| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang: Xây dựng nông thôn mới hoàn thành đạt mục tiêu cao nhất

Thứ Ba 10/12/2024 , 11:28 (GMT+7)

Kiên Giang Giai đoạn 2021-2025, xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tại Kiên Giang về đích trước thời hạn và huyện nông thôn mới đạt mục tiêu cao nhất của kế hoạch. 

Xã nông thôn mới về đích trước hạn

Kết quả về tình hình thực hiện nhiệm vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn từ năm 2021-2024 và dự kiến năm 2025 của tỉnh Kiên Giang đạt được thắng lợi trên nhiều mặt. Điều này đã tạo được sự đồng thuận cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển nông, lâm, thủy sản và xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là thực hiện tái cơ ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước tăng trưởng khá, cơ cấu nội ngành nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.

Từ năm 2021-2024, tỉnh Kiên Giang có thêm 37 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đã có 100% xã đạt chuẩn, vượt kế hoạch trước 1 năm của giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Trung Chánh.

Từ năm 2021-2024, tỉnh Kiên Giang có thêm 37 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đã có 100% xã đạt chuẩn, vượt kế hoạch trước 1 năm của giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Trung Chánh.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, ông Lê Hữu Toàn đánh giá: “Các chương trình, đề án, dự án về nông nghiệp, nông thôn được triển khai tích cực, hiệu quả, số lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt và vượt theo tiến độ kế hoạch đề ra”. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được địa phương và nhân dân trong tỉnh tích cực hưởng ứng tham gia. Các địa phương đã xác định rõ cách làm, bước đi triển khai xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện cụ thể, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị.

Cụ thể, từ năm 2021-2024, toàn tỉnh Kiên Giang đã có thêm 37 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, năm 2024 có 5/5 xã đạt chuẩn theo kế hoạch. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 116/116 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% kế hoạch năm và hoàn thành nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025, vượt kế hoạch trước thời hạn 1 năm.

Người dân xã Minh Hòa, huyện Châu Thành chung sức cùng chính quyền xây dựng tuyến đường giao thông nông, góp phần đưa xã này đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Trung Chánh. 

Người dân xã Minh Hòa, huyện Châu Thành chung sức cùng chính quyền xây dựng tuyến đường giao thông nông, góp phần đưa xã này đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Trung Chánh. 

Xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ước đến cuối năm 2024 có thêm 16 xã được công nhận, vượt 4 xã theo kế hoạch năm. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 35/30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Như vậy, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao của tỉnh Kiên Giang không chỉ về đích trước 1 năm, mà còn vượt kế hoạch giai đoạn 2021-2025 với 5 xã.

Tuy nhiên, số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu tại Kiên Giang còn khá thấp, đến cuối năm 2024 toàn tỉnh có 4/15 xã theo kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Trong năm 2025, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Kiên Giang và các địa phương trong tỉnh cần phải phấn đấu, nỗi lực nhiều hơn nữa thì mới có thể hoàn thành mục tiêu này.

Số huyện nông thôn mới đạt mức cao nhất

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Kiên Giang, ông Lê Hữu Toàn, mục tiêu đề ra đến năm 2025, tỉnh có 7-9 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới. Tuy nhiên, tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất là 9 đơn vị cấp huyện. Riêng trong năm 2024, phấn đấu có thêm 2 huyện nông thôn mới là An Minh và Kiên Hải. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 9 huyện, thành phố, gồm: Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận, Hà Tiên, An Biên, Kiên Lương, An Minh và Kiên Hải đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh Kiên Giang đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL năm 2024, tạo động lực để các địa phương phát huy nội lực trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trung Chánh.

Tỉnh Kiên Giang đăng cai tổ chức thành công Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL năm 2024, tạo động lực để các địa phương phát huy nội lực trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Trung Chánh.

Năm 2025, Kiên Giang phấn đấu có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đảm bảo hoàn thành đạt và vượt kế hoạch của cả giai đoạn 2021-2025 về nhiệm thực hiện vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.  

Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang, ông Lê Hữu Toàn đánh giá, chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật - kinh tế xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, công trình thủy lợi... ngày càng được đầu tư cơ bản, đồng bộ và dần hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Đời sống vật chất và văn hóa của người dân nông thôn được nâng lên, từng bước giảm dần khoảng cách thu nhập người dân thành thị và nông thôn.

Phát triển cơ giới hóa trong sản xuất, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn. Ảnh: Trung Chánh.

Phát triển cơ giới hóa trong sản xuất, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cải thiện thu nhập và nâng cao đời sống người dân vùng nông thôn. Ảnh: Trung Chánh.

Cùng với đó, những chính sách về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ưu đãi cho phát triển kinh tế tập thể... phát huy hiệu quả. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất, nâng cao giá trị lao động cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Qua đó, đã góp phần củng cố, hoàn thành các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới.

Đến cuối năm 2024, tỉnh Kiên Giang không chỉ vượt chỉ tiêu về xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, mà còn hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới của kế hoạch giai đoạn 2021-2025 trước 1 năm, với mục tiêu cao nhất là 9 đơn vị cấp huyện.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Cao Bằng xóa gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2024, tỉnh Cao Bằng đã xóa được gần 7.000 nhà tạm, nhà dột nát, kinh tế của địa phương có bước tăng trưởng quan trọng. 

Mắm Lê Gia đạt OCOP 5 sao: Thành công là hành trình, không phải điểm đến

Sản phẩm nước mắm Lê Gia - Cốt đặc biệt 40N của Công ty TNHH Thực phẩm & TMDV Lê Gia vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao.