Đây là một trong chuỗi chương trình nhằm hiện thực hoá “Thỏa thuận hợp tác kết nối kinh tế cao tốc phía Đông” được ký ngày 28/7/2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và 4 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Theo đó, 4 tỉnh, thành phố thống nhất xây dựng liên kết kinh tế trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, nâng cao tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và hình thành cực tăng trưởng trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Khi liên kết lại, 4 tỉnh, thành sẽ có đầy đủ tiềm năng và điều kiện để tạo thành một khu vực kinh tế phát triển năng động như có cảng biển lớn quốc tế (tại Hải Phòng), có cửa khẩu trên bộ và trên biển với thị trường lớn nhất thế giới Trung Quốc (tại Quảng Ninh), có sân bay quốc tế (ở Hải Phòng, Quảng Ninh), có nguồn nhân lực còn dồi dào (tại Hải Dương và Hưng Yên) cùng không gian phát triển kinh tế còn rộng lớn và nhiều tiềm năng (như tại Hải Dương và Hưng Yên).
Diễn đàn được tổ chức với kỳ vọng sẽ cung cấp bức tranh toàn cảnh về đầu tư, phát triển hạ tầng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) các tỉnh, thành trục cao tốc phía Đông cho các nhà đầu tư, các tổ chức xúc tiến đầu tư và các tổ chức có liên quan.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp 4 tỉnh, thành nằm trên trục cao tốc phía Đông liên doanh, liên kết, kết nối với nhau để khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất của từng đơn vị, nguồn hàng, các dịch vụ hỗ trợ khác.
Qua đó, sẽ giúp mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm chi phí vận tải, chi phí trung gian của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu.
Ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, Hải Phòng được xác định là một cực tăng trưởng của tam giác kinh tế trọng điểm Bắc bộ; có nhiều lợi thế trong liên kết, phát triển kinh tế vùng. Giai đoạn 2021 - 2022 đạt bình quân gần 13%/năm, gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước.
Riêng sáu tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt gần 10%, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được xếp thứ 3 và chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 2 trong cả nước.
Hiện nay trên địa bàn thành phố có khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, với hơn 22.500ha và 14 Khu công nghiệp với trên 6.000ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt trên 60%. Đến nay, đã thu hút đầu tư được 38 tỷ USD, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp đến từ Hà Quốc, Nhật Bản và Vingroup.
Thời gian qua, mặc dù thu hút đầu tư của 4 địa phương tương đối tốt, nhưng vẫn còn một khoảng cách khá lớn so với các trung tâm kinh tế lớn. Chất lượng dịch vụ và tính chuyên nghiệp chưa đồng bộ, chưa tạo thành chuỗi hoạt động logistics liên hoàn.
Do vậy, diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của cả 4 địa phương, sẽ giúp cho 4 địa phương khắc phục những khó khăn cục bộ, liên kết các thế mạnh của mình. Khắc phục tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương và đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông vùng và liên vùng.
Bên cạnh đó, thông qua diễn đàn các địa phương chia sẻ kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước, nhất là trong việc phát triển và kết nối hạ tầng các khu công nghiệp. Đồng thời giải quyết những bất cập về thu hút đầu tư, quản lý tài nguyên môi trường và các vấn đề xã hội giữa các địa phương.
Chỉ tính đến tháng 7/2023, trên địa bàn các tỉnh, thành trên trục cao tốc phía Đông có 87 KKT và KCN trong đó Hải Dương có 24 KCN tổng quy mô diện tích khoảng 4.508ha. Hải Phòng 1 khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 25 KCN với tổng diện tích 12.702ha. Quảng Ninh 5 KKT (gồm 3 KKT cửa khẩu, 2 KKT ven biển) và 16 KCN, với tổng diện tích khoảng 388.671ha. Hưng Yên 17 khu công nghiệp có diện tích là 4.395,43ha.