Tại thời điểm này, Việt Nam đã điều trị thành công cho 16 trường hợp dương tính với SARS-CoV2 và không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào.
Đó là thành quả, là công sức của cả hệ thống chính trị nói chung và của các “chiến sĩ” trong ngành Y tế Việt Nam nói riêng. Đó là món quà vô giá mà họ nhận được sau những ngày “tạm quên” gia đình, tạm quên niềm vui của riêng mình để căng mình chống dịch.
Tuyến đầu phòng chống dịch
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Quốc tế TP.HCM (Sở Y tế TP.HCM) nhớ lại: Khi nhận được thông tin về dịch Covid-19, tất cả anh em đều phải hủy mọi lịch trình để tập trung toàn lực cho công tác phòng chống dịch. TP.HCM là nơi giao thương với nhiều nước, khách du lịch, người sang làm việc rất nhiều.
Chính vì vậy, lực lượng tại các cửa khẩu luôn phải căng mình làm việc để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh có thể mang dịch bệnh vào thành phố.
“Thủ tướng chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”, vì vậy đội ngũ kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu là tuyến đầu tiên, hàng rào đầu tiên khi dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhập”, BS Tâm chia sẻ.
TP.HCM có 4 chốt Kiểm dịch y tế quốc tế gồm hai chốt đặt tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, một chốt đặt tại Cảng Sài Gòn và một chốt đặt tại ga xe lửa.
“Tất cả đều phải kiểm soát thân nhiệt 100% hành khách nhập cảnh, bao gồm cả các hành khách nước ngoài và người Việt Nam trở về từ các quốc gia khác cũng như vùng có dịch và triển khai tờ khai y tế.
Nếu sức khỏe của hành khách bình thường thì chúng tôi bàn giao hồ sơ y tế về cho cơ quan y tế địa phương theo dõi chặt chẽ.
Nếu hành khách có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, sẽ phải tiến hành các biện pháp cách ly kịp thời không để sót bất cứ người nào, không để lâm vào tình trạng khi họ đã về cộng đồng rồi lại không tìm ra nữa”, BS Tâm chia sẻ.
Không quản khó khăn, không quản nỗi sợ sệt về dịch bệnh, khi được giao nhiệm vụ, những “chiến sĩ ở tuyến đầu trong công việc phòng dịch Covid-19 sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ, dù cho có người từ tết đến giờ vẫn chưa nấu được cho chồng, con một bữa cơm gia đình; dù cho họ chưa thực hiện được tuần trăng mật sau đám cưới, nhưng tất cả những “chiến sĩ” ấy luôn tự hào, hạnh phúc khi được cống hiến.
Quên nỗi sợ, cùng nhau cứu chữa người bệnh
Ngày 29 tết (tức ngày 23/1/2020), với kinh nghiệm chống dịch nhiều năm như SARS, cúm H1N1, H5N1… bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang và điều dưỡng Trần Thị Hải thuộc Khoa Nhiễm bệnh được Ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chọn vào phòng cách ly đặc biệt (phòng cách ly 2 lớp, nội bất xuất, ngoại bất nhập) để điều trị cho 2 cha con bệnh nhân Li Ding (sinh năm 1954) và Li ZiChao (sinh năm 1992) là 2 người Trung Quốc được xác định nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam.
Kể về quá trình điều trị thành công cho ca bệnh đầu tiên, bác sĩ Nguyễn Ngọc Sang vẫn còn cảm giác hồi hộp lo lắng, xen lẫn niềm tự hào, hạnh phúc khích lệ.
BS Sang chia sẻ: khi mới tiếp nhận, bệnh nhân tâm lý rất hoảng loạn, không chịu mặc áo của bệnh viện, tháo hết ga giường… vì họ không nghĩ mình mang bệnh, lại phải cách ly trong một môi trường xa lạ. Chúng tôi đã phải làm công tác tâm lý để trấn an bệnh nhân.
Vì người con Li ZiChao là một kỹ sư Trung Quốc sang công tác tại Việt Nam, lúc ấy anh ta chỉ nghĩ là đưa cha mẹ sang Việt Nam du lịch sau khi kết thúc kỳ công tác.
Ai ngờ, khi người cha sang Việt Nam lại mang bệnh, lây cho người con.
