Những năm qua, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn TP Cần Thơ liên lục tăng và hiện đạt trên 25.600ha, với sản lượng trái cây hằng năm có thể đạt 223.250 tấn. Các loại cây ăn trái được trồng tại đây khá đa dạng về chủng loại, trong đó có nhiều cây ăn trái ngon, đặc sản như sầu riêng, vú sữa, mãng cầu, nhãn, cam, xoài, bưởi, dâu Hạ Châu... giúp mang lại giá trị kinh tế cao. Thời gian qua, nhiều diện tích trồng cây ăn trái ngon, đặc sản đã giúp nông dân đạt được mức lợi nhuận khá cao, từ 200-800 triệu đồng/ha/năm, thậm chí cao hơn.
Để đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, nông dân tại thành phố Cần Thơ không chỉ quan tâm chọn trồng các loại cây ăn trái ngon, đặc sản mà còn tích cực thực hiện các khuyến cáo của ngành nông nghiệp trong thực hiện liên kết, hình thành các vùng trồng cây ăn trái tập trung, chuyên canh. Qua đó, thuận lợi trong xây dựng mã số vùng trồng, quản lý sâu bệnh và áp dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật và quy trình sản xuất để sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đến nay, tại các quận, huyện trên địa bàn Cần Thơ đã hình thành nhiều vùng cây ăn trái tập trung chuyên canh. Cụ thể như vùng trồng sầu riêng, vú sữa và dâu Hạ Châu tại huyện Phong Điền. Các vùng trồng nhãn Ido tại huyện Phong Điền, huyện Thới Lai và các quận Ô Môn, Thốt Nốt. Vùng trồng thanh nhãn, mãng cầu xiêm, xoài tại huyện Cờ Đỏ. Vùng trồng mận tại quận Thốt Nốt...
Các địa phương cũng đã xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nhiều loại cây ăn trái như cam xoàn và nhãn Ido - Thới An, quận Ô Môn, dâu Hạ Châu - Nhơn Ái, huyện Phong Điền. Sầu riêng Tân Thới và vú sữa Trường Khương A thuộc xã Trường Long, Phong Điền...
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Cần Thơ, thành phố đang có 9 loại cây ăn trái có diện tích trồng từ 1.200-4.500ha và đã hình thành được nhiều vùng trồng cây ăn trái tập trung chuyên canh, chất lượng cao, an toàn, theo VietGAP và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt. Hiện cây sầu riêng có diện tích trồng lớn nhất, với hơn 4.520ha. Kế đến là cây xoài, với tổng diện tích khoảng 3.363ha. Diện tích trồng nhãn 2.460ha, mít 1.786ha, mận 1.783ha, chuối 1.514ha, vú sữa 1.449ha, dừa 1.365ha, chanh 1.344ha, mãng cầu 1.291ha, cam 936ha, bưởi 669ha, chôm chôm 374ha, ổi 362ha.
Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Cần Thơ cho biết: Để phát triển các loại cây ăn trái bền vững, ngành chức năng thành phố đã và đang tích cực khuyến cáo nông dân không nên sản xuất theo phong trào. Nông dân cần quan tâm duy trì, phát triển các loại cây ăn trái ngon, đặc sản phù hợp với điều kiện sản xuất, thổ nhưỡng tại địa phương. Chú ý phát triển trồng cây ăn trái theo hướng tập trung, đảm bảo chất lượng, an toàn và tăng cường liên kết giữa các bên để tạo gắn kết giữa các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Qua thực tế cho thấy, nông dân trồng cây ăn trái ở Cần Thơ đã liên kết thành lập được nhiều HTX gắn với việc hình các vùng chuyên canh trồng cây ăn trái tập trung và đã kết nối được với các doanh nghiệp đưa đi xuất khẩu vào nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ.
Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A cho biết: HTX có 45 thành viên, với tổng diện tích trồng cây ăn trái 45,5ha, trong đó 25,5ha trồng vú sữa và 20ha trồng sầu riêng. Những năm qua, nhờ được ngành chức năng hỗ trợ kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu và áp dụng các quy trình, kỹ thuật bao trái và sản xuất đạt theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP mà trái vú sữa của HTX đã được các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu thành công sang Hoa Kỳ và nhiều thị trường khó tính khác. Nông dân bán được vú sữa với giá lên đến 50.000 đồng/kg, cao hơn 20.000 đồng/kg so với bán cho thương lái tiêu thụ nội địa.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Cần Thơ, thời gian qua diện tích cây ăn trái tại Cần Thơ được mở rộng và dự kiến còn tăng thêm trong thời gian tới. Hiện đã hình thành được nhiều vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, quy mô lớn, tới đây ngành nông nghiệp TP tiếp tục quan tâm đẩy mạnh các giải pháp để thúc đẩy sản xuất cây ăn trái bền vững.
Quan tâm rà soát, đầu tư các hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho vùng trồng cây ăn trái, nhất là đầu tư hệ thống thủy lợi để đảm bảo chủ động điều tiết nước phục vụ sản xuất. Đẩy mạnh phát triển, hình thành các vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, chuyên canh, tạo điều kiện để thiết lập các mã vùng trồng, gắn với áp dụng quy trình kỹ thuật để đảm bảo chất lượng, an toàn cho sản phẩm. Hỗ trợ nông dân ứng dụng cơ giới hóa và các tiến bộ kỹ thuật, cũng như gắn kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra ổn định.