| Hotline: 0983.970.780

DIỆN MẠO MỚI Ở VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ KHU VỰC ĐBSCL

Ấp nghèo vươn lên

Thứ Sáu 05/08/2022 , 08:42 (GMT+7)

Ấp Trà Kim, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh từ một ấp nghèo qua chuyển đổi cây rau màu, nhất là cây ớt đã giúp nhiều hộ dân vươn lên khá giả.

Trong một lần tình cờ chúng tôi biết đến ông Thạch Phi Rùm cũng như nhiều bà con nông dân đồng bào Khmer ở ấp Trà Kim, xã Thuận Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh khấm khá lên nhờ mô hình luân canh cây ớt với lúa. Được sự giới thiệu của UBND xã Thuận Hoà, chúng tôi tìm gặp ông Thạch Chăm Pha, Trưởng ban nhân dân ấp Trà Kim để tìm hiểu về đời sống kinh tế, xã hội của bà con nông dân nơi đây.

Ông Chăm Pha kể, cách đây hơn 10 năm, ấp Trà Kim còn nhiều khó khăn, có thể nói là vùng đất khó nhất của huyện Cầu Ngang. Ấp lại có đông đồng bào dân tộc Khmer (chiếm trên 96%). Trong đó, số hộ nghèo chiếm trên 90%, có lãnh đạo xã, ấp thuộc diện nghèo.

Từ trái qua phải: ông Thạch Nam, ông Thạch Chăm Pha, bà Thạch Sên kể chuyện làm kinh tế nông nghiệp. Ảnh: Minh Đảm.

Từ trái qua phải: ông Thạch Nam, ông Thạch Chăm Pha, bà Thạch Sên kể chuyện làm kinh tế nông nghiệp. Ảnh: Minh Đảm.

Nếu đến đây vào một ngày hè đầy nắng sẽ bắt gặp những vùng đất khô cằn, bỏ hoang do thiếu nước canh tác; còn nhiều những ngôi nhà lá tạm bợ, xiêu vẹo… đủ thấy đời sống của bà con còn cơ cực đến chừng nào. Rồi cây ớt đến. Cây ớt đã giúp bà con cất lại những ngôi nhà khang trang, đã phủ xanh những cánh đồng, đã may những bộ quần áo mới….

Ngôi nhà đầu tiên xây lên từ cây ớt

Theo ghi nhận, năm 2008, ông Thạch Phi Rùm là một trong những hộ dân đầu tiên của ấp Trà Kim thử nghiệm mô hình trồng ớt trên nền đất lúa. Sau đó, ông Phi Rùm cùng các ông Thạch Mếch, Thạch Chính đã “truyền nghề” trồng ớt cho những hộ dân khác. Năm đầu đưa cây ớt về vùng đất này, 3 hộ này chỉ trồng vỏn vẹn có 5 công (5.000m2).

Sau mô hình thành công. Đến năm thứ 2, diện tích ớt tại ấp đã phát triển lên 36 công. Cũng năm đó, ông Thạch Nam là một trong những nông dân trúng mùa, trúng giá ớt. Nhờ đó, ông Nam có tiền xây dựng ngôi nhà khang trang hơn 300 triệu đồng. Ngôi nhà cũ kỹ được thay áo mới, khiến gia đình rất phấn khởi. Rồi đến năm thứ 3, năm thứ 4, diện tích cây ớt ở Trà Kim ngày càng phát triển mạnh, đưa đời sống của bà ngày càng khởi sắc hơn.

Theo chân ông Chăm Pha chúng tôi tìm đến những hộ dân trúng ớt ngày nào. Ông Thạch Nam nói: “Năm đó, nhờ trồng 6 công ớt chỉ thiên. Thời tiết thuận lợi, ớt trúng mùa bán được giá nên gia đình cất lại được ngôi nhà tường khoảng 300 triệu đồng. Cả nhà mừng lắm. Bà con chòm xóm cũng chia vui với mình và học hỏi kinh nghiệm trồng ớt”.

Bà Thạch Sên đang cúng dường cho các vị sư ở địa phương. Ảnh: Minh Đảm.

Bà Thạch Sên đang cúng dường cho các vị sư ở địa phương. Ảnh: Minh Đảm.

Cũng nhờ trồng ớt mà thời gian qua, ông Nam có điều kiện đóng góp thiện nguyện và tham gia nhiều hoạt động công ích xã hội tại địa phương. Cụ thể như, ông hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới, dạy chữ cho bà con nghèo ở chùa… Theo ông Nam, nhờ trồng ớt mà nhiều hộ dân lân cận nhà ông cũng khấm khá lên.

Ông Thạch Nam chỉ tay về những ngôi nhà lân cận, một dãy liền khoảng 5-6 căn khang trang, nói: “Những nhà này đều trồng ớt hết. Nhờ ớt mà bà con mình có tiền người thì sửa sang lại nhà cửa, người thì cất mới”.

Thật vậy, cùng ngồi trò chuyện với chúng tôi, bà Thạch Sên có nhà liền dãy với nhà ông Nam cũng có tiền sửa sang lại nhờ trồng 6 công ớt chỉ thiên. Bà Thạch Sên chia sẻ: “Ban đầu, thấy trồng ớt cũng khó nhưng nhờ được học tập kỹ thuật từ những người trồng trước nên mới chuyển đổi làm vụ ớt vụ lúa. Thấy trồng cây ớt sống khỏe. Không lời nhiều, chứ giá trên 20 chục ngàn một ký là có lời rồi. Bình quân mỗi vụ ớt lời trên 10 triệu đồng một công. So với trồng lúa thì hiệu quả cao hơn nhiều”.

Nhờ tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, nhất là từ khi chuyển sang trồng cây ớt bà con có thu nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Minh Đảm.

Nhờ tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả, nhất là từ khi chuyển sang trồng cây ớt bà con có thu nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Minh Đảm.

Cả ấp “thay áo mới”

Theo ông Chăm Pha cho biết: Hiện nay, ấp Trà Kim có 426 hộ dân thì mô hình trồng ớt đã phát triển ra đến hơn 160 hộ, diện tích hơn 70ha. Mô hình này ngoài phát triển kinh tế cho người trồng ớt còn giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động của địa phương. Hiện nay, các chủ ruộng ớt sẽ thuê công hái ớt khoảng 250.000 đồng/ngày.

Nhờ ông Thạch Nam trồng ớt cất nhà mà phong trào luân canh cây màu trên đất lúa, nhất là cây ớt phát triển mạnh. Theo ghi nhận của UBND xã Thuận Hòa, từ năm 2012 đến nay, mỗi năm có khoảng 20 hộ dân thoát nghèo nhờ cây ớt. Mới đây nhất, ông Thạch Siêng, Bí thư Chi bộ ấp Trà Kim cũng thoát nghèo nhờ trồng 2 công ớt 3 năm nay. Đến nay, theo tiêu chí mới, ấp Trà Kim cũng còn 45 hộ nghèo nhưng cơ bản đời sống của bà con cũng khá nhiều so với trước.

Hiện nay, cây ớt tại ấp Trà Kim được các thương lái thu mua để xuất khẩu sang thị trường các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Để việc thu mua tiêu thụ ớt được thuận lợi cho bà con nông dân, UBND xã Thuận Hòa đã thành lập 3 tổ hợp tác trồng ớt tại ấp Trà Kim. Trong đó, nông dân Thạch Phi Rùm, vừa trồng ớt vừa đã đứng ra làm tổ trưởng một tổ hợp tác, làm đầu mối liên hệ với doanh nghiệp cung ứng giống và bao tiêu ớt cho bà con.

Ông Phi Rùm nói: “Hiện nay, đã có doanh nghiệp cam kết thu mua hết sản lượng ớt cho bà con. Giá thì theo biến động thị trường. Riêng mảng cây giống chúng tôi có làm việc với công ty giống cây trồng Sen Hồng (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) để cung ứng giống đầu vào. Thời gian qua, công ty cũng có tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất, cũng như tổ chức cho bà con tham quan những mô hình canh tác ớt hiệu quả”.

Những ngôi nhà đẹp được xây từ thu nhập của trồng ớt. Ảnh: Minh Đảm.