Khi chữa khỏi bệnh, được xuất viện ra khỏi khu vực cách ly, người đầu tiên bệnh nhân Li Ding tìm đó là BS Nguyễn Ngọc Sang và điều dưỡng Trần Thị Hải - những người đã trực tiếp điều trị và chăm sóc ông trong 21 ngày điều trị tại đây. Ông nắm chặt tay họ và cúi đầu cảm ơn tất cả các y bác sĩ Khoa Nhiễm bệnh BV Chợ Rẫy: “Xin cảm ơn Chính phủ Việt Nam, cảm ơn tới toàn thể Bộ y tế Việt Nam và đặc biệt là cảm ơn tất cả các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy. Từng cử chỉ, bước đi của họ đều khiến tôi tỏ lòng biết ơn.
“Chỉ người con giao tiếp được tiếng Anh, nên lúc đầu chúng tôi phải thông qua người con để trao đổi, làm tâm lý cho người cha.
Đến khi họ cảm giác an toàn dù nằm trong khu cách ly thì mới hợp tác với các y bác sĩ trong quá trình điều trị”, BS Sang chia sẻ.
Để bước vào phòng cách ly chăm sóc bệnh nhân, BS Sang và điều dưỡng Hải phải hỗ trợ nhau mặc bộ quần áo bảo hộ cồng kềnh.
Bước vào phòng cách ly, họ luôn phải cẩn trọng, tỉ mỉ từng hành động cử chỉ để vừa chăm sóc tốt nhất cho người bệnh, vừa không để sơ xuất lây nhiễm bệnh cho mình và đồng nghiệp.
“Muốn làm cho người bệnh an tâm, thì tâm lý của người bác sĩ phải thật vững vàng mới làm những người bên cạnh mình như đồng đội, gia đình cảm thấy không hoang mang, lo sợ.
Dù có nhiều kinh nghiệm trong phòng chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm, tuy nhiên Covid-19 là một loại bệnh rất mới trên toàn thế giới, chính vì vậy khi tiếp xúc với bệnh nhân đầu tiên thì cảm giác lo sợ là hoàn toàn có.
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với hoàn cảnh của hai cha con người Trung Quốc, chúng tôi biết rằng, họ đang rất cần sự hỗ trợ của chúng tôi, của đội ngũ y bác sĩ Việt Nam.
Chính vì vậy, các y bác sĩ Khoa Nhiễm bệnh đã cố gắng điều trị cho 2 bệnh nhân Trung Quốc hết sức có thể cả về mặt thể chất và tinh thần để họ an tâm và tuân theo hướng dẫn của y bác sĩ”, BS Sang nhớ lại.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết các nhân viên y tế, bác sĩ đã gác lại những kế hoạch sum vầy gia đình, họ hàng cho ngày tết, túc trực 24/24 giờ theo dõi sát diễn biến lâm sàng của từng bệnh nhân cũng như hỗ trợ bệnh nhân từng bữa ăn, nước uống, từng nhu cầu cá nhân của bệnh nhân trong khu vực cách ly để người bệnh sớm hồi phục trở về với cuộc sống.
“Với bệnh nhân có nhiều bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, từng đặt stent mạch vành, từng phẫu thuật ung thư phổi. Do đó quá trình điều trị bệnh nhân này gặp nhiều khó khăn. Các bác sĩ 4 khoa gồm Khoa Bệnh nhiệt đới, Tim mạch, Nội tiết, Hô hấp, phối hợp để lên phương án điều trị.
Đội ngũ y tế phải tiến hành xét nghiệm bệnh nhân mỗi ngày để theo dõi diễn biến sức khỏe, phán đoán chuyện gì có thể xảy ra, từ đó điều chỉnh lượng thuốc và phác đồ điều trị phù hợp với một người vừa suy giảm miễn dịch vừa nhiều bệnh như bệnh nhân Li Zing. Chỉ một thay đổi nhẹ cũng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và kết quả điều trị", bác sĩ Hùng cho biết.
Điều dưỡng Trần Thị Hải chia sẻ, khi nhận được điện thoại của bệnh viện, chị đã bỏ dở kế hoạch về quê ăn Tết để làm nhiệm vụ.
“Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân Li Ding, lúc đầu gia đình cũng có lo lắng, tuy nhiên đều ủng hộ công việc của tôi. Tôi tự hào về các đồng đội của mình, tự hào về bệnh viện của tôi và tự hào về nghề của mình, chúng tôi đã cùng chiến đấu giành lại sự sống cho bệnh nhân”, chị Hải nói.
Dù dịch bệnh làm nhiều người e ngại chạy đi nhưng những y, bác sĩ, nhân viên y tế được giao nhiệm vụ tiếp nhận, thu dung điều trị, quản lý, theo dõi cách ly các ca bệnh nghi nhiễm, dương tính với Covid-19 lại là những người tận tụy xung phong ra tiền tuyến. Những đóng góp ấy của họ được cả xã hội ghi nhận, trân trọng và biết ơn họ.