| Hotline: 0983.970.780

Đa số ĐBQH tán thành bổ sung vốn điều lệ cho Agribank không quá 3.500 tỷ

Thứ Tư 10/06/2020 , 17:43 (GMT+7)

Tại phiên họp chiều 10/6, đa số ý kiến ĐBQH tán thành tăng vốn điều lệ cho Agribank tối đa không quá 3.500 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2019.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, đầu tư cho Agribank thu được lợi nhuận rất cao.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, đầu tư cho Agribank thu được lợi nhuận rất cao.

Nhất trí tăng vốn điều lệ cho Agribank

Chiều 10/6, tại phiên thảo luận về việc tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trong chương trình nghị sự kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đã có 10 đại biểu tham gia ý kiến. Trong đó, 9 ý kiến nhất trí và khẳng định sự cần thiết của việc tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này. Chỉ có 1 ý kiến băn khoăn, đề nghị Thống đốc ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng giải trình thêm để làm rõ.

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), nhiều năm qua Agribank chưa được Nhà nước bổ sung vốn điều lệ. Tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản. Từ đó, tỷ lệ an toàn vốn bị suy giảm, dẫn đến nguy cơ giảm vị thế, vai trò của Agribank trong hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, Agribank là ngân hàng nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, và vốn điều lệ chỉ được bổ sung từ ngân sách nhà nước. Nguồn vốn của Agribank chủ yếu phục vụ đầu tư các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế. Và thực tế đã khẳng định, việc đầu tư vào các ngân hàng thương mại, trong đó có Agribank đều sinh lời cao.

70% dư nợ cho vay của Agribank nằm ở khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Ảnh: Minh Phúc.

70% dư nợ cho vay của Agribank nằm ở khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Ảnh: Minh Phúc.

“Agribank được tăng vốn, đồng nghĩa với hàng triệu nông dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với đồng vốn hợp lý để phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, tăng lợi nhuận và nộp thuế cho nhà nước”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, việc bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 để chi bổ sung vốn điều lệ thêm 3.500 tỷ đồng cho Agribank là rất cần thiết.

Cũng theo ông Trần Hoàng Ngân, vào thời điểm cuối năm 2019, vốn điều lệ của Agribank là 30.591 tỷ đồng, và nếu được bổ sung thì sẽ tăng lên khoảng 34.000 tỷ đồng. Tín dụng của Agribank thì 70% đi vào khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp Agribank tăng khả năng huy động vốn, từ đó tăng dư nợ cho vay, mở rộng tín dụng. Nhà nước cần phải hỗ trợ vào khu vực này để nâng cao đời sống vùng nông thôn.

Quan trọng nhất là không phải chúng ta chi 3.500 tỷ cho tiêu dùng, mà là chi đầu tư để thu lợi nhuận cao. Minh chứng cho luận điểm trên, vị đại biểu TP. Hồ Chí Minh cho biết, năm 2019 vốn điều lệ của Agribank là hơn 30.000 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế đạt trên 13.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt 11.048 tỷ đồng. Đây là tỷ suất lợi nhuận quá cao, cho nên đầu tư vào ngân hàng Agribank thì hiệu quả. Năm 2019, Agribank cũng nộp ngân sách 6.300 tỷ đồng, nên chúng ta có thể tự tin để hỗ trợ vốn.

Cấp vốn tín dụng cho "tam nông" thì cử tri nhất trí cao

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, Nhà nước có "4 đứa con" trong lĩnh vực ngân hàng. Mỗi ngân hàng phụ trách những mảng khác nhau, nhưng Agribank là ngân hàng gắn liền và chặt chẽ với nông dân, nông nghiệp và nông thôn.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trong một lần phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trong một lần phát biểu tại Quốc hội. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội.

“Có người nói với tôi mặc dù là đứa con đẻ 100% vốn Nhà nước, nhưng khi ra ở riêng chưa cấp được đồng nào, chưa cho nồi niêu, xoong, chảo cho nó. Rất đáng phải suy nghĩ”, Đại biểu tỉnh Bến Tre chia sẻ.

Ông cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ ngay từ đầu Kỳ họp thứ 9 đã khẳng định, trong đại dịch Covid-19, mới thấy được giá trị của nền nông nghiệp Việt Nam. Nó không chỉ có giá trị với nước ta mà đối với toàn thế giới. Chúng ta đầu tư cho nông nghiệp là đầu tư thông minh, và hiện nay chúng ta cũng đang thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, hướng đến đầu tư phát triển cho khu vực dân tộc, miền núi.

Tất cả những vấn đề này rất cần vai trò gánh vác, lăn lộn của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò cung cấp tín dụng của Agribank. Và việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank thực chất là sử dụng ngân sách thông qua dòng vốn tín dụng để hỗ trợ khu vực nông nghiệp, nông thôn. Đây là hình thức đầu tư phát triển nhân văn và hết sức cần thiết.

“Chúng ta dùng ngân sách để đầu tư cho lĩnh vực nào đó thì còn gợn, chứ cấp vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn thì cử tri rất hoan nghênh. Và tôi rất đồng tình với ý kiến của đại biểu Trần Hoàng Ngân”, ông Nhưỡng nói.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), đề xuất của Chính phủ về việc dùng 3.500 tỷ đồng từ nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2019 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là hợp lý. Vì theo Nghị quyết số 936 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Chính phủ hơn 14.000 tỷ để bù thu và xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Do đó, nếu đây là nội dung cấp bách, thì Chính phủ hoàn toàn có thẩm quyền để sử dụng nguồn vốn đó.

Đồng tình về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank, phát biểu tại hội trường Quốc hội, các đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu); Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương); Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang); Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) và Nguyễn Phước Lộc (TP. Hồ Chí Minh) cũng nhất trí cao và cho rằng, đây là nội dung cần thiết, đề nghị Quốc hội chấp chuận, cho phép Chính phủ sử dụng tối đa không quá 3.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ cho Agribank.

Xem thêm
Rau quả Việt Nam có cơ hội ở Thụy Điển nhờ khác biệt mùa vụ

Thụy Điển là thị trường có tiềm năng lớn với rau quả Việt Nam, do thị trường này nhập khẩu rau quả với khối lượng lớn và sự khác biệt về mùa vụ.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Syngenta hỗ trợ xây trường học và nhà ở cho hộ nghèo

ĐẮK LẮK Syngenta Việt Nam hỗ trợ xây nhà ở cho 2 gia đình có hoàn cảnh khó khăn và 1 điểm trường tại xã Tân Tiến và Vụ Bổn (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk).