| Hotline: 0983.970.780

7 nút thắt phát triển khu công nghiệp từ góc nhìn Kiểm toán Nhà nước

Thứ Tư 18/10/2023 , 13:36 (GMT+7)

Vấn đề quy hoạch, hạ tầng thiếu đồng bộ, liên kết vùng còn yếu và các khó khăn khác là những nút thắt rào cản phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế.

Ông Bùi Quốc Dũng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Phương Thảo.

Ông Bùi Quốc Dũng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Phương Thảo.

Khu công nghiệp chưa tạo được tác động vì thiếu liên kết

Diễn đàn “Phát hiện những nút thắt trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Vai trò của Kiểm toán Nhà nước” do Kiểm toán Nhà nước tổ chức ngày 18/10, đưa ra các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế đất nước, trong đó có câu chuyện tháo gỡ nút thắt của các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Tại phiên hội thảo chuyên đề “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, ông Bùi Quốc Dũng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước thẳng thắn nhìn nhận, quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong các tháng đầu năm chưa được như kỳ vọng.

Điều này đòi hỏi các Bộ/ngành, địa phương phải chung tay tháo gỡ những nút thắt, tìm ra động lực mới để thúc đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi và phát triển kinh tế. Một trong những giải pháp đó là tăng cường thúc đẩy phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

“Từ đó, thu hút các nguồn lực về công nghệ, nguồn vốn, nhân lực từ bên ngoài nhằm tạo ra những động lực tăng trưởng cho các ngành, lĩnh vực, địa phương, đồng thời là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế, chính sách mới kỳ vọng tạo đột phá”, ông Dũng nói.

Trong giai đoạn 2016 - 2022, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai trên 10 cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu về các vấn đề môi trường, trong đó có 6 cuộc kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã làm rõ hơn các bất cập, hạn chế của các cơ chế chính sách, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm khai các nguồn lực cho phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp.

Từ góc nhìn Kiểm toán Nhà nước, ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành II chỉ ra các “nút thắt” trong phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành II: Cần tháo gỡ các nút thắt tạo động lực tăng trưởng mới. Ảnh: Phương Thảo.

Ông Lê Đình Thăng, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước Chuyên ngành II: Cần tháo gỡ các nút thắt tạo động lực tăng trưởng mới. Ảnh: Phương Thảo.

Thứ nhất, vấn đề về quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, còn mang tính cục bộ, chưa được xem xét một cách tổng thể hài hòa lợi ích của quốc gia.

Thứ hai, hạ tầng giao thông và kết nối đồng bộ còn hạn chế, thiếu gắn kết giữa quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp với các quy hoạch: Hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, sử dụng đất và đô thị và hạ tầng giao thông chưa cao.

Thứ ba, vấn đề liên kết vùng trong các khu kinh tế, khu công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, chỉ xuất hiện một số mô hình hợp tác sản xuất đơn lẻ như: Sản xuất linh kiện và lắp ráp ô tô trong Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam); sản xuất điện thoại di động trong một số Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên... Do đó, chưa tạo tác động nhiều đến sản xuất công nghiệp địa phương, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp FDI.

Thứ tư, lao động và an sinh xã hội mới chỉ dừng lại ở giải quyết việc làm, chưa có các ngành nghề tiên phong mang tính đột phá. Thứ năm, vấn đề về môi trường đã được chú trọng và cải thiện hơn, tuy nhiên hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường khu công nghiệp tại một số địa phương chưa đồng bộ.

Thứ sáu, chính sách ưu đãi giữa các địa phương có sự khác nhau. Thứ bảy, tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp chỉ ở mức hơn 57% (năm 2022), tỷ suất thu hút đầu tư trung bình của dự án đầu tư trong khu công nghiệp mới đạt gần 5 triệu USD/ha đất công nghiệp đã cho thuê. Đây là những con số tương đối thấp.

Doanh nghiệp muốn được tạo thuận lợi trong thủ tục hành chính

Chia sẻ tại hội thảo về câu chuyện phát triển khu công nghiệp của doanh nghiệp, ông Lê Thành Hưng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam cho biết, Tập đoàn đang quản lý trên 402 ha đất. Trong đó, Tập đoàn đầu tư 14 khu công nghiệp thu hút gần 700 doanh nghiệp, tạo việc làm cho hơn 25.000 lao động.

Giải thích vì lý do chuyển sang đầu tư vào khu công nghiệp, ông Hưng cho biết, lợi thế của tập đoàn là quản lý đất đai, với hơn 157.000 ha thuận lợi kết nối giao thông. Chủ trương này được các địa phương ủng hộ trong bối cảnh giá cao su gặp khó khăn.

Nêu lên một số điểm nghẽn trong quá trình đầu tư, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam mong muốn được các Bộ/ngành hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục hành chính.

Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu các giải pháp tại hội thảo. Ảnh: Phương Thảo.

Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu các giải pháp tại hội thảo. Ảnh: Phương Thảo.

Trong thời gian tới, ông Lê Thành Hưng cho biết, Tập đoàn sẽ tập trung 6 nhóm giải pháp thu hút đầu tư vào khu công nghiệp. Cụ thể, Tập đoàn ưu tiên các ngành nghề thân thiện với môi trường, hình thành liên kết các khu công nghiệp để tăng lợi thế cạnh tranh, tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng - vật chất, có chính sách ưu đãi về giá thuê đặc biệt với doanh nghiệp FDI và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính.

Đưa ra các định hướng giải pháp giải quyết khó khăn, vướng mắc, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần xây dựng Luật điều chỉnh hoạt động của khu công nghiệp, khu kinh tế và mô hình khác theo hướng xác định rõ trọng tâm phát triển, cơ chế chính sách vượt trội về cơ sở hạ tầng, tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp, xây dựng.

Quá trình xây dựng khu kinh tế, khu công nghiệp sẽ chú trọng đổi mới mô hình theo hướng sinh thái, hiệu quả cao hơn, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai.

Bên cạnh đó, ông Lê Thành Quân nêu giải pháp về thu hút đầu tư có chọn lọc vào khu công nghiệp, khu kinh tế, chủ động tiếp xúc, bám sát các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên. Từ đó, có cơ chế riêng trong xúc tiến các dự án công nghệ hiện đại, có cam kết chuyển giao phát triển chuỗi cung ứng, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong hơn 30 năm qua, Việt Nam có 407 khu công nghiệp, 18 khu kinh tế ven biển, 26 khu kinh tế cửa khẩu tại 61/63 tỉnh, thành phố, thu hút trên 21.000 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký khoảng 340 tỷ USD, đóng góp gần 12% tổng thu ngân sách Nhà nước, không bao gồm dầu thô.

Các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp đã giải quyết việc làm gần 4 triệu người, tương đương hơn 8% lực lượng lao động cả nước. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, so với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, công tác đầu tư phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp ở Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức, chưa đạt được nhiều thành quả tương xứng.

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hộp quà bất ngờ từ Vinamilk mang niềm vui ấm áp đến trẻ em vùng cao

'Hộp quà bất ngờ' của Vinamilk đã xuất hiện tại Trường Mầm non Sinh Long huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày trời trở rét đậm.