Kỳ họp thứ 4, HĐND TP khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khép lại thành công tốt đẹp với 30 nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội TP Cảng thời gian tới.
Trong đó, về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, HĐND TP Hải Phòng đã thông qua kế hoạch xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 và cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa tập trung trên địa bàn Hải Phòng giai đoạn 2022-2025.
Với xây dựng NTM, giai đoạn 2021 - 2025, TP Hải Phòng sẽ bố trí từ nguồn ngân sách khoảng 17.471 tỷ đồng để xây dựng 100% số xã đạt NTM kiểu mẫu, đưa công cuộc xây dựng NTM của Hải Phòng đi vào chiều sâu chất lượng, mang tính bền vững, tạo ra sự bứt phá toàn diện trong lĩnh vực “tam nông”.
Theo Sở NN-PTNT Hải Phòng, trong việc xây dựng thí điểm 8 xã NTM kiểu mẫu, đến nay đã hoàn thành 197 công trình về giao thông với tổng chiều dài 129,13km đường, bao gồm: đường trục chính từ trung tâm xã đến đường huyện và đường liên xã (loại 9m);
Với đường trục chính từ trung tâm xã đến trung tâm các thôn và đường liên thôn (loại 7m), đường trục thôn (loại 5,5m) và đường ngõ xóm (loại 3,5m), các loại đường có kết cấu hiện đại, có vỉa hè, lề đường, rãnh thoát nước, điện chiếu sáng, đồng thời đã và đang hoàn thành 3/4 công trình nâng cấp, cải tạo bãi rác.
Để thực hiện các công trình trên, với sự đồng thuận, chung tay của người dân đã tự nguyện hiến 125.724m2 đất của 4.730 hộ dân, thực hiện giải toả vật kiến trúc của 4.322 hộ dân, tổng nguồn lực để triển khai hoàn thành các công trình là 1.298,15 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tại 8 xã thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu, đã huy động nhân dân qua hình thức hiến tặng đất, với giá trị tiền đất ước tính theo đơn giá giải phóng mặt bằng khoảng 160 tỷ đồng.
Xây dựng NTM kiểu mẫu đã góp phần tạo nên diện mạo mới tại các xã, từng bước định hình theo hướng đô thị, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch đẹp, góp phần giúp các địa phương phát huy các lợi thế về sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ.
Mặt khác, đã tạo điều kiện thuận lợi về giao thông nhằm thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng các cụm công nghiệp, các khu đô thị, các khu vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Hải Phòng sẽ tăng cường phân cấp, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện chương trình, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”.
Sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế số trong nông nghiệp và phân cấp quản lý các tuyến đường sau đầu tư cũng chú trọng xây dựng và triển khai, phát triển hiệu quả các mô hình tự quản về giao thông như: “tuyến đường thôn, xóm tự quản đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, “tuyến đường thanh niên”,…
Đồng thời, sẽ chú trọng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng NTM, NTM thông minh và phát triển kinh tế nông thôn gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, phát triển các sản phẩm đặc sản, có lợi thế của địa phương theo Chương trình OCOP.
Ông Phạm Gia Khánh – Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng đánh giá, việc thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu mang tính đột phá, lần đầu tiên thực hiện, do vậy cần phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên thiếu một số chính sách hỗ trợ như: hỗ trợ vật kiến trúc, tài sản trên đất của các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công, tổ chức kinh tế, việc phân cấp, bố trí kinh phí quản lý, vận hành các công trình sau đầu tư chưa kịp thời gây khó khăn cho công tác quản lý, sử dụng và bảo vệ,...
Bên cạnh đó, cơ chế hỗ trợ cho các trường hợp phải bố trí nơi ở mới cũng còn hạn chế, cơ chế hỗ trợ chỉnh lý, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân hiến tặng đất còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ông Khánh khẳng định, đến năm 2025, Hải Phòng sẽ có 100% số xã cơ bản đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu và điều kiện để thực hiện là thành phố ban hành các cơ chế, chính sách, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, sự chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, các sở, ban ngành, sự chung tay ủng hộ của toàn xã hội đặc biệt là nhân dân các xã.
Hải Phòng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 100% xã đạt các tiêu chí NTM nâng cao, kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt tối thiểu 85 triệu đồng/ người/năm, 100% các xã không còn hộ nghèo, 100% các xã có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương còn thời hạn, trong đó, tối thiểu 40% xã có sản phẩm được xếp hạng 3 sao trở lên.
Mặt khác, đến 2025, 100% người dân ở Hải Phòng sẽ được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn, 98% rác thải nông thôn được thu gom, xử lý 100% số xã đảm bảo tỷ lệ hộ dân thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn đạt từ 50% trở lên.