Huyện thứ 7 đạt chuẩn NTM
Sáng 18/3, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận An Biên đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) năm 2022. Tham dự có ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM trung ương.
“An Biên vùng đất kiên cường. Huyện nông thôn mới sáng đường tương lai”, câu thơ lục bát được ngâm lên trong lễ công nhận huyện đạt chuẩn NTM đã khái quát quá trình hơn 10 năm xây dựng NTM của huyện.
Xác định phát triển sản xuất là vấn đề cốt lõi nhằm nâng cao thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nông dân, huyện An Biên đã thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả sang luân canh tôm – lúa, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Huyện An Biên nằm trong vùng U Minh Thượng thuộc tỉnh Kiên Giang, cách trung tâm TP Rạch Giá 28 km về phía Nam. An Biên có tổng diện tích tự nhiên hơn 40.029 ha, với 9 đơn vị hành chính gồm 8 xã và 1 thị trấn.
Là huyện có điểm xuất phát thấp, hạ tầng cơ sở còn thiếu nhiều so với yêu cầu, ngành nghề chưa phát triển, sản xuất nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế chưa cao. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp, mới chỉ đạt gần 16 triệu đồng/năm (năm 2011). Tuy nhiên, bằng sự năng động, sáng tạo, quyết tâm khắc phục khó khăn, tập trung chỉ đạo thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về NTM, huyện An Biên đã đạt được nhiều kết quả hết sức quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Ông Nguyễn Công Trận, Chủ tịch UBND huyện An Biên cho biết, qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, đến tháng 12/2022 toàn huyện có 8/8 xã đạt chuẩn NTM, xã Đông Yên đạt chuẩn NTM nâng cao và huyện An Biên đã thực hiện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Kết quả xây dựng NTM mới của huyện đã tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân. Đến nay, diện mạo huyện An Biên có nhiều đổi thay rõ rệt, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, sản xuất phát triển, thu nhập của nhân dân được nâng cao.
Về hệ thống giao thông được xây dựng liên hoàn thông suốt từ huyện đến trung tâm các xã, ấp được nhựa hóa hoặc bê tông chắc chắn đảm bảo cho người dân đi, vận chuyển hàng hóa, giao thương, mua bán... Hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ giữa hệ thống thủy lợi liên xã và hệ thống thủy lợi của từng xã. Tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới, tiêu đạt trên 96%. Bảo vệ môi trường, xây dựng, cải tạo môi trường xanh, sạch đẹp được quan tâm, chú trọng, đã hạn chế được các hoạt động gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện.
Phát triển kinh tế tập thể, đến nay đã có 32 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập và chuyển đổi hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Huyện có nhiều Hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, nhiều mô hình triển kinh tế đã đem lại thu nhập cao cho người dân nông thôn. Đến năm 2022, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt trên 57 triệu đồng/người/năm.
Trong giai đoạn 2011-2022, huyện An Biên huy động nguồn lực với tổng kinh phí hơn 1.536 tỷ đồng để đầu tư xây dựng NTM, gồm nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, lồng ghép với nguồn vốn các chương trình mục tiêu, vốn vay tín dụng, doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn huy động nhân dân đóng góp để bố trí theo hướng ưu tiên cho các nội dung trọng điểm của địa phương. Việc quản lý, phân bổ và sử dụng nguồn vốn đầu tư đảm bảo có hiệu quả, đúng nguyên tắc, đúng mục đích, đúng đối tượng.
Tiếp tục xây dựng NTM nâng cao
Huyện An Biên xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí. Giữ vững và nâng chất 8/8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và các xã NTM nâng cao đã được công nhận để đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu đến năm 2025 huyện có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Phát triển sản xuất, hằng năm thành lập mới từ 3 HTX trở lên, đến năm 2025 huyện có từ 39 HTX trở lên. Tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của huyện tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phấn đấu đến cuối năm 2025 huyện có ít nhất 25 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Phấn đấu đến năm 2030 có 5 xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt NTM kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao. Bình quân thu nhập đầu người đạt 70-75 triệu đồng/người/năm.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung nhấn mạnh, nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ tiếp tục đóng vai trò chiến lược và là nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội, gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững, cư dân nông thôn có thu nhập ổn định, cảnh quan và môi trường sạch đẹp. Tập trung công tác tuyên truyền, vận động để người dân chủ động, nhiệt tình, tích cực tham gia xây dựng nông thôn, quyết tâm nâng cao chất lượng các tiêu chí, tiến tới xây dựng huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Nhân dịp này, UBND tỉnh Kiên Giang đã quyết định tặng bằng khen cho 5 tập thể và 20 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong chỉ đạo, thực hiện và đóng góp cho phong trào “Kiên Giang chung sức xây dựng NTM”. Huyện An Biên tặng giấy khen cho 28 tập thể và 54 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng huyện đạt chuẩn NTM.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung chỉ đạo huyện An Biên tập trung xây dựng NTM hướng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn gắn với tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. Quan tâm đẩy nhanh thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, liên kết chuỗi giá trị đồng bộ từ khâu đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ.