phát huy những quả đạt được trong việc tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu, học tập, nâng cao nhận thức chính trị, năng lực chuyên môn, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh và thực hiện tốt nhiệm vụ của người đảng viên, đặc biệt là quy định về những điều Đảng viên không được làm.
Cũng trong sáng nay, Đảng uỷ Bộ NN-PTNT đã trao tặng 20 xe đạp cho các em học sinh nghèo vượt khó tại huyện Nam Đàn.
CẦN CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP ĐẦU TƯ VÀO NÔNG NGHIỆP
LÊ HOÀNG VŨ – hình khai thác
Làm việc với Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Bộ trưởng Lê Minh Hoan dẫn đầu vào chiều 12/5, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, An Giang luôn quan tâm và xem nông nghiệp là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế, do đó đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, địa phương chuẩn bị nguồn lực, đất đai, hạ tầng để thu hút dự án đầu tư vào nông nghiệp, từng bước hình thành hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.
Để làm được điều đó, tỉnh An Giang đề nghị Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ ban hành chính sách đặc thù đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NN-PTNT để thúc đẩy việc liên kết, tiêu thụ nông sản, đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời tiếp tục hỗ trợ tỉnh giới thiệu các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư nhà máy chế biến rau củ quả… góp phần phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng bền vững.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, An Giang từng xé rào, tạo ra đột phá từ tư duy kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, được Trung ương nhân rộng. Trong bối cảnh khó khăn chung về kinh tế, An Giang phát huy tốt lợi thế nông nghiệp, đạt tăng trưởng ổn định.
KIỂM LÂM THANH HÓA VẬN ĐỘNG GẦN 10.000 NGƯỜI ĐỒNG BÀO H’MÔNG ĐỊNH CƯ TẬP TRUNG
Quốc Toản – hình tự quay
Sáng 13/5, Chi Cục kiểm lâm Thanh Hóa tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973-21/5/2023).
50 năm qua, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Lực lượng Kiểm lâm đi đầu trong công tác tham mưu và thực hiện nhiệm vụ giao đất lâm nghiệp; tham mưu quy hoạch ổn định hơn 80.000 ha rừng đặc dụng; là đơn vị tiên phong trong việc thực hiện xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng; cùng cấp ủy chính quyền xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng; ngăn chặn kịp thời các điểm nóng về phá rừng, buôn bán lâm sản trái phép.
Đặc biệt Chi Cục kiểm lâm Thanh Hóa đã vận động, thuyết phục đưa gần 10 nghìn người đồng bào dân tộc H’Mông về định cư tập trung tại 13 bản để ổn định sản xuất và đời sống.
BÌNH DƯƠNG CÓ 4 KHU NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO QUY MÔ LỚN
(Lê Bình – hình tự quay, chưa sử dụng)
Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị hiệu quả. Trong đó, một số mô hình nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh phải kể đến như: Unifarm, Anova Agri Bình Dương...
Với diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt gần 6.300 ha, đến nay tỉnh đã có bốn Khu nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn hoạt động rất hiệu quả tại huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo, thị xã Tân Uyên.
Tỉnh đặt mục tiêu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 30%, diện tích trồng nông sản đạt tiêu chuẩn GAP chiếm 20% vào năm 2025.
UBND tỉnh Bình Dương giao Sở NN-PTNT tỉnh xây dựng thương hiệu nông sản, chuỗi liên kết, truy xuất nguồn gốc xuất xứ để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng có lợi thế.