| Hotline: 0983.970.780

Ô nhiễm môi trường hay tranh chấp nguyên liệu?

Thứ Tư 09/05/2012 , 10:18 (GMT+7)

Đến cổng số 1 của nhà máy, chúng tôi không thể nào vào được bên trong bởi nó đã bị chặn bởi một “con đê” bằng bê tông.

Đến cổng số 1 của nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, Thái Bình), chúng tôi không thể nào vào được bên trong bởi nó đã bị chặn bởi một “con đê” bằng bê tông.


"Con đê" bằng bê tông chặn cổng số 1

Gọi mãi mới thấy một nhân viên bảo vệ chạy ra. Nghe yêu cầu của chúng tôi là muốn được vào nhà máy, anh ta lắc đầu:

- Công nhân nghỉ hết rồi, chẳng còn ai sất.

- Thế giám đốc có trong ấy không?

- Sáng đến giờ chưa thấy đến.

Lại cổng số 2, là cổng trước đây vẫn dành cho xe chở nguyên liệu ra vào, nay cũng bị một chiếc lều bạt án ngữ. Lều được làm khá chắc chắn, rộng rãi, chứng tỏ chủ nhân của nó quyết tâm “cố thủ” lâu dài. Trước cửa lều căng một khẩu hiệu bằng vải đỏ, nổi bật hàng chữ trắng “Kiên quyết di dời nhà máy chế biến bột cá Thụy Hải”. Gần đó lại một khẩu hiệu nữa chăng ngang đường “Không thể đánh đổi nhà máy bằng sức khỏe của nhân dân”. Trên nóc lều, hai lá quốc kỳ bay phần phật.

Trong lều, chỗ cao nhất đặt bàn thờ chủ tịch Hồ Chí Minh khói hương nghi ngút, dưới bàn thờ có giường nằm, góc lều có bếp núc, thùng gạo, xoong nồi bát đĩa, ấm chén đầy đủ. Chiếm một vị trí khá quan trọng trong lều là một cỗ quan tài sơn son thếp nhũ vàng lóe mắt, được kê ngay ngắn. Chúng tôi ghé lại, bắt chuyện với một người đàn bà chừng ngoại sáu mươi đang ngồi trên giường. Bà cho biết tên bà là Nguyễn Thị Duyên, người thôn Quang Lang Đoài, xã Thụy Hải, vợ liệt sỹ. Chồng bà trước là lính không quân, hy sinh ở sân bay Gia Lâm trong trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972:

- Bác “thường trực” ở đây à?

- Không. Lúc nữa, sẽ có thêm một số người khác ra nữa. Lúc này họ đang bận.

- Bà con dựng lều ở đây lâu chưa?

- Tính đến hôm nay là gần 10 tháng rồi.

- Có một mình bác, tuổi già lại chân yếu tay mềm thế này, nhỡ bảo vệ nhà máy họ ra dỡ lều, thì bác ngăn làm sao nổi.

- Đừng hòng. Tôi chỉ cần nháy điện thoại một cái, hay gõ mấy tiếng kẻng là có hàng trăm người kéo ra ngay.

- Vì sao bà con lại ngăn không cho nhà máy sản xuất?

- Vì chúng tôi không thể nào chịu nổi nữa. Con giun xéo lắm cũng phải quằn…


Cổng số 2 bị dựng lều bịt kín

Rồi bà kể. Do nhà máy nằm gần khu dân cư của xã Thụy Hải, trước mặt là cảng cá Tân Sơn, nên ngay từ khi nhà máy mới đi vào sản xuất (2004), nhân dân đã khổ sở vì mùi hôi thối bốc ra nồng nặc. Cá mà nhà máy dùng làm nguyên liệu chế biến bột cá là loại cá vụn, cá tạp (người không dùng được, trước nay vẫn dùng làm thức ăn cho lợn nên được gọi là “cá lợn”) đánh bắt từ biển, về đến nhà máy đã ươn thối “thậm chí phải dùng chậu, dùng xô mà múc vì cá đã ươn, đã thối đến biến dạng không còn ra hình thù con cá nữa. Rồi thì nào sấy, nào nghiền. Ống khói nhà máy lúc đầu thấp lè tè, hơi thối theo ống khói ấy nó ngùn ngụt tuôn ra, bay vào mọi ngóc ngách xó xỉnh trong làng”.

