| Hotline: 0983.970.780

Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành cơn bão số 14

Chủ Nhật 20/12/2020 , 15:43 (GMT+7)

Cơn bão số 14 với tên quốc tế là Krovanh bắt đầu ảnh hưởng tới nước ta. Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu triển khai phương án ứng phó.

Cơn bão số 14 có tên quốc tế là Krovanh. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia. 

Cơn bão số 14 có tên quốc tế là Krovanh. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia. 

Chiều nay (20/12), áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành cơn bão số 14 trong năm 2020 và có tên quốc tế là Krovanh.

Hồi 13 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 120km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây sau đó đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh thêm.

Đến 13 giờ ngày 21/12, vị trí tâm bão ở khoảng 9,2 độ Vĩ Bắc; 112,5 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 330km về phía Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) từ vĩ tuyến 7,5 đến 12,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,0 đến 117,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km. Đến 13 giờ ngày 22/12, vị trí tâm bão ở khoảng 8,3 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, cách Huyền Trân khoảng 120km về phía Tây. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 23/12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 8,3 độ Vĩ Bắc; 106,5 độ Kinh Đông, cách đảo Côn Đảo khoảng 80km về phía Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9.

Vùng biển khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) sẽ có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh; sóng biển cao từ 5,0-7,0m.

Ông Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 14. Ảnh: Tổng cục phòng chống thiên tai.

Ông Trần Quang Hoài chủ trì cuộc họp ứng phó bão số 14. Ảnh: Tổng cục phòng chống thiên tai.

Để kịp thời đưa ra những phương án ứng phó với con bão số 14, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã tổ chức họp khẩn ngày 20/12.

Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, tính đến 6 giờ ngày 20/12, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 46.682 phương tiện, 255.393 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 14 để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, quan sát trên Hệ thống giám sát tàu cá, tính đến 6 giờ ngày 20/12, có 138 tàu đang ở trong khu vực ảnh hưởng của cơn bão trong vòng 24h giờ tới.

Kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Phó Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, yêu cầu Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện số 41/CĐ-TW ngày 19/12 của Ban chỉ đạo về triển khai công tác ứng phó với bão số 14 và tiếp tục thực hiện Công điện số 39/CĐ-TW ngày 12/12 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ Đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai về ứng phó với không khí lạnh, rét đậm, rét hại.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 14, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của cơn bão để chủ động phòng tránh.

Bộ Tư lệnh Biên phòng tổ chức bắn pháo hiệu để thông báo cho ngư dân chủ động phòng tránh.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng kích hoạt hệ thống nhắn tin.

Tổng cục Thủy sản cung cấp thông tin cho người dân để có phương án bảo vệ lồng bè và nuôi trồng thủy sản.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cung cấp thông tin kịp thời để phục vụ việc chỉ đạo, ứng phó; đảm bảo an toàn hồ chứa; phục hồi sản xuất.

Các địa phương chủ động phát thông tin về bão số 14 trên các hệ thống giám sát thiên tai của tỉnh.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.