| Hotline: 0983.970.780

Gỡ 'điểm nghẽn' mặt bằng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang

Thứ Sáu 04/04/2025 , 16:41 (GMT+7)

Tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang được thay đổi từng ngày, nhằm sớm giao mặt bằng sạch cho đơn vị thi công.

Tỉnh Tuyên Quang đang quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Tỉnh Tuyên Quang đang quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Gỡ khó tại điểm nghẽn của điểm nghẽn

Xã Thành Long từng được xem là một trong những địa phương khó khăn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng của tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Những vướng mắc tưởng chừng như không thể tháo gỡ lại dồn cả về nơi đây.

Từ đất lấn chiếm sau thời điểm 2014, đất 327, đến đất trùng với cấp giấy của Công ty lâm nghiệp đều có… Lãnh đạo địa phương cũng phải thừa nhận Thành Long là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Vậy mà, chỉ trong một thời gian ngắn, tình thế đã thay đổi ngoạn mục.

Thực hiện làm đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, xã Thành Long có 5,3km đường cao tốc đi qua 4 thôn với 187 hộ dân phải di dời. Khi công tác giải phóng mặt bằng bắt đầu, không ai có thể hình dung được những nỗi niềm, những giọt nước mắt và cả những cái gật đầu nặng trĩu tâm tư.

Dù nhà mới được xây kiên cố, khang trang nhưng nhiều hộ dân ở xã Thành Long, huyện Hàm Yên vẫn đồng thuận cao giải phóng mặt bằng làm đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Dù nhà mới được xây kiên cố, khang trang nhưng nhiều hộ dân ở xã Thành Long, huyện Hàm Yên vẫn đồng thuận cao giải phóng mặt bằng làm đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Bà Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch UBND xã Thành Long, huyện Hàm Yên chia sẻ, Thành Long từng được coi là điểm nghẽn của điểm nghẽn, nơi mà mỗi thửa đất không chỉ là con số trên bản đồ mà còn chất chứa bao ký ức, bao nỗi lo sinh kế. Ngày đầu đến nhà dân, là những ánh mắt dò xét, những lời chưa thuận, những trăn trở đầy ắp trong từng câu hỏi. Nhưng rồi, sự kiên nhẫn, sự chân thành đã dần hóa giải. Một lần chưa được, thì lần sau lại đến. Để rồi sau bao lần đối thoại, những nụ cười thay thế cho căng thẳng, những cái gật đầu đến trong nước mắt.

Có những hộ dân khi nhận tiền đền bù mà lòng quặn thắt, nước mắt cứ thế lặng lẽ rơi. Cán bộ cũng trạnh lòng, cũng thương lắm, nhưng luật pháp không thể sai. Đất vẫn là của Nhà nước, hồ sơ pháp lý vẫn còn, nhưng đồng ruộng ấy đã nuôi sống biết bao thế hệ. Có những mảnh đất đã qua bao đời người canh tác, dù trên giấy tờ vẫn mang danh Công ty lâm nghiệp. Cũng có những người dân bảo rằng họ đã cấy cày từ những năm 90, nay phải đứng giữa ranh giới của quyền lợi và quy định, giữa quá khứ và hiện tại.

Khu tái định cư phục vụ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang tại xã Thành Long, huyện Hàm Yên đang được hình thành. Ảnh: Đào Thanh.

Khu tái định cư phục vụ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang tại xã Thành Long, huyện Hàm Yên đang được hình thành. Ảnh: Đào Thanh.

Thành Long hôm nay đã đi qua những ngày gian khó nhất. 187 hộ phải di dời, 184 hộ đã đồng thuận, chỉ còn lại 3 hộ. Đến phút cuối, chính quyền xã vẫn thể hiện quyết tâm cố gắng vận động để không ai phải chịu cảnh bảo vệ thi công, để người dân không thiệt thòi. Vì hơn ai hết, cán bộ hiểu rằng: Không chỉ có đất mới là tài sản, mà ký ức, gốc rễ và tình người cũng là những giá trị không thể cân đo.

Không để dân thiệt quyền lợi

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tuyên Quang Phạm Đình Tứ cho biết, đến nay, toàn tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang chỉ còn vướng vài trăm mét, đó là con số đầy lạc quan so với những gì đã diễn ra trước đó. Thành công này không chỉ là kết quả của chính sách đúng đắn mà còn là minh chứng cho sức mạnh của sự chân thành và trách nhiệm. Khi chính quyền đặt lợi ích của người dân lên trên hết, khi cán bộ sẵn sàng đồng hành cùng nhân dân, thì những gì tưởng như bế tắc cũng có thể tìm thấy lối ra.

Hoàn tất các thủ tục giải phóng mặt bằng, các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Hoàn tất các thủ tục giải phóng mặt bằng, các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Hiểu được điều đó, chính quyền địa phương đã thay đổi cách tiếp cận. Họ không chỉ mang theo chính sách mà còn mang theo sự chân thành, kiên trì đối thoại, sát cánh cùng bà con, giải thích cặn kẽ từng chế độ, quyền lợi. Họ xác định, một bữa cơm ăn cùng người dân, một lời nói từ tâm còn hiệu quả hơn nhiều trang văn bản. Từ ngày 21/3, những cuộc đối thoại được tổ chức bài bản, giấy tờ, cơ chế chính sách được chuẩn bị chu đáo. Chỉ trong vòng một tuần, hàng loạt hộ gia đình từng là “điểm nghẽn” đã đồng thuận giải phóng mặt bằng.

Từ khi cả Bí thư, Chủ tịch UBND xã tại các huyện Hàm Yên, Yên Sơn không ngại vào tận từng nhà dân, sẵn sàng ngồi xuống bên mâm cơm giản dị, lắng nghe những trăn trở, chia sẻ của bà con, những nút thắt bắt đầu được tháo gỡ.

Chính quyền địa phương cùng người dân hỗ trợ các gia đình trên địa bàn huyện Hàm Yên di dời tài sản để giao lại mặt bằng cho đơn vị thi công. Ảnh: Đào Thanh.

Chính quyền địa phương cùng người dân hỗ trợ các gia đình trên địa bàn huyện Hàm Yên di dời tài sản để giao lại mặt bằng cho đơn vị thi công. Ảnh: Đào Thanh.

Như câu chuyện của gia đình ông La Quang Chinh ở Bạch Xa hay hộ ông Bàn Văn Sửu ở Thành Long, huyện Hàm Yên là những minh chứng rõ nét. Ban đầu, các hộ dân còn băn khoăn, không phải vì họ không đồng thuận với chủ trương chung, mà vì họ mong muốn sự công bằng, minh bạch. Ông La Quang Chinh, Bạch Xa, huyện Hàm Yên cho biết: “Nếu hiến đất, gia đình sẵn sàng hiến, nhưng nếu đền bù thì phải công bằng” – lời nói ấy cho thấy người dân không chỉ nghĩ cho riêng mình mà còn đặt niềm tin vào sự chính trực của chính quyền.

Nỗ lực giao mặt bằng trước ngày 5/4/2025

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoàn thành giải phóng mặt bằng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang trước ngày 5/4, huyện Hàm Yên đang thực hiện đồng loạt các giải pháp quyết liệt hoàn thành giải phóng mặt bằng 48,16km qua địa bàn huyện. Đến nay, huyện Hàm Yên đã thực hiện chi trả đền bù cho 45/45 thôn, dân phố tại 11 xã, thị trấn.

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang có tổng chiều dài toàn tuyến là 105km, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng. Ảnh: Đào Thanh.

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang có tổng chiều dài toàn tuyến là 105km, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng. Ảnh: Đào Thanh.

Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện đã tập trung chỉ đạo giải quyết các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thuộc dự án đường cao tốc. Đặc biệt, các điểm nghẽn trong thi công đã được xử lý, đảm bảo tiến độ.

Tại xã Bạch Xa, chính quyền đã tổ chức bảo vệ thi công đối với một hộ gia đình, đồng thời tiếp công dân tại Tỉnh ủy để giải quyết khiếu nại của hộ ông La Quang Chinh, thôn Làng Ẻn, xã Bạch Xa. Sau quá trình tuyên truyền, vận động, hộ gia đình ông Chinh đã đồng ý nhận kinh phí bồi thường.

Phương án bồi thường và các quyết định thu hồi đất đã được phê duyệt, triển khai chi trả đầy đủ tại 45/45 thôn, tổ dân phố thuộc 11 xã, thị trấn. Đến nay, 1.381/1.410 hộ đã nhận tiền bồi thường với tổng số tiền 756,587 tỷ đồng; được thông báo bốc thăm vị trí lô đất để di chuyển nhà ở, tài sản.

Những quả đồi được hạ cấp, san gạt phục vụ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Những quả đồi được hạ cấp, san gạt phục vụ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, giải quyết vướng mắc và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để các hộ dân còn lại đồng thuận nhận bồi thường, sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công.

Các đơn vị liên quan, bao gồm UBND các xã, thị trấn, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tuyên Quang cùng các Công ty Lâm nghiệp, được yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng sau đối thoại. Việc này nhằm tháo gỡ điểm nghẽn, đảm bảo tiến độ triển khai tuyến cao tốc.

Huyện cũng đẩy nhanh việc đầu tư, xây dựng hạ tầng tại các khu tái định cư, sớm hoàn thiện các hạng mục còn lại để tổ chức bốc thăm vị trí cho 103 lô đất, đáp ứng nhu cầu tái định cư của 86 hộ dân.

Bên cạnh đó, công tác phê duyệt phương án bồi thường, thu hồi đất đối với diện tích không đủ điều kiện bồi thường và đất lâm nghiệp đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng được đẩy mạnh. Sau thời gian công khai theo quy định, các quyết định thu hồi đất sẽ được phê duyệt để hoàn tất các thủ tục pháp lý.

Đến nay tỉnh Tuyên Quang đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Đến nay tỉnh Tuyên Quang đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh.

Đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, huyện yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất tổng hợp và đề xuất tạm ứng kinh phí hàng ngày cho các hộ đã đồng ý với dự thảo phương án bồi thường. Việc chi trả sẽ được thực hiện kịp thời, phấn đấu hoàn thành bàn giao mặt bằng trước ngày 5/4/2025.

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang có tổng chiều dài toàn tuyến là 105km, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng; đi qua địa phận của thành phố Tuyên Quang và các huyện Hàm Yên, Yên Sơn là 69,7km.

Tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu, đến ngày 5/4 sẽ cơ bản đảm bảo bàn giao mặt bằng sạch cho các đơn vị thi công triển khai dự án, đoạn qua địa phận địa phương này.

Xem thêm
Phân luồng giao thông phục vụ cầu truyền hình ‘Bản trường ca hòa bình’

Tỉnh Đắk Lắk thực hiện phân luồng giao thông tại nút giao khu vực Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột để phục vụ chương trình ‘Bản trường ca hòa bình’.

Sốt đất xuyên tỉnh: [Bài 2] Kỷ lục giá liên tục bị phá

Từ sau Tết Nguyên đán, Hưng Yên tổ chức liên tiếp các cuộc đấu giá đất, mức giá kỷ lục liên tục được xác lập, giá đất sau cao hơn nhiều so với mức trước.

Bình luận mới nhất