Nông thôn là "miếng bánh màu mỡ" của Asanzo. Ảnh: Zing |
Thành lập vào năm 2013, thời điểm công nghệ còn khá đắt đỏ, xa lạ với khu vực nông thôn, bằng chiến lược “bình dân hóa công nghệ”, Chủ tịch Phạm Văn Tam và Asanzo liên tục nói đó là sản phẩm “thương hiệu Việt”, sản phẩm “công nghệ Nhật Bản”, nhằm “đánh” vào tâm lý, vào điều kiện của người nông dân.
Đó là một chiến lược hoàn toàn đúng đắn, thể hiện phẩm chất kinh doanh tuyệt vời bởi nông thôn là nơi chiếm lĩnh 70% dân số, một “miếng bánh” thực sự khổng lồ.
Và thực tế chứng minh, chỉ cần nhìn vào những con số thống kê (được công bố) có thể khẳng định, chính niềm tin của người nông dân đã nuôi dưỡng Asanzo “lớn nhanh như Phù Đổng”.
Asanzo khởi đầu bằng việc buôn bán các sản phẩm điện gia dụng và hàng điện tử. Nhiều thông tin nói Chủ tịch Phạm Văn Tam không kinh qua một trường lớp đào tạo kinh doanh nào và khởi nghiệp với những đồng vốn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, sau 5 năm, 2018, Asanzo công bố số liệu doanh thu vượt ngưỡng 5.000 tỉ đồng, tăng trưởng 35% so với năm trước đó.
Không thể phủ nhận, Chủ tịch Phạm Văn Tam và Asanzo đã dày công nghiên cứu cực kỹ nông dân, nông thôn để đạt được những bước tiến thần tốc như vậy.
Asanzo hiểu nông thôn, nông dân đến mức sản xuất riêng tivi chạy ắc quy cho nông dân vùng sông nước miền Tây, tivi chống oxy hóa cho vùng nắng gió miền Trung và lược bỏ những tính năng được cho là thừa thãi, người nông dân không cần thiết để giảm thiểu giá thành…
Chiến lược ấy, rất nhanh chóng, giúp Asanzo bán 1 triệu chiếc tivi cho nông dân mỗi năm.
Các sản phẩm gia dụng khác như nồi cơm điện, ấm nấu điện, lò vi sóng, máy lạnh, máy làm mát, máy lọc nước, loa karaoke... cũng đạt lượng bán vài triệu sản phẩm một năm nhờ chiến lược “bình dân hóa công nghệ”.
Nói cách khác, ở nông thôn, Asanzo không có đối thủ. Hàng nghìn đại lý, hàng vạn điểm kinh doanh của Asanzo phủ khắp từ đất mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái với thiên sứ “phục vụ nông dân Việt”.
Hàng nghìn tỷ đồng thu từ niềm tin của người nông dân khiến Chủ tịch Phạm Văn Tam xúc động. Những khái niệm “thương hiệu Việt”, “tự hào dân tộc trong mỗi người tiêu dùng” thường xuyên được nhắc đi nhắc lại khi nói về doanh thu và hành trình vươn lên thành “cá mập” của Asanzo.
Asanzo cũng công bố, 99% công nhân viên của Asanzo đều đến từ các vùng nông thôn và được đào tạo bài bản trong 3 tháng bởi các chuyên gia nhiều kinh nghiệm từ nước ngoài. Như một sự tri ân với nguồn thu chính của họ.
Điều đó tốt không? Quá tốt. Nhưng nếu nhập từ Trung Quốc 1 sau đó lợi dụng niềm tin của người nông dân, dán nhãn mác Việt Nam để đánh tráo khái niệm, đánh lừa niềm tin của họ thì chắc chắn là tội ác.
Những ngày giữa tháng 6, báo chí liên tiếp thông tin về CTCP Tập đoàn Asanzo, doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử vẫn tự quảng bá là "hàng Việt Nam, đỉnh cao công nghệ Nhật Bản" nhưng cuối cùng lại là "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt".
Trước thông tin xóa bỏ tem nhãn Trung Quốc thay vào bằng tem hàng Việt, ông chủ Asanzo lý giải, chữ “Made in China” không bị xóa bỏ mà nằm bên trong phần vỏ nhựa bao bọc bên ngoài và chúng tôi chỉ dán dòng chữ “xuất xứ Việt Nam” bên ngoài sản phẩm hoàn thiện.
Theo ông Phạm Văn Tam, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm đã không còn mới. Tuy nhiên, khi gắn nhãn bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Vietnam” trên sản phẩm của mình.
Với mặt hàng gia dụng, khi bị tố cáo nhập “nguyên con” các sản phẩm điện gia dụng rồi dùng thương hiệu Asanzo bán ra thị trường thì CEO Phạm Văn Tam cho rằng: sau khi các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng những chính sách thuế ưu đãi theo các hiệp định thương mại thì Asanzo đã không thể cạnh tranh nổi. Những năm 2015-2017 Asanzo có lắp ráp, đến năm 2018 khi thuế nhập khẩu về 0% dẫn đến sản phẩm trong nước không thể cạnh tranh với hàng nước ngoài. Do đó, từ cuối năm 2017 Asanzo đã bỏ một số sản phẩm gia dụng, và chuyển lại cho các công ty phụ trợ phát triển, chỉ tập trung làm tivi.
Asanzo và ông Phạm Văn Tam tìm nhiều cách để giải thích nhưng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định, một trong những quyền cơ bản của người tiêu dùng là được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hóa, về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Việc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về hàng hóa mà tổ chức, cá nhân cung cấp, là hành vi bị cấm.
"Có thể nói, bất cứ tổ chức, cá nhân kinh doanh nào không chấp hành những quy định trên, đều là vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", ông Hùng nói.
Đưa hàng về nông thôn. Ảnh: VnEpress. |
Asanzo và “cá mập” Phạm Văn Tam bị “bóc phốt” đã tạo nên cơn sóng dữ dội từ dư luận và hàng đặt loạt doanh nghiệp khác vào sự ngờ vực. Từ Kangaroo, Sunhouse đến nhiều doanh nghiệp chuyên cung cấp hàng điện tử, gia dụng khác…
Còn nhớ, cách đây chưa lâu, doanh nghiệp Khaisilk có hành vi lừa dối người tiêu dùng khi nhập lụa Trung Quốc về rồi dán mác "Made in Việt Nam". Doanh nghiệp này đã bị cơ quan chức năng xử lý và người tiêu dùng tẩy chay.
Không một doanh nghiệp kinh doanh nào thành công bền vững từ sự lọc lừa với khách hàng.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, đã đến lúc cần phải giúp người tiêu dùng nhận biết thế nào là hàng Việt Nam để ưu tiên sử dụng, trong đó việc làm rõ khái niệm thế nào là hàng Việt Nam là yêu cầu tối quan trọng. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, có một số doanh nghiệp lợi dụng tâm lý ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam để giả mạo nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm…
Xin thưa, câu chuyện “hàng Việt Nam” và Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được thực hiện từ gần 10 năm nay, nhưng đến thời điểm này, người tiêu dùng vẫn đang “bơi” trong ma trận hàng hóa bởi những nhập nhèm về khái niệm.
Từ câu chuyện của Khải Silk, của Asanzo, hàng loạt “thương hiệu Việt” như Kangaroo, Sunhouse và những doanh nghiệp “hàng Việt Nam chất lượng cao” khác thì không thể phủi trách nhiệm về công tác quản lý.
Chúng ta có cả một hệ thống cơ quan chức năng rất đồ sộ, từ hải quan, quản lý thị trường, có cả Ban chỉ đạo 389, nhưng vì sao việc phát hiện những hành vi lừa dối người tiêu dùng lại cực kỳ hạn chế?
Và những “cá mập” vẫn tự ghi xuất xứ trên những sản phẩm của mình. Để rồi, hậu quả như thế nào không ai có thể lường hết được.