| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 06/02/2018 , 06:25 (GMT+7)

06:25 - 06/02/2018

Ai ngại cảnh tàu xe dịp tết!

Dù đã tăng cường hàng chục chuyến bay, hàng trăm chuyến tàu và hàng ngàn chuyến xe, thì cảnh chen lấn và bát nháo vẫn diễn ra...

Mỗi năm, cứ đến những ngày giáp Tết là cả xã hội không khỏi bận tâm chuyện di chuyển. Với đặc thù dòng người tha hương cầu thực mỗi năm vẫn không ngừng tăng lên, hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM phải gồng mình gánh chịu áp lực rất lớn về sự di cư tự nhiên theo nhu cầu việc làm.

Hành khách ngồi chờ tới lượt mua vé tàu xe về quê ăn Tết. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày Tết cổ truyền, những người xa xứ lại đi ngược con đường mưu sinh để trở lại nơi chôn nhau cắt rốn. Đó là một mong muốn không thể nào ngăn cản, được thôi thúc từ chính trái tim mỗi cá nhân. Vì vậy, dù đã tăng cường hàng chục chuyến bay, hàng trăm chuyến tàu và hàng ngàn chuyến xe, thì cảnh chen lấn và bát nháo vẫn diễn ra. Ai cũng sốt ruột tìm kiếm một chiếc vé để được quây quần bên mâm cơm tất niên.

Đường không đã có dịch vụ “giá rẻ”, đường sắt đã có những toa tàu hạng “5 sao”, còn đường bộ cũng đã có xe giường nằm chất lượng cao, nhưng vẫn chưa giúp người dân giảm bớt cảm giác mệt mỏi và căng thẳng. Bởi lẽ, ngành giao thông chưa thể dự báo chính xác và giám sát hữu hiệu các hoạt động của những cơ sở kinh doanh vận tải hành khách trong dịp Tết.

Ở các sân bay, nhà ga hoặc bến xe, vẫn còn tình trạng đứng ngồi la liệt để chờ đợi cơ hội khởi hành về quê ăn Tết. Đáng lo lắng hơn, bên cạnh giá vé được đẩy lên cao gấp đôi, gấp ba bình thường, còn xuất hiện vé giả với nhiều thủ đoạn biến tướng khó lường nhằm móc túi hành khách. Thậm chí, hiện tượng nhồi nhét hàng trăm người trên một chiếc xe 50 chỗ vẫn tái diễn nhiều nơi, khiến dư luận nhức nhối!

Để khắc phục ám ảnh tàu xe dịp Tết, nhiều công ty đã chủ động tổ chức tàu xe đưa rước công nhân về quê. Tại Đồng Nai và Bình Dương, nơi tập trung đông đảo công nhân phục vụ cho các khu công nghiệp, sau ngày 20 tháng chạp luôn có kế hoạch cụ thể cho từng chuyến xe phục vụ người lao động ở miền Bắc hoặc miền Trung. Đặc biệt, tinh thần lá lành đùm lá rách lại được tỏa sáng, khi những nhà hảo tâm tài trợ vé tàu, vé xe cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc những bệnh nhân nghèo.

Ai cũng biết, dịp Tết luôn mang lại lợi nhuận lớn cho các nhà xe. Thế nhưng, tiền bạc không thể nào nhấn chìm sự tương thân tương ái của người Việt. Ví dụ, TP.HCM luôn nóng bỏng tàu xe dịp Tết, vậy mà những chuyến xe miễn phí vẫn được thiết kế để chia sẻ với những bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu. Người thờ ơ nhất cũng phải xúc động, khi những bệnh nhân đang chống chọi với sự nghiệt ngã của số phận, được các tổ chức từ thiện chung tay vun vén cho chuyến về quê ăn Tết. Xe lên đại ngàn Tây Nguyên, xe về miệt vườn Cửu Long… được sắp xếp ngay cổng bệnh viện. Bệnh nhân trước khi lên xe còn được tặng quà mừng tuổi và chúc phúc!

Ngày Tết với người Việt rất thiêng liêng. Quê nhà dẫu khốn khó và nhọc nhằn, vẫn là chốn mỗi người muốn quay về trước giao thừa!

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm