Tình hình xuất khẩu nông sản trong 6 tháng đầu năm 2024 cho thấy sự phát triển tích cực. Theo Báo cáo của Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước đã tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 15,76 tỷ USD, tăng 24,4%; lâm sản chính đạt 7,95 tỷ USD, tăng 21,2%; thủy sản đạt 4,36 tỷ USD, tăng 4,9%; sản phẩm chăn nuôi đạt 240 triệu USD, tăng 3,8%.
Đóng góp vào kết quả đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD gồm cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ. Trong đó, gạo và hạt điều là 2 sản phẩm, tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Gạo đạt 4,68 triệu tấn (tăng 10,4%), giá trị 2,98 tỷ USD (tăng 32%); hạt điều 350 nghìn tấn (tăng 24,9%), giá trị 1,92 tỷ USD (tăng 17,4%).
Giá trị xuất khẩu của cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 902 nghìn tấn, giảm 10,5%), nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 50,4% nên giá trị xuất khẩu đạt 3,22 tỷ USD (tăng 34,6%).
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam; giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8%; Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5%.
Có thể thấy, trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu nông sản có sự tăng trưởng tích cực về giá trị xuất khẩu và thị trường tiêu thụ mở rộng. Các sản phẩm chủ lực như gạo, cà phê, hạt điều và trái cây đã đạt được sự phát triển vượt bậc trong việc tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường quốc tế.
Có được kết quả trên là nhờ sự đổi mới trong chiến lược tiếp thị và quảng bá, giúp nâng cao hình ảnh và giá trị thương hiệu của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Các hoạt động này góp phần tăng cường sự tin cậy và lòng tin từ các đối tác và người tiêu dùng quốc tế. Ngoài việc ban hành Công điện số 13/CĐ-TTg ngày 6/2/2024 về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản, chính phủ cũng đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm xúc tiến thương mại, chủ động xử lý các sự cố cũng như hỗ trợ doanh nghiệp về giải quyết tranh chấp thương mại.
Năm nay cũng có sự đầu tư mạnh mẽ vào nâng cao chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất, từ đó cải thiện tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Việc áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm quốc tế cũng đồng thời mang lại lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam.
Ngoài những điểm nổi bật trên, vẫn còn những thách thức cần được giải quyết như biến đổi khí hậu, cạnh tranh từ các nước sản xuất khác và các yếu tố thị trường biến động. Do đó, để tháo gỡ các rào cản và tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, Việt nam vẫn cần nỗ lực đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới.