| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên: Cây mía cũng bị “ngăn sông cấm chợ”

Thứ Sáu 12/03/2010 , 10:18 (GMT+7)

Người trồng mía ở huyện Đồng Xuân (Phú Yên) không nhận tiền đầu tư của Cty TNHH Công nghiệp KCP VN mà bán cho các NM đường khác giá cao hơn. Thế nhưng vụ này, mía đã chín khô vẫn không bán được vì “ách” lại.

* Cảnh sát giao thông "bảo kê" cho KCP?

Người trồng mía ở huyện Đồng Xuân (Phú Yên) không nhận tiền đầu tư của Cty TNHH Công nghiệp KCP VN mà tự xoay sở vốn SX nhằm bán mía cho các NM đường khác giá cao hơn. Thế nhưng vụ này, mía đã chín khô vẫn không bán được vì bị “ách” lại.

Chỉ quanh quẩn ở xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân- Phú Yên), chúng tôi đã nghe “nhẫy” tai chuyện cây mía bị “ngăn sông cấm chợ”. Anh Mang Đen, một người dân tộc Bana ở làng Soi Nga cho biết: “Nhà mình có 5 ha đất, muốn trồng mía mà không có vốn, bà con bày mình liên hệ với KCP nhận vốn đầu tư. Nhưng cái vốn này đến chậm quá lại phải làm nhiều giấy tờ lắm mà thời vụ thì không thể chậm trễ. Thế nên mấy năm nay mình nhận đầu tư của tư thương với cam kết là sẽ trừ nợ vào mía khi thu hoạch".

Người nông dân chân chất này nói tiếp: "Tiền nhận đầu tư là 5 triệu đồng/ha, vốn đầu tư này không bị trả lãi như vốn đầu tư của KCP mà nhanh đến tay nên mình ưng cái bụng lắm. Bỗng nhiên không biết bị “mắc” cái gì mà người đầu tư vốn cho mình không chịu mua mía, mía đã chín khô mà cứ đứng giữa trời. Cứ nhìn ông mặt trời đỏ lòm thì mía của mình chắc sẽ mất chữ đường, mất sản lượng, nghĩa là mình sẽ bị mất nhiều tiền đấy!”.

Hỏi dò, chúng tôi được biết đã nhiều năm qua, bà Dương Thị Kim Loan quê ở thôn 4, xã An Thành, huyện ĐăkBơ (Gia Lai) chọn xã Xuân Lãnh làm chốn làm ăn bằng cách đầu tư vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số ở đây trồng mía, đến khi thu hoạch thu hồi vốn bằng sản phẩm. Gặp bà Loan đang đứng ủ rũ bên những bao phân vừa được vận chuyển đến làng Soi Nga chuẩn bị đầu tư cho vụ mía mới, bà rầu rĩ nói: “Năm nay nữa là 11 năm tôi làm ăn với bà con dân tộc ở làng này. Vào những năm đầu, mía thu mua được tôi bán cho Cty KCP. Thế nhưng vì giá thu mua ở Cty này luôn thấp hơn giá thị trường, lại bị trừ tạp chất nặng quá nên không có lãi. Nghe ngóng, tôi được biết Cty CP Đường Bình Định thu mua giá cao hơn lại ít trừ tạp chất nên tôi chuyển hướng làm ăn sang Cty này".

Không ngờ sự chuyển hướng của bà Loan lại mang đến cho bà và cả những người trồng mía tai hoạ lớn. “Họa đến với tôi từ khi ấy. Cách đây 3 năm, tôi chở 2 xe mía về Bình Định, vừa đến vùng giáp ranh tại địa bàn xã Xuân Lãnh (Phú Yên) thì bị CSGT chặn lại với lỗi quá khổ, quá tải. Kỳ ở chỗ mấy anh cảnh sát bảo rằng nếu tôi chở mía quay ngược lại bán cho Cty KCP thì sẽ được “tha” phạt, còn không nghe sẽ bị phạt và giam xe. Sợ quá, tôi chở ngược lại bán cho Cty KCP, không ngờ cân mía lấy phiếu xong, Cty KCP không thanh toán tiền xe 2 mía kia với lý do “phạt” cái tội chở mía ra Bình Định bán"- bà Loan trình bày tiếp.

Mặc dù UBND xã Xuân Lãnh đã có văn bản kiến nghị Cty KCP trả tiền cho bà nhưng đến nay 2 xe mía có trọng lượng hơn 48 tấn trị giá 30 triệu đồng của người phụ nữ có gan "nổi loạn" này vẫn chưa thu hồi được. "Hỏi vậy làm sao tôi còn dám làm ăn với Cty KCP nữa. Và từ đó đến nay, đến vụ thu hoạch, xe mía nào của tôi chở ra Bình Định đến địa phận xã Xuân Lãnh cũng đều bị CSGT chặn lại phạt và bắt phải cam kết phải bán mía cho Cty KCP”.

Anh Võ Văn Sỹ (55 tuổi) ở thôn Lãnh Trường, xã Xuân Lãnh, người đang sở hữu 1ha mía cho biết thêm: “Gia đình tôi trồng mía từ ngày giải phóng đến nay. Trước đây tôi đã từng bán mía cho Cty KCP. Thế nhưng giá cả luôn thấp hơn giá thu mua của các tư thương, lại còn “ép” người bán trong việc trừ tạp chất. Nếu như bán cho tư thương chúng tôi chỉ bị trừ tạp chất từ 1-2%, 1 tấn mía chỉ mất 20kg, còn ở Cty KCP trừ tạp chất đến 5-6%, 1 tấn mía mất đến 50-60kg, có nghĩa là 1 xe mía 20 tấn người bán mất đứt 1,4 tấn thì nông dân còn gì để ăn".

 "Bây giờ CSGT cứ chặn xe mía chở ra thì tư thương nào dám mua. Quanh năm có thấy bóng dáng ông CSGT nào ở đây đâu, nhưng cứ đến mùa thu hoạch mía là “nườm nượp” nên dân ở đây gọi cái chốt giao thông này là…chốt mía”- anh Sỹ "tố" khổ.

Ông Trịnh Minh Thái- PCT UBND xã Xuân Lãnh cho biết, cây trồng chủ lực của xã là cây mía với 1.000ha thu hút 80% dân số tham gia, tiếp đến là cây mì với 400ha, chỉ có 215 ha trồng lúa. Do chỉ ăn nước trời nên năng suất cây trồng ở đây rất thấp, mía trên đất tốt nhất cũng chi cho chừng 55 tấn/ha. Muốn cây mía phát triển ổn định nông dân cần phải đầu tư cao hơn các vùng mía khác. Thế nên khi bán mía, ai mà không muốn bán được giá cao để bù vào chi phí. Bây giờ bị “ngăn sông cấm chợ”, tư thương không dám mua, bán cho Cty KCP thì mất thu nhập.

Hiện nay dù tư thương không mua nhưng nhiều hộ nông dân vẫn không chặt mía bán cho Cty KCP chấp nhận ngày càng mất chữ đường, mất năng suất chờ tình hình được cải thiện. Mía đứng khô rang trên đồng dưới cái nắng như thiêu đốt. Tình trạng này đang ẩn chứa thảm họa: “bà hỏa” sẽ tấn công đồng mía. Và điều lo lắng này đã bắt đầu xảy ra. Ông Trịnh Minh Thái cho biết: “Vào đêm ngày 9/3, đám mía hơn 1 ha nằm gần vệ đường của ông Nguyễn Hùng (45 tuổi) ở thôn Lãnh Trường bị lửa thiêu rụi, may mà cứu kịp không bị cháy lan”.

TẬN MẮT CHỨNG KIẾN CẢNH SÁT CHẶN XE MÍA

Trưa ngày 9/3/2010, để xác minh thực hư, PV NNVN quyết định âm thầm đi theo xe mía của bà Loan chở mía về Bình Định. Theo chúng tôi biết thì xe mía này nhất định không phạm lỗi quá khổ quá tải vì chỉ chở chưa tới 10 tấn mía trên chiếc xe có trọng tải 20 tấn. Thế nhưng khi đến vùng giáp ranh Phú Yên- Bình Định thuộc xã Xuân Lãnh (Đồng Xuân), lập tức 2 chiếc xe công tác, 1 của CSGT và 1 của Thanh tra giao thông Phú Yên ập đến chặn xe. Thật ngẫu nhiên, đúng lúc ấy có khoảng 7-8 nông dân địa phương đi làm đồng về thấy vậy đứng lại xem và phản ứng to tiếng, gay gắt.

PV đi lại bắt chuyện với họ để ghi âm những lời phát biểu bức xúc, vô tư của những nông dân chân chất này: “Trời quơi! Chiếc xe chở có bấy nhiêu mía kia mà bắt cái nỗi gì vậy. Sao không vào ngã ba trong kia để bắt những chiếc xe của Cty KCP chất mía “lút bin” mà lại cứ chặn bắt xe mía chở ra ngoài địa bàn. Làm gì cũng phải cho công bằng chứ để dân khỏi nói chứ. Nếu Cty KCP mua mía giá cao và dễ chịu như “người ta” thì ai mà không muốn bán gần cho đỡ tiền vận chuyển. Nếu không bị “chận”, người trồng mía ở đây bán cho các tư thương 1 xe mía sẽ có thêm được 2 triệu đồng. Nông dân ở vùng đất “khỉ ho cò gáy” này mà có thu nhập thêm được 2 triệu đồng/1 xe mía là lớn lắm”.

PV-VM

 

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Chọn nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm’, Dabaco đặt kế hoạch lợi nhuận 729 tỷ đồng

Trong bối cảnh chính trị, kinh tế thế giới và trong nước nhiều biến động khó lường, cùng mục xuyên suốt là 3F, năm 2024 Dabaco sẽ chọn lựa nhân sự ‘dám nghĩ, biết làm'.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm