| Hotline: 0983.970.780

An Dương xây dựng NTM gắn với nâng cao đời sống người dân

Thứ Tư 16/02/2022 , 08:43 (GMT+7)

Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, huyện An Dương (TP Hải Phòng) đã xác định xây dựng nông thôn (NTM) mới là nhiệm vụ trọng tâm, nghiêm túc.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập

UBND huyện An Dương đã ban hành Kế hoạch số 97/ĐA-UBND về tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái bền vững huyện An Dương giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp giảm dần, huyện đã quy hoạch và phát triển các vùng chuyên canh rau, chuyên canh hoa cho giá trị kinh tế cao như vùng rau gia vị xã Đại Bản với diện tích 80 ha, vùng rau xã An Hoà với hình thức xen canh khoa học hợp lý giữa cây leo giàn (su su, bầu bí, mướp...) với cây rau cải trái vụ, diện tích đạt trên 50ha; vùng đào, quất cảnh tại xã Hồng Thái, Đồng Thái, Đặng Cương...

Huyện chuyển đổi diện tích sản xuất lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn. Ảnh: Đinh Mười.

Huyện chuyển đổi diện tích sản xuất lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao hơn. Ảnh: Đinh Mười.

Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện chuyển đổi diện tích sản xuất lúa năng suất thấp, kém hiệu quả sang trồng cây rau màu, hoa, cây cảnh và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn. Kết quả, trong 10 năm xây dựng NTM, huyện đã thực hiện chuyển đổi 1.070,25ha đất trồng lúa sang trồng hoa, cây cảnh 465ha, rau màu 318,5ha, trồng cây ăn quả 124ha, nuôi trồng thủy sản 162,75ha.

Huyện cũng chú trọng phát triển rau màu, cây thực phẩm. Được biết, An Dương là một trong những huyện cung cấp rau tươi cho thành phố, là vành đai thực phẩm cung cấp cho thị trường đô thị. Trong những năm qua huyện tập trung chỉ đạo xây dựng vùng trồng cây thực phẩm tập trung ở các xã Hồng Phong, An Hoà, Đại Bản, Tân Tiến, An Hưng, Đồng Thái với tổng diện tích 2.949,7ha.

Trong đó, diện tích cây vụ đông là 1.500ha, diện tích rau chuyên canh từ 820 - 850ha trồng các loại rau ngắn ngày, rau màu lỡ vụ, trái vụ, rau gia vị cho hiệu quả kinh tế cao. Ngoài chuyển dịch cơ cấu cây trồng về chủng loại, phẩm cấp và chất lượng giống còn áp dụng công thức luân canh hợp lý nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. 

Với điều kiện tiềm năng sẵn có và kinh nghiệm, truyền thống lâu năm về trồng hoa, cây cảnh, trong những qua, một số xã có phong trào trồng hoa, cây cảnh đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng hoa và cây cảnh cho giá trị hiệu quả kinh tế cao.

Năm 2011, diện tích hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện đạt 237,4ha nhưng đến năm 2020, diện tích đạt 500ha (tăng 232,96ha so với năm 2011). Các loại hoa, cây cảnh có diện tích gieo trồng lớn chủ yếu các loại như quất, hoa hải đường, đào cảnh tại các xã như Đặng Cương, Đồng Thái, Lê Lợi, Hồng Thái, Quốc Tuấn. Ngoài ra các hộ nông dân còn mở rộng trồng một số loại hoa chất lượng cao như hoa lay ơn đỏ đô Pháp, tím cẩm, hồng tai vuông, hoa ly, hoa mẫu đơn, hoa hồng cổ leo, hoa sứ... cho thu nhập bình quân 250 - 500 triệu đồng/ha/năm.

Trên địa bàn huyện có 1.680 hộ trồng hoa cây cảnh, có 4 làng nghề được thành phố công nhận là làng nghề Hoa cây cảnh (Minh Kha, xã Đồng Thái, Kiều Trung xã Hồng Thái, Tri Yếu, Đồng Dụ xã Đặng Cương). Hội sinh vật cảnh huyện được thành lập và phát triển, các hội viên sinh hoạt, giúp đỡ nhau về kinh nghiệm, kỹ năng, khoa học kỹ thuật, đã có nhiều sản phẩm đẹp, có giá trị, làm nên thương hiệu các làng nghề từ các nghệ nhân nổi tiếng trồng hoa cây cảnh trên địa bàn huyện. Năm 2011 tổng thu nhập từ hoa, cây cảnh trên địa bàn huyện đạt 95,5 tỷ đồng; năm 2015 đạt 130 tỷ đồng; năm 2020 đạt 205 tỷ đồng (tăng 109,5 tỷ đồng so với năm 2011).

Nâng cấp cơ sở hạ tầng 

Để triển khai, thực hiện Chương trình xây dựng NTM, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động, tổ chức, lồng ghép các chương trình, dự án và sự đóng góp của người dân để đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng nông thôn ngày một đồng bộ hơn, diện mạo nông thôn được đổi mới.

Giai đoạn 2011 - 2021, huyện đã nâng cấp và làm mới, nhựa hóa, bê tông hóa được 602,81 km đường giao thông (trong đó: 27,41km đường trục xã; 82,9km đường trục thôn, liên thôn; 492,5km đường ngõ xóm, đường nội đồng, đường nội bộ nghĩa trang). Thực hiện chương trình hỗ trợ xi măng làm đường ngõ xóm và đường nội đồng của thành phố, từ năm 2013 đến năm 2020, toàn huyện đã tiếp nhận 78.500 tấn xi măng, xây dựng 492,5km đường ngõ xóm, đường nội bộ nghĩa trang nhân dân và đường trục chính nội đồng.

Giai đoạn 2011 - 2020, huyện đã nâng cấp và làm mới, nhựa hóa bê tông hóa được 602,81 km đường giao thông. Ảnh: Đinh Mười

Giai đoạn 2011 - 2020, huyện đã nâng cấp và làm mới, nhựa hóa bê tông hóa được 602,81 km đường giao thông. Ảnh: Đinh Mười

Các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện hàng năm được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, bảo trì, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Làm tốt công tác quản lý, lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn, chiếu sáng, trồng bổ sung cây xanh, đường hoa, giải tỏa các vật cản, rác thải, không để lòng đường bị lấn chiếm, lề đường, vỉa hè bị che khuất tầm nhìn.

Về xây dựng NTM, do An Dương được quy hoạch lên quận nên các tiêu chí về giao thông ngoài theo quy định chung còn được xây dựng theo hướng tiệm cận đô thị nhằm tiết kiệm nguồn lực đầu tư sau này.

Tính đến hết năm 2021, có 15/15 xã hoàn thành tiêu chí thủy lợi theo quy định, tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu chủ động đạt trên 90%, cơ bản đảm bảo đầy đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu dân sinh và theo quy định về phòng chống thiên tai tại chỗ.

Ngoài ra, huyện đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo 20 trạm bơm điện, nạo vét trên 70 km kênh trục chính, cứng hóa 85,3 km kênh sau trạm bơm và xây dựng nâng cấp, cải tạo các cống điều tiết, các công trình trên kênh.

Huyện có 54 cống dưới đê, 57 trạm bơm công suất trên 500 m3/h, 177 tuyến kênh trục chính, kênh cấp 1 với tổng chiều dài 211km, 265 công trình trên kênh; 1.738 tuyến kênh cấp 2, cấp 3, cấp 4 với tổng chiều dài 476km, 12 trạm bơm công suất dưới 500 m3/h. Hệ thống công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu ổn định hàng năm đạt 9.177,51ha.

Đối với các công trình thủy lợi nội đồng: Các tuyến kênh cấp 2, cấp 3, cấp 4 do địa phương quản lý, hàng năm được tổ chức nạo vét, dọn cỏ, vớt rau bèo vật cản… cơ bản đáp ứng yêu cầu dẫn nước tưới tiêu đến mặt ruộng; các cống đầu tuyến kênh nội đồng được nâng cấp, tu sửa, các trạm bơm có công suất nhỏ được vận hành kết hợp tưới chủ động phục vụ hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

"Huyện tập trung các giải pháp nhằm phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; Phát triển kinh tế gắn với phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hoá - xã hội, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội ngày một tốt hơn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, truyền thống của địa phương; xây dựng môi trường cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; chú trọng bảo vệ môi trường đảm bảo phát triển bền vững", ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện An Dương, chia sẻ.

Đáng chú ý, huyện An Dương đã từng bước đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; giữ vững quốc phòng - an ninh, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh và cuộc sống bình yên cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Toản cho biết, định hướng xây dựng NTM là quá trình thực hiện liên tục, lâu dài có điểm bắt đầu, không có điểm kết thúc. Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, huyện An Dương xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là Chương trình xây dựng NTM.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thái Nguyên có 240 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Trong số các sản phẩm OCOP của Thái Nguyên, có 155 sản phẩm đạt 3 sao, 83 sản phẩm đạt 4 sao và 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia.