| Hotline: 0983.970.780

80 'chiến sĩ', 1 mệnh lệnh

Thứ Bảy 28/03/2020 , 10:25 (GMT+7)

Khi dịch bệnh từ nước ngoài có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, thì đội Kiểm dịch Y tế quốc tế tại cửa khẩu là tuyến chốt chặn đầu tiên ngăn dịch bệnh.

Những ngày này, người nhập cảnh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đều phải thực hiện khai báo y tế kỹ lưỡng. Ảnh: H.Tâm.

Những ngày này, người nhập cảnh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đều phải thực hiện khai báo y tế kỹ lưỡng. Ảnh: H.Tâm.

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên thế giới, không ít hành khách “lỡ” mang theo mầm bệnh nhưng được phát hiện kịp thời ngay tại cửa khẩu.

Công đầu tiên phải kể đến là đội Kiểm dịch Y tế quốc tế - 80 con người ngày đêm căng mình “gác cổng” để giám sát và phát hiện kịp thời các trường hợp nghi nhiễm, nhiễm bệnh trước khi kịp lây lan ra cộng đồng.

Họ là những nhân viên của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM, những người có nhiệm vụ kiểm soát hành khách nhập cảnh vào cửa khẩu của TP.HCM.

Bất kỳ hành khách nào xuống máy bay trong thời điểm dịch Covid-19 đều được kiểm dịch Covid-19 và tầm soát các bệnh khác như Ebola, Mers-CoV... để đảm bảo hết các yếu tố an toàn mới đến khu vực công an cửa khẩu làm thủ tục nhập cảnh.

Những ngày này, đến khu vực kiểm dịch phía trong Sân bay Tân Sơn Nhất TP.HCM, ngày cũng như đêm, trong bộ trang phục bảo hộ kín mít, các nhân viên kiểm dịch y tế quốc tế hướng dẫn hành khách thực hiện tờ khai y tế kỹ lưỡng nơi hành khách từng đi qua, đặc biệt những hành khách đến từ những vùng có dịch, đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe, phân loại bệnh...

Lần lượt từng khách hàng được kiểm tra, giám sát một cách kỹ lưỡng để phát hiện những người có nguy cơ cao. 

Cứ như thế, giải quyết xong hành khách của chuyến bay này thì tiếp nối một chuyến bay khác; một quy trình được lặp lại, nhân viên kiểm dịch không lúc nào được ngơi tay.

Bên trong những bộ đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi tuôn từng đợt khiến người mặc cảm giác khó thở, thế nhưng với họ sẽ chẳng có thời gian để mà nghĩ ngợi, để mà lau từng giọt mồ hôi.

Đằng sau chiếc mũ bảo hộ là những đôi mắt tinh anh vẫn giám sát, theo dõi toàn bộ quy trình kiểm tra sức khỏe của khách hàng để phát hiện kịp thời.

“Kể từ ngày 23/1 (tức ngày 28 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020), khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc và bắt đầu ghi nhận người nhiễm bệnh nhập cảnh vào Việt Nam, toàn bộ 80 nhân viên của Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM được huy động.

Một “mệnh lệnh” không nghỉ phép, không rời khỏi thành phố được ban ra”, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế cho biết.

Dù trong thời điểm Tết Nguyên đán nhưng đồng loạt 80 nhân viên kiểm dịch y tế đều không nghỉ, không về quê thăm gia đình, mọi kế hoạch cá nhân đều được "tạm hoãn" để dồn toàn lực chống dịch.

Khai báo y tế điện tử. Ảnh: H.Tâm.

Khai báo y tế điện tử. Ảnh: H.Tâm.

Để đảm bảo không lây nhiễm chéo, sau mỗi ca trực, nhân viên kiểm dịch phải khử khuẩn bằng cách xịt cồn từ đầu đến chân, tắm rửa, thay bộ quần áo khác... để không cho virus có cơ hội bám vào người... rồi mới dám về nhà với gia đình.

Có người có con nhỏ, có người vợ đang mang thai đành phải thuê khách sạn tá túc bên ngoài.

Cũng có người đi thẳng về nhà, đóng cửa tự cách ly không tiếp xúc với những người xung quanh để phòng ngừa lây nhiễm.

Mỗi ngày, nhân viên kiểm dịch y tế quốc tế trực 24/24 giờ tại sân bay, xuyên suốt 3 ca, mỗi ca trực được bố trí 20 nhân sự nhằm đảm bảo tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam đều được giám sát y tế. 

“Bình thường mỗi ngày chúng tôi giám sát từ 3.500 - 4.000 lượt khách quốc tế nhập cảnh, nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, số lượng người nhập cảnh tăng lên 7.000 - 8.000 lượt/ngày, thậm chí lên đến 11.000 lượt.

Còn từ ngày 19/3, đến nay lượng hành khách giảm đáng kể, chủ yếu là du học sinh, người lao động Việt từ các quốc gia trên thế giới về nước”, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm chia sẻ.

Nhân sự ít, dịch bệnh ngày càng phức tạp và nguy hiểm, hành khách cần giám sát ngày càng tăng, công việc cũng phát sinh thêm rất nhiều do ngày càng có nhiều người bắt buộc phải thực hiện tờ khai y tế khiến cho nhân viên kiểm dịch ở đây phải “căng mình” chống chọi suốt 2 tháng qua.

Có những người sau 24 giờ làm việc liên tục vẫn phải nán lại để hỗ trợ đồng đội giải quyết những việc khẩn cấp xảy ra. Có người tình nguyện trực 2 ca mỗi ngày thay cho đồng nghiệp không may bị ốm.

Không một lời than vãn, không ganh đua, không tị nạnh nhau, mà đồng lòng đồng sức cùng tham gia chốt chặt nơi tuyến đầu.

Bởi, họ hiểu rằng, hơn lúc nào hết đây là lúc, đất nước cần những sự hi sinh của họ vì sự an toàn của cộng đồng xã hội.

“Áp lực như vậy nhưng có không ít hành khách nước ngoài không hiểu tầm quan trọng của biện pháp phòng dịch, khi được nhân viên kiểm dịch yêu cầu đeo khẩu trang thì họ tỏ ra khó chịu, hay một số trường hợp không hợp tác thực hiện cách ly, đôi lúc còn chống đối nhưng anh em vẫn kiên nhẫn giải thích và lúc cần thiết thì cứng rắn buộc họ phải chấp nhận bởi đó là quy định của Việt Nam”, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm trải lòng. 

Anh Nguyễn Tạ Minh Quang, nhân viên thuộc Trung tâm Kiểm dịch quốc tế TP.HCM trực chiến tại sân bay Tân Sơn Nhất chia sẻ: “Cứ mỗi ca trực, chúng tôi lại động viên nhau cố gắng rà soát từng tí một, bởi chỉ một sai sót nhỏ xảy ra là hậu quả sẽ rất nặng nề với chính bản thân chúng tôi và cả cộng đồng”. 

Và có lẽ, nỗi lo lớn nhất của họ đó là để lọt người nhiễm hoặc người nghi nhiễm, không kịp thời đưa đi cách ly, khiến dịch bệnh dễ phát tán trong cộng đồng.

Kể về trường hợp để "lọt" người, bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm cho biết điển hình là trường hợp của cô gái ở Bình Dương sau khi khai báo y tế không trung thực, đã nhập cảnh và livestream “khoe” cách trốn bị cách ly khi từ Hàn Quốc về sân bay Tân Sơn Nhất.

Dù sau khi bị dư luận lên án, cô gái đã tự nguyện đi cách ly nhưng một số người lại tỏ ra nghi ngờ hệ thống kiểm dịch ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Phết họng lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Ảnh: H.Tâm

Phết họng lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Ảnh: H.Tâm

Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm tâm sự, sau khi điều tra rõ, cơ quan chức năng cho biết, do cô gái này có 2 quốc tịch Hàn Quốc và Việt Nam, khi đến cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất, cô gái chỉ trình hộ chiếu Việt Nam nên cơ quan chức năng nắm sót thông tin cô gái từng đến Deagu (nơi tâm dịch của Hàn Quốc), vì vậy trường hợp này được đưa đi cách ly tập trung kịp thời.

“Có nhiều trường hợp bị “lọt” vì những lý do khách quan, nhưng không phải ai cũng hiểu điều này và vô tình tạo nên áp lực nặng nề đối với nhân viên kiểm dịch y tế tại sân bay”, bác sĩ Tâm giãi bày.

(Kiến thức gia đình số 13)

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.