| Hotline: 0983.970.780

Đổi thay ở ‘ấp 135’

Thứ Ba 20/07/2021 , 16:47 (GMT+7)

Trà Vinh Những năm qua, bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc Khmer ở 10 ấp đặc biệt khó khăn của huyện Càng Long có nhiều thay đổi, chuyển biến rõ rệt.

Chúng tôi về ấp Sóc, xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh nơi có trên 65% hộ đồng bào Khmer sinh sống. Con đường giao thông nông thôn dài hơn 2km nối liền ấp Sóc và ấp Giồng Bèn được đầu tư trên 1,5 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135.

Đời sống kinh tế của bà con xã Huyền Hội ngày càng khá hơn. Ảnh: MĐ.

Đời sống kinh tế của bà con xã Huyền Hội ngày càng khá hơn. Ảnh: MĐ.

Ông Thạch Bằng, Bí thư Chi bộ ấp Sóc phấn khởi cho biết: Từ ngày đường trong ấp làm xong đi lại thuận tiện bà con ai cũng phấn khởi lắm. Ngoài việc được đầu tư cơ sở hạ tầng, thời gian qua các chương trình, dự án tạo điều kiện cho hộ dân trong ấp vay vốn có điều kiện để phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Nhờ có công ăn việc làm nên đời sống bà con trong ấp Sóc được cải thiện rất nhiều và không vướng vào các tệ nạn xã hội. Đến nay, toàn ấp chỉ còn 23 hộ nghèo và trên 40 hộ cận nghèo. Số hộ còn lại đều có mức sống từ trung bình khá trở lên. Diện mạo nông thôn ở địa phương ngày càng khởi sắc hơn.

Gia đình bà Sơn Thị Sa Kha (ấp Sóc, xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) thuộc diện hộ nghèo nhiều năm không có đất canh tác. Cuối tháng 10 năm 2020, gia đình bà Kha được chương trình giảm nghèo của tỉnh cho mượn một con bò để chăn nuôi phát triển kinh tế.

Bà Kha nói: “Lúc trước gia đình rất khó khăn, năm nay làm ăn đỡ hơn nên xã đã xếp vào diện hộ cận nghèo. Gia đình phấn đấu làm ăn có thu nhập ổn định để vươn lên thoát nghèo như người ta”.

Bà Sơn Thị Sa Kha nhận bò hỗ trợ từ chương trình 135 năm 2020. Ảnh: MĐ.

Bà Sơn Thị Sa Kha nhận bò hỗ trợ từ chương trình 135 năm 2020. Ảnh: MĐ.

Cách hộ bà Sa Kha không xa là hộ anh Thạch Chu thuộc hộ nghèo không có đất ở. Địa phương đã cấp cho gia đình anh một nền nhà và dự án giảm nghèo còn cho gia đình mượn một con bò để chăn nuôi phát triển kinh tế. Giờ đây, hàng ngày ngoài công việc đi làm thợ hồ anh Chu còn bận bịu chăm sóc thêm con bò. Anh Chu chia sẻ: “Đây là động lực để gia đình tôi thoát nghèo trong thời gian tới”.

Ông Phạm Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Huyền Hội cho biết: Nhờ xã áp dụng đồng bộ, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững mà tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Huyền Hội giảm đáng kể qua từng năm. Nếu như năm 2016, xã Huyền Hội có 505 hộ nghèo thì đến năm 2017 giảm còn 372 hộ, năm 2018 còn 220 hộ, năm 2019 còn 116 hộ. Đến nay, toàn xã chỉ còn 74 hộ nghèo. Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, xã phấn đấu cuối năm nay số hộ nghèo giảm hơn 50% so với thời điểm hiện nay.

Đời sống bà con các ấp khó khăn theo diện 135 ở huyện Càng Long ngày càng được cải thiện. Ảnh: MĐ.

Đời sống bà con các ấp khó khăn theo diện 135 ở huyện Càng Long ngày càng được cải thiện. Ảnh: MĐ.

Ông Huỳnh Công Tín, Phó Chủ tịch UBND huyện Càng Long cho biết: Năm nay, UBND huyện Càng Long đề ra chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống 0,8%. Trong đó, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm khoảng 2% (53 hộ) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.

Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, UBND huyện đã phối hợp triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại 2 xã có ấp đặc biệt khó khăn thuộc diện Chương trình 135. Trong đó có dự án chăn nuôi bò (vỗ béo, sinh sản) cho 10 hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí 150 triệu đồng tại ấp Nguyệt Lãng C (xã Bình Phú) và ấp Sóc (xã Huyền Hội).

Bên cạnh đó, UBND huyện cũng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Càng Long hỗ trợ vay vốn ưu đãi và hướng dẫn đối tượng thuộc diện vay vốn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Dự kiến trong năm 2021, sẽ giải ngân cho vay các chương trình trên 26 tỷ đồng, giải quyết cho trên 3.000 hộ vay.

Theo Huyện uỷ Càng Long (Trà Vinh), đời sống vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn nhất là vùng khó khăn, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân năm 2020 đạt 58 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 7 lần so năm 2008. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2020 còn 460 hộ, chiếm 1,12%. 

Đến nay, huyện có 28 trường đạt chuẩn quốc gia. 100% trẻ em 6 tuổi vào lớp một, 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học. 100% trạm y tế xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia và 100% trạm đều có bác sĩ làm việc. Dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,61%.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Nhãn, vải ra hoa ít, ong nuôi ‘đói’ mật, nông dân thất thu

Vụ mật ong xuân năm nay chỉ có 40% số hộ nuôi ong mật nội rừng ở Kinh Môn (Hải Dương) thu được mật, sản lượng giảm so với vụ xuân trước.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Lão nông U70 với tham vọng đưa bưởi Diễn xuất ngoại

Bằng tình yêu nông nghiệp cùng óc sáng tạo trong sản xuất, ông Lê Hữu Diện đã trở thành người tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.

Bình luận mới nhất