Sau đó, người thân của em đã liên tục xin đi xin lại các loại giấy tờ xác nhận của cơ quan công an, bệnh viện… nhằm làm thủ tục chứng tử cho nạn nhân. Thế nhưng 11 ngày sau (7/12 - 18/12), gia đình vẫn bị cán bộ phường Tân Phước Khánh (TX Tân Uyên, Bình Dương) từ chối. Lý do, "giấy tờ làm tầm bậy, tầm bạ", "công an xác nhận nội dung không đúng".
Cứ tưởng “quá tam ba bận”, nhưng ở đây thì đến lần thứ tư, sau khi lo đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu đến cho cán bộ phụ trách, người thân của nạn nhân xấu số vẫn tay trắng đi về.
Hiện trường vụ tai nạn khiến em Y. tử vong (Ảnh: Phạm Diện/Báo Thanh niên) |
Thậm chí đến sáng 19/12, khi phóng viên tìm đến để tìm hiểu vụ việc thì ông Chủ tịch UBND phường này vẫn khẳng định cán bộ của phường làm đúng theo quy định. Phóng viên phải dẫn quy định pháp luật ra thì lãnh đạo phường mới thừa nhận cấp dưới của mình "thiếu sót" và mong được "thông cảm".
Khi thông tin được đăng tải, nhiều ý kiến cho rằng nguyên do gia đình em bị gây khó khăn, người chết 12 ngày không xin được giấy chứng tử để đem đi chôn là bởi thiếu cái thủ tục… “đầu tiên”.
Những ý kiến này, làm nhớ lại một truyện ngắn của nhà văn trào phúng xuất sắc Nguyễn Công Hoan cách đây hơn 80 năm (1938) có tên “Thịt người chết”.
Truyện kể về anh nông dân có tên là Xích vì “vô học, ngu dốt” nên đã không biết chọn cho mình cách chết và giờ chết.
Xích chết một cách đầy “bí ẩn” ở chính cái ao sen nhà mình mùa hoa nở sau một bữa nhậu say lúy túy ở sân đình và vào ngày thứ 7.
Thế là cả một đám quan lại từ hương lý, chánh tổng đến quan phụ mẫu trên phủ huyện bu quanh cái xác ấy như một lũ kền kền.
Đau đớn thay, cái xác chết ấy cứ ngày một trương phềnh lên, tỏa mùi nồng nặc trong sự lăn lộn, van xin của gia đình tang quyến.
Câu chuyện vừa bi hài, vừa cay đắng qua ngòi bút thiên tài của nhà văn Nguyễn Công Hoan đã có đoạn kết, ông Cửu (bố Xích) bằng lòng khấn quan bảy mươi đồng mới được đem xác con đi chôn:
“Và một giờ sau, lũ ruồi, lũ nhặng, lũ cá, lũ quạ, tiếc ngẩn ngơ. Chúng nó biết đâu rằng quan huyện tư pháp đã tranh mất món mồi ngon của chúng”.
Hi vọng rằng câu chuyện của 80 năm trước không tái hiện ở Tân Phước Khánh.