Lúc đầu chỉ mới khổ vì mùi, một thời gian sau thêm khổ vì nước thải của nhà máy không hề được xử lý, xả thẳng ra, khiến mọi nguồn nước đều trở thành nước thối, ngày nắng, ruồi nhặng bay lên ù ù, đen đặc như mây. Nước ở khu vực cảng cá trước rất trong, rất sẵn các loài hải sản, nhưng bị nhiễm bẩn do nước thải của nhà máy, lâu dần hóa hôi thối, không con gì sống nổi. Từ ngày dân ngăn giữ không cho nhà máy sản xuất đến nay, nước đã dần dần trong lại, hải sản lại trở về. Bây giờ, bà con đánh bắt quanh quẩn, ngày cũng kiếm được dăm ba cân tôm cá.

- Sao bà con không có đơn đề nghị cơ quan có thẩm quyền buộc nhà máy phải đầu tư, mua sắm phương tiện xử lý nạn ô nhiễm, làm trong sạch môi trường để tiếp tục sản xuất, như vậy có phải hai bên đều có lợi không?

- Đơn từ mãi rồi. Nhưng xã làm ngơ, huyện làm ngơ. Đồn biên phòng, công an cũng ngơ tất. Còn nhà máy, họ có coi dân ra gì đâu. Chẳng bao giờ họ đối thoại với dân, thậm chí có lần họ còn thuê đầu gấu đến đánh dân. Cực chẳng đã chúng tôi mới làm thế này.

- Bây giờ, nếu nhà máy đầu tư xử lý nước thải, xử lý mùi, đảm bảo các chỉ số về môi trường, thì bà con sẽ tháo dỡ lều để họ tiếp tục sản xuất chứ?

- Bác có nhìn thấy cái quan tài kia không? Bây giờ, chỉ có một mất một còn thôi, nhà máy sống thì chúng tôi chết và ngược lại, không có nhân nhượng gì nữa hết. Có xử lý bằng giời thì chúng tôi cũng kiên quyết đấu tranh, kỳ đến khi nào họ phải dời đi mới thôi.


Đã có lúc người dân còn mang cả quan tài đặt trước cổng nhà máy

Không thấy giám đốc nhà máy Nguyễn Bắc Hà trong nhà máy. Qua điện thoại di động, biết ông đang trên đường đi Nam Định, chúng tôi đành ghi âm lại cuộc trao đổi với ông qua điện thoại. Ông Hà cho biết:

- Không phải tất cả bà con nhân dân xã Thụy Hải phản đối nhà máy của chúng tôi, mà chỉ có một số người. Chính xác là có 52 người, chủ yếu là người ở thôn Quang Lang Đoài, trong đó có ba, bốn người đứng đầu. Những người này huyện đã biết rất rõ…

- Những người đổ bê tông, dựng lều trước cổng nhà máy nói rằng nhà máy gây ô nhiễm môi trường quá nặng nề khiến họ không sao chịu nổi. Ông có ý kiến gì về việc này. Sở Tài nguyên và Môi trường đã có lần nào xuống kiểm tra và kết luận chưa?

- Sở vẫn kiểm tra theo định kỳ. Trước khi họ gây sự, kết quả kiểm tra của Sở cho thấy các chỉ số về môi trường của chúng tôi vẫn không vượt ngưỡng cho phép. Nếu chúng tôi sai, chúng tôi sẵn sàng bán cả nhà máy đi để đền cho dân. Môi trường chỉ là cái cớ. Sự thực họ gây chuyện với chúng tôi vì một lý do khác.

- Lý do gì?

- Trước đây, nhà máy của chúng tôi vẫn mua cá nguyên liệu của ngư dân với giá từ 3.500 đồng đến 4.500 đồng/kg, có lúc mua đến 5.000 đồng/kg. Với giá ấy, ngư dân sống được, có tích lũy. Từ ngày nhà máy chúng tôi phải ngừng sản xuất đến nay, ngư dân bị ép giá chỉ còn 1.200 đồng đến 1.500 đồng/kg. Với giá đó, ngư dân khốn khổ còn những người mua thì lãi rất lớn. Và đó mới chính là nguyên nhân thực khiến một số người dân Quang Lang Đoài bị đẩy ra quyết “ăn thua đủ” với nhà máy chúng tôi. Chắc chắn có những người đứng đằng sau họ, cung cấp tiền bạc cho họ. Theo một nguồn tin mà chúng tôi nắm được thì những người dân đó được họ trả mấy trăm ngàn mỗi ngày. (Còn nữa)

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.