| Hotline: 0983.970.780

Agribank tiếp sức cho nông dân làm nông nghiệp hữu cơ

Thứ Ba 05/11/2024 , 19:46 (GMT+7)

Từ nguồn vốn vay của Agribank Chi nhánh huyện Triệu Phong, gia đình anh Bùi Quang Huyên tại xã Triệu Thượng đã xây dựng thành công mô hình nông nghiệp hữu cơ.

Tiếp sức cho những ý tưởng mới

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn tìm hiểu một số mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu có sử dụng nguồn vốn vay từ Agribank, ông Trần Thiện Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị tỏ ra rất niềm nở. Theo ông Nhân, nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi từ Agribank đã giúp nhiều hộ dân Triệu Phong đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.  

Làm nông nghiệp hữu cơ ở vùng đất nắng gió Quảng Trị là một ý tưởng táo bạo. Ảnh: Võ Dũng.

Làm nông nghiệp hữu cơ ở vùng đất nắng gió Quảng Trị là một ý tưởng táo bạo. Ảnh: Võ Dũng.

Nhưng có lẽ, tiêu biểu nhất là mô hình trang trại tổng hợp của gia đình anh Bùi Quang Huyên tại thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng. Lãnh đạo xã Triệu Thượng khẳng định, mô hình của anh Huyên là niềm tự hào, đáng để nhiều người ở vùng đất nghèo khó này học tập, làm theo.

Trang trại của anh Huyên nằm cách Trung tâm Thị trấn Ái Tử khoảng 8km, cách trục đường chính của xã Triệu Thượng chừng 500m. Dù nuôi hàng chục con trâu bò, hàng trăm con lợn nhưng khi bước vào trang trại, không ai cảm nhận được mùi phân động vật. Vườn cam nằm trên triền đồi, phía dưới là khu chăn nuôi trâu bò và lợn, dưới cùng là ao cá.

Mùa này, cam đã chín vàng, báo hiệu một vụ cam thắng lớn.

Bài liên quan

Trước đây, gia đình anh Huyên có 4 ha rừng trồng keo. Tuy nhiên, sau khi đi tham quan nhiều mô hình kinh tế, anh Huyên nhận thấy, trồng keo tuy nhàn thân nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không lớn như cây ăn quả và chăn nuôi.

Năm 2018, anh Huyên bắt tay vào cải tạo 4 ha đất rừng. Địa hình đồi dốc được anh san gạt thành những đường đồng mức để giảm thiểu rửa trôi, xói mòn đất. Dưới chân đồi, một hệ thống chuồng trại chăn nuôi trâu, bò, lợn và cá cũng dần được hình thành.

Những ngày đầu khởi nghiệp thực sự khó khăn. Bởi ở vùng đất này, sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn theo phương thức truyền thống. Nông dân quen với việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Khi anh Huyên bàn đến chuyện chỉ sử dụng phân bón hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học, nhiều người tỏ ra hoài nghi. Còn anh Huyên, dù đã tham quan nhiều mô hình nhưng vẫn không khỏi lo lắng.

Nhưng anh Bùi Quang Huyên đã thành công nhờ sự tiếp sức từ Agribank Chi nhánh huyện Triệu Phong. Ảnh: Võ Dũng.

Nhưng anh Bùi Quang Huyên đã thành công nhờ sự tiếp sức từ Agribank Chi nhánh huyện Triệu Phong. Ảnh: Võ Dũng.

Được sự động viên, tư vấn, hỗ trợ về thủ tục, giống, kỹ thuật của Phòng NN&PTNT huyện Triệu Phong, Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng với sự tiếp sức về vốn của Agribank Chi nhánh huyện Triệu Phong, trang trại của anh Huyên đến nay đã trở thành một hình mẫu phát triển kinh tế tại địa phương.

Kiên định lối đi riêng

Dẫn chúng tôi tham quan trang trại, chị Trương Thị Hằng, vợ anh Huyên chia sẻ, quá trình xây dựng mô hình thực sự không đơn giản, phương án kỹ thuật và kinh phí cứ thay đổi liên tục. Ban đầu, có người trong gia đình nêu ý tưởng trồng cây ăn quả theo phương thức truyền thống. Tuy nhiên, anh Bùi Quang Huyên vẫn kiên định một lối đi riêng.

“Chồng tôi nói, nông nghiệp hữu cơ không chỉ là lợi nhuận mà còn là lợi ích. Ngoài việc mang về lợi nhuận cho gia đình còn phải mang đến lợi ích về môi trường và quan trọng nhất là sức khỏe cho người tiêu dùng và bản thân người sản xuất”, chị Hằng nhớ lại.

Cây cam hữu cơ thời gian đầu không phát triển nhanh như trồng theo phương thức truyền thống. Vợ chồng anh Huyên đã cải tạo, bổ sung đất mùn tơi xốp, ủ phân chuồng hoai mục; dùng phương pháp thủy phân, ngâm ủ cá làm phân bón để bón cho cây. Cây cam cho ra quả ngày một nhiều, mọng nước và hạn chế rụng quả.

Tháng 7/2023 trang trại anh Huyên được cấp chứng nhận cam hữu cơ. Ảnh: Hoàng Long.

Tháng 7/2023 trang trại anh Huyên được cấp chứng nhận cam hữu cơ. Ảnh: Hoàng Long.

Để có nguồn phân bón hữu cơ, anh Huyên xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi lợn; nuôi trâu bò vỗ béo... Từ chăn nuôi lợn, bình quân, mỗi năm anh Huyên thu lãi 500-600 triệu đồng.  3 ha cam xã Đoài và cam V2 hữu cơ cứ thế lớn lên cùng năm tháng trên vùng đất gò đồi đầy nắng gió Triệu Thượng.

Tháng 7/2023 trang trại anh Huyên được cấp chứng nhận cam hữu cơ. Hiện tại vườn cam hữu cơ với trên 1,3 nghìn gốc cho thu hoạch mỗi vụ 15-20 tấn quả, trừ chi phí gia đình anh Huyên lãi ròng trên 100 triệu đồng.

Theo chị Hằng, việc xây dựng thành công trang trại cam hữu cơ, ngoài sự nỗ lực của gia đình, sự hỗ trợ của các ban ngành địa phương thì nguồn vốn của Agribank thực sự là “bệ đỡ” quan trọng.

“Nhờ có vốn, gia đình đã mạnh dạn theo đuổi sản xuất nông nghiệp hữu cơ, vừa nâng cao thu nhập cho gia đình, cung ứng cho thị trường sản phẩm an toàn, vừa tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động”, chị Hằng chia sẻ.

Bà Văn Thị Tuyết Mai, Giám đốc Agribank Chi nhánh Huyện Triệu Phong cho biết, Agribank luôn xác định nhiệm vụ hàng đầu là đồng hành cùng tam nông. Agribank khuyến khích và có chính sách ưu tiên, ưu đãi về hạn mức, lãi suất cho các mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng tiến bộ KHKT, hướng tới một nền nông nghiệp sạch, an toàn và hiệu quả; nhất là các mô hình phát triển sản xuất kinh doanh dịch vụ gắn với chương trình OPCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Chăn nuôi bò vỗ béo, lợn thương phẩm tạo ra nguồn phân để ủ thành phân hữu cơ. Ảnh: Võ Dũng.

Chăn nuôi bò vỗ béo, lợn thương phẩm tạo ra nguồn phân để ủ thành phân hữu cơ. Ảnh: Võ Dũng.

Thực tế mô mô hình trang trại của anh Bùi Quang Huyên đã chứng minh điều đó. Ban đầu, Agribank cho anh Huyên vay với hạn mức 300 triệu đồng. Tuy nhiên, quá trình triển khai khách hàng có nhu cầu vay vốn lớn hơn. Agribank Triệu Phong nhận thấy tính hiệu quả và bền vững trong đầu tư mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ nên đã đồng ý nâng hạn mức vay vốn cho gia đình anh Huyên lên đến 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cán bộ Agribank Triệu Phong cũng đã hướng dẫn dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua ứng dụng Agribank Plus giúp chủ trang trại trại thuận tiện trong giao dịch với khách hàng.

“Trang trại tổng hợp của anh Huyên được đầu tư bài bản, là trang trại đầu tiên tại huyện Triệu Phong được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ, được nhiều người tìm đến học hỏi. Mô hình này đã giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng”, ông Nguyễn Quang Thịnh, Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng.

Xem thêm
Đại tướng Nguyễn Quyết qua đời ở tuổi 102

Đại tướng Nguyễn Quyết từ trần vào hồi 21 giờ 09 phút ngày 23/12 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau một thời gian lâm bệnh.

Nông nghiệp dẫn lối, tương lai rộng mở trên vùng đất Si Ma Cai

LÀO CAI Si Ma Cai đổi thay từng ngày từ nông nghiệp, nơi những mùa quả ngọt không chỉ mang lại thu nhập mà còn thắp sáng hy vọng về một tương lai no đủ, bền vững.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.