| Hotline: 0983.970.780

Bắc Giang tăng số lượng lò sấy vải

Thứ Ba 01/06/2021 , 16:17 (GMT+7)

Nhằm chuẩn bị cho nhiều kịch bản tiêu thụ vải khi vào chính vụ, Sở NN-PTNT Bắc Giang sẵn sàng tăng số lượng lò sấy lên 2.000, gấp ba lần hiện tại.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thăm hợp tác xã sản xuất vải thiều tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang chiều 31/5. 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan thăm hợp tác xã sản xuất vải thiều tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang chiều 31/5. 

Tăng số lò sấy

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), Bắc Giang hiện có khoảng 600 lò sấy vải, công suất dao động từ 5.000 đến 10.000 tấn. Nếu hoạt động hết công suất khi vải thiều vào chính vụ, các lò sấy này có thể sấy khô được khoảng 30.000 tấn vải, chiếm gần 20% tổng sản lượng vải Lục Ngạn trong mùa thu hoạch 2021.

Tại Việt Nam, vải sấy khô được tiêu thụ giống như một món ăn vặt, làm nguyên liệu nấu chè, ngâm rượu, thậm chí làm dược liệu. So với vải tươi, vải sấy khô có thời gian bảo quản, lưu trữ dài hơn nhiều.

Nhờ đặc tính này, ngành nông nghiệp Bắc Giang xem lò sấy là một giải pháp tiêu thụ vải thiều, trong tình huống vận chuyển vải tươi gặp khó khăn.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang cho biết: "Tỉnh đã lên kịch bản và chuẩn bị tổng cộng khoảng 2.000 lò sấy, xây dựng chủ yếu ở ba huyện Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế. Với công suất có thể tới 10.000 tấn, lượng lò sấy này có thể giải quyết đầu ra cho quả vải".

Song song với việc lên kế hoạch xây lò sấy, tỉnh Bắc Giang còn nghiên cứu công nghệ để giữ độ tươi, ngon của quả vải sau khi sấy. Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang trăn trở: "Làm thế nào để vải thiểu Lục Ngạn giữ được hương vị thơm ngon quanh năm như hồng sấy là chúng tôi mãn nguyện".

Theo tìm hiểu, vải sấy hiện nay chủ yếu bằng phương pháp thủ công. Vải được xếp trong lò xây, sử dụng nhiệt do nhiên liệu đốt là than hoặc củi. Phương pháp này thường làm mất màu sắc của vỏ quả vải, đồng thời long vải cũng chuyển sang màu nâu đen. Vải sau khi sấy bị giảm lượng nước và hiện chỉ tiêu thụ ở thị trường trong nước.

Với một số loại máy sấy hiện đại, quả vải giữ được chất lượng, màu sắc và hương vị tự nhiên giống quả tươi hơn. Tuy nhiên, do chi phí, những máy sấy này chưa phổ biến nhiều.

Buổi làm việc giữa Bộ NN-PTNT và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang chiều 31/5. Ảnh: Bảo Thắng.

Buổi làm việc giữa Bộ NN-PTNT và lãnh đạo tỉnh Bắc Giang chiều 31/5. Ảnh: Bảo Thắng.

Định hướng thị trường

Vải thiều Lục Ngạn đã xuất khẩu sang Nhật Bản từ năm 2020. Năm nay, quả vải Lục Ngạn tiếp tục chinh phục thành công thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Bắc Giang, vải thiều bán ở thị trường Nhật Bản có giá từ 350.000 - 500.000 đồng/kg.

Xuất khẩu vải thiều là hướng đi mang tính chiến lược lâu dài cho vải thiều Lục Ngạn nói riêng và nông sản Bắc Giang nói chung. Năm nay, do vướng mắc về quá trình vận chuyển vì ảnh hưởng của Covid-19, tỉnh Bắc Giang định hướng tăng tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Bắc Giang. Ảnh: Bảo Thắng.

Cũng trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Bí thư Dương Văn Thái đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan trình Thủ tướng, nhằm tạo điều kiện cho Bắc Giang có một mùa vải thành công.

"Bắc Giang đang phát triển nông nghiệp toàn diện. Ngoài đặc sản vải thiều Lục Ngạn, tỉnh còn trồng khoảng 15.000 tấn dứa. Năng suất bưởi da xanh ở Lục Ngạn cũng cho kết quả tốt. Về chăn nuôi, Bắc Giang có 1,1 triệu con lợn, 16 triệu con gà - đứng tốp đầu cả nước", ông Thái nói. 

Về xuất khẩu, tỉnh đã cử hai tổ công tác thường trực tại hai tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn - cửa ngõ xuất khẩu nông sản chính sang Trung Quốc. "Nếu có bất cứ khó khăn gì, hai tổ công tác này cần tháo gỡ ngay cho các doanh nghiệp", ông Thái nhấn mạnh.

Bắc Giang đang đứng đầu cả nước về số ca mắc Covid-19 trong đợt bùng phát từ hôm 27/4. Tuy nhiên, ông Dương Văn Thái khẳng định, tất cả số ca F0 phát hiện đều ở trong các khu công nghiệp và sớm được cách ly tập trung. Tại các xã trồng vải chính như Hồng Giang, Nam Dương, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp của huyện Lục Ngạn, tỉnh đã bố trí xét nghiệm toàn bộ hộ dân và nhân khẩu, đảm bảo khu vực sạch bệnh.

"Dự kiến trong tuần tới, Bắc Giang sẽ khống chế được dịch và tập trung dập dịch", ông Dương Văn Thái bày tỏ.

Xem thêm
Các nhà báo đã chung tay lan tỏa 'câu chuyện Việt Nam'

Gặp gỡ báo giới đầu năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các nhà báo đã cùng nhau kể 'câu chuyện Việt Nam', đẹp và đáng tự hào.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Làng quê ngày cận Tết: Lá dong Tràng Cát vào 'mùa cưới'

'Cưới lá' là cách người Tràng Cát gọi mùa thu hoạch lá dong nửa cuối tháng Chạp, khi cả làng rộn ràng căng bạt che lá, tạo khung cảnh như những đám cưới.

Ba người đàn ông ở thung lũng trong mơ

Tròn mười năm tôi mới trở lại thung lũng trong mơ ấy, nếu không có Tạ Xuân Anh - cán bộ Chi cục Chăn nuôi Thú y tỉnh Ninh Bình dẫn vào thì đã lạc đường.