Những ngôi nhà đẹp được xây từ thu nhập của trồng ớt. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Hoàng Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa nhận xét: Tùy theo giá cả thị trường mà thu nhập người trồng ớt tăng giảm. Thời gian qua, giá ớt bình quân từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, được thương lái đến thu mua tại ruộng. Mỗi công ớt ước tính cho năng suất từ 2 - 3 tấn, sau khi trừ đi chi phí, bà con còn lời từ 20 - 30 triệu đồng. Tuy nhiên, giá từ 20 ngàn đồng trở lên là bà con có thu nhập khá, bình quân 10 triệu đồng/công. Như năm 2020, giá ớt lên hơn 100 ngàn đồng/kg, người trồng ớt lãi rất cao trên 100 triệu đồng/công.

Cũng theo ông Vinh, phong trào trồng ớt không chỉ phát triển mạnh tại ấp Trà Kim mà con phát triển sang 2 ấp khác của xã là Nô Công và Sóc Chuồng. Thời gian qua, cây ớt nói riêng và rau màu nói chung đã góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân. Tháng 2/2022 vừa qua, xã Thuận Hoà được công nhận hoàn thành vụ nhiệm xây dựng nông thôn mới. 

Vùng đất khô cằn, nứt nẻ ngày nào nay được phủ xanh từ cây ớt chỉ thiên. Niềm vui không riêng gia đình nông dân Thạch Phi Rùm, Thạch Nam, Thạch Sên, Thạch Siêng.. mà còn lan tỏa sang rất nhiều hộ nông dân ở ấp Trà Kim, trong đó đa số là hộ đồng bào Khmer.

Ông Thạch Phi Rùm (trái) cùng nông dân ấp Trà Kim tham mô hình trồng ớt Sen Hồng 084 hiệu quả cao tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gaọ, tỉnh Tiền Giang. Từ đây, ông Phi Rùm sẽ phổ biến để bà con cùng sản xuất. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Thạch Phi Rùm (trái) cùng nông dân ấp Trà Kim tham mô hình trồng ớt Sen Hồng 084 hiệu quả cao tại xã Bình Ninh, huyện Chợ Gaọ, tỉnh Tiền Giang. Từ đây, ông Phi Rùm sẽ phổ biến để bà con cùng sản xuất. Ảnh: Minh Đảm.

Đời sống kinh tế, xã hội bà con Khmer Trà Vinh ngày càng vươn lên

Trà Vinh là tỉnh có trên 31,5% dân số là đồng bào Khmer, tập trung nhiều trên địa bàn các huyện: Trà Cú, Cầu Ngang, Châu Thành, Cầu Kè, Tiểu Cần... Ngay sau khi tái lập tỉnh (tháng 5/1992), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đã ban hành nhiều Nghị quyết về công tác trong vùng đồng bào dân tộc Khmer và Nghị quyết về phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer...

Cùng với đó, kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh luôn được quan tâm đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn lực; trong đó Chương trình 135 của Chính phủ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, vùng đồng bào Khmer nói riêng.

Từ năm 1999, thông qua Chương trình 135 đã được triển khai thực hiện, đến nay đã đầu tư xây dựng được 1.171 công trình trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn trong vùng đồng bào Khmer.

Đời sống của bà con đồng bào Khmer ngày càng vươn lên. Ảnh: Minh Đảm.

Đời sống của bà con đồng bào Khmer ngày càng vươn lên. Ảnh: Minh Đảm.

Bên cạnh đó, tỉnh còn được Trung ương triển khai thực hiện đầu tư các nguồn vốn thông qua các chính sách đặc thù như: hỗ trợ đất ở cho 3.758 hộ; đất sản xuất cho 1.104 hộ, nhà ở cho 36.454 hộ, chuộc lại đất cho 449 hộ, khoan giếng cho 144 hộ, đấu nối nước sạch cho 3.630 hộ, cấp lu chứa nước cho 8.41 hộ, cấp bồn chứa nước cho 11.700 hộ. Xây dựng 88 trạm cấp nước; hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, hiện vật cho 199.934 lượt hộ nghèo ở vùng khó khăn; nhiều lượt hộ được vay vốn ưu đãi về lãi suất để cải thiện cuộc sống, chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua các tổ chức đoàn thể...

Theo ông Thạch Mu Ni, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh nhận định: Qua tác động từ các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Trung ương và tỉnh trong suốt thời gian qua cho đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh đã tạo “bứt phá” về phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, điện, thủy lợi, y tế...). Từ đó, đời sống kinh tế xã hội của người dân từng bước được phát triển vươn lên.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.