Một đoàn công tác bao gồm những lãnh đạo chủ chốt của TP. HCM vừa có chuyến đi kiểm tra thực tế tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại huyện Bình Chánh.
Chỉ riêng tại xã Vĩnh Lộc A, vô số trường hợp nhà ở được thi công tràn lan trên 800ha đất nông nghiệp, đã khiến nhiều người ngao ngán.
Huyện Bình Chánh nằm giáp với tỉnh Long An, là một địa bàn có đông đúc cơ sở sản xuất thu hút hàng vạn lao động. So với các quận khác, thì giá đất ở huyện Bình Chánh vẫn còn tương đối thấp, nên thị trường mua bán và đầu cơ diễn ra rất sôi động.
Câu chuyện xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp ở huyện Bình Chánh đã nhức nhối từ lâu, nhưng vẫn chưa có giải pháp chấn chỉnh hữu hiệu.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cảm thán: “Tình trạng này huyện biết cả nhưng vấn đề có quyết tâm xử lý hay không. Chúng ta có thực sự huy động lực lượng để chấm dứt tình trạng này không? Nhận thức của huyện, xã có muốn chấm dứt không, hay là làm rồi để đó, sống chung với nó?”.
Còn Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM - Trần Lưu Quang thì đặt câu hỏi: “Huyện có dám cam kết sau ngày 1/6/2020 sẽ không có trường hợp xây dựng trái phép mới không?” và dĩ nhiên không có lời đáp.
Áp lực dân số nhập cư tăng lên, kéo theo nhu cầu nhà ở cũng tăng lên. Đó là điều ai cũng nhìn thấy, nhưng không thể dựa vào đòi hỏi khách quan để dung túng cho tệ nạn xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Có tình trạng bao che lẫn nhau ở địa phương không? Không thể nói không có. Bởi lẽ, cách đây mấy tháng, cũng đích thân Bí thư Thành ủy TP.HCM - Nguyễn Thiện Nhân phải xuống tận nơi chỉ đạo, thì mới xử lý công trình trái phép rất hoành tráng tồn tại nhiều năm của Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân quận Thủ Đức - Lê Hữu Thành.
Bây giờ, huyện Bình Chánh được dàn lãnh đạo Thành ủy TP.HCM sốt ruột đi khảo sát, liệu có khả quan hơn không? Một trong những hiện tượng mà huyện Bình Chánh nêu ra như nguyên nhân bát nháo, là cò đất đai và cò xây dựng đang hoạt động rầm rộ.
Ơ hay, các loại “cò” làm sao có chỗ nương thân, nếu cán bộ kiên quyết trấn áp sai phạm? “Cò” có phải nhân viên công vụ không, “cò” có quyền hành giám sát không”, “cò” có khả năng cưỡng chế không? Không, “cò” kiếm ăn nhờ sự tiếp tay của những người có trách nhiệm.
Đừng đổ lỗi cho “cò”, khi nhà ở cứ mọc lên trên đất nông nghiệp, mà không thấy vai trò của thanh tra ngành xây dựng, thanh tra ngành tài nguyên - môi trường cũng như lực lượng công an cơ sở vốn được đào tạo rất tinh nhuệ. Hiện nay, huyện Bình Chánh vẫn còn hơn 10 nghìn trường hợp xây dựng trái phép chưa được xử lý.
Muốn chấm dứt tình trạng xây nhà trái phép, không thể hô vài câu khẩu hiệu hùng hồn, mà cần đặt ra kỷ luật nghiêm minh.
Nếu quy định có 5 trường hợp xây dựng trái phép thì Chủ tịch xã bị cách chức, có 10 trường hợp xây dựng trái phép thì Chủ tịch huyện bị cách chức, chắc chắn trật tự sẽ nhanh chóng được vãn hồi.