Sát cánh với nông dân
Trong những năm qua, thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ - CP và Nghị định số 116/2018/NĐ - CP của Chính phủ, Agribank Chi nhánh tỉnh Bình Định (viết tắt là Agribank Bình Định) đã chủ động phối hợp với các cấp chính quyền địa phương và hội đoàn thể, cung ứng kịp nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản.
Nguồn vốn của Agribank Bình Định đến được với nông dân thông suốt là nhờ trong quá trình triển khai, ngân hàng đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh.
Thông qua các chương trình tín dụng và cung ứng sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích khu vực nông thôn, Agribank Bình Định đã kịp thời đáp ứng đầy đủ vốn với lãi suất cho vay ưu đãi, phục vụ nhu cầu của nông dân, doanh nghiệp.
Hiệu quả trông thấy từ nguồn vốn của Agribank Bình Định là đã góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen trên địa bàn, đồng thời khẳng định vai trò chủ đạo của ngân hàng thương mại Nhà nước trong việc cung ứng vốn và sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Nhờ vào nguồn vốn này, nông dân ở Bình Định đã có những bước bức phá trong tái cơ cấu nông nghiệp.
Anh Võ Văn Hiệu (36 tuổi), 1 chủ gia trại nuôi heo ở thôn Vĩnh Hòa, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân), thường xuyên có trong chuồng đàn heo thịt hơn 200 con và hơn 20 heo nái sinh sản, là người nhận thấy nguồn vốn của Agribank Bịnh Định hiệu quả như thế nào trong công cuộc chăn nuôi của mình.
Anh Hiệu cho hay: “Năm 2012, tôi dồn hết vốn liếng trong nhà đầu tư 850 triệu đồng xây dựng chuồng trại, bắt đầu công cuộc nuôi heo. Chuồng trại xây xong, hết vốn, vậy là tôi vay của Agribank huyện Hoài Ân 200 triệu đồng để mua heo giống về thả nuôi.
Từ đó đến nay, nghề chăn nuôi heo lúc thăng lúc trầm, khó khăn nhất là giai đoạn dịch tả lợn châu Phi hoành hành trên địa bàn, nhiều hộ chăn nuôi heo lâm cảnh trắng tay. Thế nhưng nhờ những chính sách tín dụng của Agribank nên người chăn nuôi ở đây mới bám trụ được với nghề”.
Doanh số cho vay để phát triển tam nông của Agribank Bình Định tăng trưởng từng năm. Nếu như năm 2015 doanh số cho vay là 7.297 tỷ đồng, dư nợ đạt 5.045 tỷ đồng thì sang năm 2016 con số này đã tăng trưởng đến 7.651 tỷ đồng, dư nợ đạt 5.687 tỷ đồng; năm 2017 tăng đến 9.604 tỷ đồng, dư nợ đạt 7.064 tỷ đồng; năm 2018 tiếp tục tăng lên 10.400 tỷ đồng, dư nợ đạt 7.595 tỷ đồng và năm 2019 tăng đến 11.766 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.706 tỷ đồng.
Đến thời điểm 30/4/2020, mặc dù ảnh hưởng dịch Covid – 19 nhưng doanh số cho vay cũng đã đạt 3.521 tỷ đồng; dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 8.486 tỷ đồng với 43.944 khách hàng được vay vốn, chiếm tỷ trọng 84,5% trong tổng dư nợ cho vay phát triển kinh tế.
Cánh cửa mở rộng
Với những điểm mới trong Nghị định 116, đặc biệt là việc nâng hạn mức vay không thế chấp tài sản từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng cho khách hàng cư trú ngoài khu vực nông thôn; tăng từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng cho khách hàng cư trú trong khu vực nông thôn đã tạo điều kiện cho nhiều khách hàng tiếp cận được với gói vay đầu tư cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Thế Kỷ ở thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước), 1 nông dân nhờ vào nguồn vốn của Agribank đã “nâng cấp” từ chăn nuôi nhỏ lẻ lên thành trang trại và vươn lên làm giàu.
“Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay phát triển nông nghiệp với nhiều ưu đãi của Agribank, từ vốn vay tín chấp ban đầu với số tiền 50 triệu đồng, tôi gầy dựng trang trại chăn nuôi nhỏ, sau tăng dần lên quy mô 50 con heo, 1.000 con gà đẻ trứng.
Việc chăn nuôi có kết quả tốt, đến nay tôi đã đủ tài sản thế chấp để vay với mức 300 triệu đồng tại Phòng giao dịch Agribank Gò Bồi thuộc xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) để đầu tư sản xuất, mở rộng quy mô trang trại, hàng năm cho gia đình tôi thu nhập trên 200 triệu đồng. Với việc Nhà nước điều chỉnh nâng hạn mức như hiện tại, rõ ràng người nông dân đang đứng trước nhiều cơ hội tốt để tổ chức sản xuất, thoát nghèo vươn lên làm giàu”, ông Kỷ bộc bạch.
Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Bình Định, đơn vị này đã cùng với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Đình ký kết thỏa thuận liên tịch nhằm phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện chính sách tín vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; xác định đây là ưu tiên hàng đầu.
Agribank Bình Định đã chỉ đạo các chi nhánh loại II trong tỉnh chủ động phối hợp với các cấp Hội cơ sở triển khai cụ thể quy trình, thủ tục vay vốn qua tổ tại địa bàn cơ sở; xây dựng chương trình phối hợp thực hiện thỏa thuận liên ngành, góp phần triển khai tốt chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.
“Nguồn vốn vay từ Agribank đã hỗ trợ tích cực cho người dân có vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, nhờ đó góp phần giúp cho nhiều hộ dân thiếu vốn có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất cải thiện cuộc sống.
Để đưa chính sách hỗ trợ “tam nông” của Chính phủ đi vào đời sống, Agribank Bình Định triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, tư vấn đến người dân và các thành phần kinh tế khác.
Đồng thời, chỉ đạo các phòng giao dịch trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể tại các địa phương đẩy mạnh hoạt động cho vay theo quy định”, ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Agribank Bình Định.