| Hotline: 0983.970.780

Agribank tiếp sức giúp nông dân Long An chuyển đổi cây trồng hiệu quả

Thứ Sáu 09/08/2024 , 12:07 (GMT+7)

Long An Nguồn vốn tín dụng từ Agribank đã giúp nhiều nông dân Long An chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Gia đình ông Trần Văn Chính ở ấp Trương Công Ý, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An từng gặp nhiều khó khăn khi trồng lúa do ảnh hưởng thời tiết, dịch bệnh, năng suất giảm.

Từ năm 2016, ông Chính chuyển đổi 3ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng thanh long, sầu riêng và mít để lấy ngắn nuôi dài. Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, giá thanh long sụt giảm mạnh. Chỉ riêng năm 2020, ông thua lỗ tới 700 triệu đồng, vì nông sản không tiêu thụ được.

Cán bộ tín dụng Agribank Long An đến thăm mô hình chuyển đổi cây trồng của ông Trần Văn Chính, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh. Ảnh: Minh Khương.

Cán bộ tín dụng Agribank Long An đến thăm mô hình chuyển đổi cây trồng của ông Trần Văn Chính, xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh. Ảnh: Minh Khương.

Cũng chính thời điểm này, 42 cây sầu riêng Ri6 được trồng trước đó 6 năm, bắt đầu ra hoa, cho trái bói, với chất lượng vượt trội, mở ra cơ hội mới cho ông Chính.

Từ đây, ông Chính tiếp tục đánh luống cao, mở rộng diện tích trồng sầu riêng, đến nay đạt khoảng 12ha, trong đó có 7ha sầu riêng, hơn 3ha mít và 1,2ha bưởi 1,2ha.

Theo ông Chính, trồng sầu riêng cần thời gian dài, tốn kém chi phí, dễ gặp tình trạng hư rễ, chết cây nếu chăm sóc không đúng kỹ thuật. Vì vậy, ông phải học hỏi thêm kinh nghiệm và tiến bộ kỹ thuật phòng bệnh trên cây sầu riêng gắn với sản xuất sạch.

Vườn sầu riêng hiện đã được cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo quy trình an toàn và có đầu ra ổn định.

Riêng vụ sầu riêng gần nhất, ông tiêu thụ 12 tấn, với giá 170.000 đồng/kg, thu lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng.

Ông Trần Thanh Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Thạnh cho biết, 80% người dân trên địa bàn huyện sản xuất nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa. Thời gian qua, thông qua nguồn vốn tín dụng Agribank đã giúp hội viên nông dân dễ dàng chuyển đổi cây trồng, mở rộng, phát triển các mô hình mới có hiệu quả.

Toàn huyện có 3.000ha đã chuyển đổi sang trồng cây ăn trái chất lượng cao. Ông Hiền mong muốn, Agribank tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng đến nông dân, hỗ trợ bà con đầu tư, tổ chức các khu đê bao lửng để trữ nước phòng chống hạn mặn, phục vụ sản xuất.

Ông Trần Văn Chính (bìa phải) giới thiệu về các loại sầu riêng giống được chuẩn bị để mở rộng diện tích canh tác. Ảnh: Minh Khương.

Ông Trần Văn Chính (bìa phải) giới thiệu về các loại sầu riêng giống được chuẩn bị để mở rộng diện tích canh tác. Ảnh: Minh Khương.

Với vai trò chủ lực trong cung cấp vốn cho nông nghiệp, Agribank cam kết hỗ trợ nông dân xóa đói giảm nghèo bền vững.

Tại Long An, Agribank ưu tiên lãi suất thấp và triển khai nhiều hình thức cho vay vốn linh hoạt, giúp nông dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Nguồn vốn tín dụng từ Agribank đã giúp nhiều nông dân Tân Thạnh chuyển đổi từ trồng lúa sang cây ăn trái, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Trần Văn Chính cho biết thêm, nhờ tiếp cận vốn Agribank với lãi suất ưu đãi, gia đình ông có điều kiện đầu tư chuyển đổi cây trồng thành công.

Năm 2023, vườn sầu riêng trúng giá, giúp gia đình đủ khả năng trả tiền vay vốn. Hiện nay, với thủ tục vay nhanh gọn, thuận tiện, ông Chính yên tâm tiếp cận tín dụng Agribank để mở rộng diện tích vườn cây ăn trái.

Phó Giám đốc phụ trách Agribank Long An - Nguyễn Trí Dũng chia sẻ, mặc dù là ngân hàng thương mại, phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường.

Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agribank ưu tiên cho vay với lãi suất thấp, từ 4 - 4,5%/năm. Số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay vốn từ đầu năm đến nay đạt trên 197 tỷ đồng.

Các chi nhánh trực thuộc luôn phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh triển khai hoạt động vay vốn bằng nhiều hình thức, nhất là thông qua các tổ vay vốn tại địa phương.

Với những nỗ lực và hiệu quả đạt được, Agribank Long An tin tưởng, sẽ có nhiều nông hộ trên địa bàn tỉnh tiếp cận nguồn vốn.

Qua đó, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng chất lượng, đưa nông sản địa phương ngày càng tiến xa hơn trên thị trường trong nước và quốc tế. Với sự đồng hành của Agribank, ngày càng nhiều nông dân ở Long An có thể tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, vượt qua khó khăn và vươn lên làm giàu.

Đây là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa ngân hàng và người dân, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững và nâng cao đời sống người dân tại ĐBSCL.

Xem thêm
Ấn Độ sẽ đẩy mạnh nhập khẩu cao su, cơ hội cho Việt Nam

Hiện ngành công nghiệp ô tô, sản xuất thiết bị y tế của Ấn Độ đang ghi nhận tăng trưởng tích cực, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng cao su thiên nhiên tăng.

Năm tuyển sinh đặc biệt của Trường Đại học Lâm nghiệp

HÀ NỘI Trường Đại học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tổ chức lễ nhập học cho tân sinh viên khóa K69 trong không khí rộn ràng của chuỗi sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường.

Giới đầu tư săn tìm biệt thự ven biển Hạ Long khi nguồn cung nhỏ giọt

QUẢNG NINH Quỹ đất trực vịnh Hạ Long ngày càng khan hiếm khiến nguồn cung biệt thự ven biển ít ỏi, nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội từ dòng sản phẩm này.