Theo thông tin được UBND tỉnh Lạng Sơn cung cấp trong Họp báp thường kỳ quý II/2023, phát triển kinh tế cửa khẩu tiếp tục được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, từng bước trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung của Lạng Sơn.
Trong đó, tỉnh tiếp tục triển khai lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu vực cửa khẩu chính Chi Ma; báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép dừng lập điều chỉnh cục bộ và chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn.
Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất kinh doanh tại khu vực cửa khẩu; đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng tại các khu chức năng (Khu trung chuyển hàng hóa, Khu chế xuất 1 và một số dự án khác).
Các cơ quan, ban, ngành chức năng thường xuyên tổ chức hội đàm, trao đổi với phía Quảng Tây (Trung Quốc) để thống nhất các chủ trương chung trong tăng cường hợp tác, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của hai bên.
Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc bắt đầu thay đổi chính sách phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động xuất nhập khẩu trở nên thuận lợi, các ngành chức năng tăng cường các giải pháp đảm bảo năng lực thông quan, thúc đẩy tối đa hoạt động xuất nhập khẩu tại 5 cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh 6 tháng ước thực hiện 2.285 triệu USD, đạt 60,1% kế hoạch, tăng 101,1% so với cùng kỳ.
Cũng liên quan đến kinh tế cửa khẩu, tỉnh Lạng Sơn cho biết đã phê duyệt chủ trương đầu tư và hoàn thành lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT.
Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn cũng duy trì hoạt động cửa khẩu số tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh, 100% các xe hàng khai báo trực tuyến và xử lý trên Nền tảng cửa khẩu số trước khi vào cửa khẩu.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất nông lâm nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, mặc dù những tháng đầu năm thời tiết khô hạn, ít mưa đã ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng vụ đông xuân nhưng kết quả sản xuất cơ bản đạt kế hoạch, cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch theo hướng tăng diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Tổng diện tích gieo trồng ước thực hiện 48.232ha, đạt 98,4% kế hoạch, bằng 99,6% cùng kỳ. Nguồn giống, vật tư cơ bản đảm bảo phục vụ sản xuất của nhân dân; công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được quan tâm kiểm soát, các đối tượng dịch hại có mật độ, tỷ lệ gây hại thấp, phân bố trên diện hẹp, không phát sinh thành dịch.
Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, đến nay không có dịch bệnh lớn xảy ra trên đàn vật nuôi. Tổng diện tích trồng rừng mới ước thực hiện 6.500ha, đạt 72% kế hoạch, tăng 8,3% so với cùng kỳ; trồng cây phân tán được 2,5 triệu cây, đạt 70,9%, tăng 25%.