Mấy hôm nay, dư luận hết sức bức xúc trước thông tin nhiều lãnh đạo Sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị nhắn tin đe dọa, nào là hãy làm vừa phải thôi, nào là hãy biết điều một chút để “anh em” còn làm ăn. Nếu không thì sẽ thế này, sẽ thế nọ...
Vụ việc nghiêm trọng đến mức UBND tỉnh Bắc Ninh phải có văn bản báo cáo Thủ tướng, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc.
Vụ việc bắt nguồn từ việc tỉnh Bắc Ninh kiên quyết dừng dự án nạo vét khơi thông luồng đường thủy nội địa (ĐTNĐ) kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu, đoạn chảy qua tỉnh Bắc Ninh, do Cục ĐTNĐ thuộc Bộ GTVT chủ trì. Về dự án này, UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định sông Cầu vẫn rất sâu, chẳng việc gì phải nạo vét cả.
Nếu tàu thuyền nào mắc cạn, thì Bắc Ninh sẵn sàng bỏ ngân sách của mình ra để kéo. Nhưng Cục ĐTNĐ thì vẫn một hai khẳng định có nhiều điểm cạn, và vẫn quyết tiến hành. Có lúc, hàng chục tàu hút dàn hàng trên sông, hút ngày hút đêm, gây sạt lở nghiêm trọng một số điểm ven sông. Tỉnh Bắc Ninh phải bỏ ra hàng chục tỷ để gia cố.
Thực hiện một dự án khơi thông luồng ĐTNĐ là một dự án rất bình thường. Có gì mà phải phát điên phát cuồng, bất chấp sự phản đối của địa phương vì gây sạt lở, quyết làm cho bằng được? Câu trả lời nằm ở mấy chữ: Kết hợp “tận thu sản phẩm” này đây.
Sản phẩm được “tận thu” ở đây là cát, một miếng mồi vô cùng béo bở.
Cát là một thứ tài nguyên quý, việc khai thác rất dễ. Mỗi chiếc tàu hút cát một ngày có thể hút một lượng cát trị giá hàng tỷ đồng, mà không phải nộp bất cứ một thứ thuế má nào. Việc khai thác cát trên các lòng sông lâu nay vẫn bị quản lý hết sức ngặt nghèo, đa số đều khai thác trộm.
Vì vậy, việc khơi thông kết hợp tận thu cát này chính là một cơ hội vàng để người ta “hợp pháp hóa” việc khai thác cát, nhét đầy túi tham. Và người ta đã “tận thu” đến tận cùng từng hạt cát một cách ồ ạt, đúng như lời Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã nói, là “nạo vét, thông luồng gì mà chỉ lấy cát, còn bùn và rác thì bỏ lại”.
Việc UBND tỉnh Bắc Ninh kiên quyết dừng dự án này, khác nào hất đổ bát cơm, giật mất túi tiền của một số người.
Lâu nay, chuyện những công chức trong khi thực thi công vụ, bị đe dọa, là chuyện đã xảy ra rất nhiều. Nhưng, đó chỉ là những công chức cấp thấp. Nay đến chuyện chủ tịch UBND một tỉnh cũng bị đe dọa, thì sự việc không còn nhỏ nữa. Những kẻ dám đe dọa chủ tịch tỉnh, chắc chắn phải là những kẻ “có máu mặt”, và chắc chắn phải có kẻ “chống lưng”. Nếu không, có cho ăn gan hùm, chúng cũng chẳng dám.
Những kẻ dám đe dọa chủ tịch tỉnh và lãnh đạo các Sở, ngành của tỉnh Bắc Ninh là ai? Và những kẻ “chống lưng” cho chúng là ai? Chắc chắn rồi đây sẽ lộ mặt. Vì Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo ngành Công an vào cuộc rồi.